Aa

Một thoáng chợ quê

Chủ Nhật, 19/06/2022 - 06:15

Những thứ quà quê mộc mạc, giản dị, khiêm nhường… là hình bóng quê nhà và là cả vùng trời ký ức tuổi thơ khiến ai đi xa cũng nhớ về...

Nét quê của chợ quê

Tôi có sở thích là đi chợ. Đến đâu tôi cũng thích đi chợ, có khi chả mua gì mà chỉ để nghe, để hóng và để tìm hiểu về nếp sống văn hóa, ứng xử của con người địa phương. Đi từ những phiên chợ vùng cao đến chợ ở những miền quê nghèo mái lá liêu siêu, rồi chợ lớn ở các thành phố, mỗi nơi một kiểu chợ... Nhưng có lẽ chợ ở những vùng quê luôn đọng lại trong tôi niềm vui mỗi khi đến chợ, có lúc tôi tự nhận rằng “phiên chợ cho tôi mua được nụ cười”...

Phiên chợ quê tôi muốn kể ở đây là chợ Sơn ở xã Nghi Thạch, Nghi Lộc, Nghệ An. Theo nhiều người kể thì chợ Sơn được hình thành từ cách đây gần 600 năm, gắn liền với những công trạng của Cương Quốc Công Nguyễn Xí. Trải qua biết bao thăng trầm của thời gian, nơi đây vẫn còn lưu giữ được nét đẹp phiên chợ quê của làng Long Tráo xưa.

Hàng tháng, chợ Sơn chỉ họp vào các phiên ngày lẻ (âm lịch). Ngày trước còn có phiên chợ mua bán động vật như trâu, bò, lợn, gà… thu hút người dân khắp nơi nhưng giờ phiên chợ động vật không còn nữa mà chủ yếu là hàng hóa từ đồ dân dụng đến thực phẩm, lương thực và quà quê…

Nụ cười cô hàng bánh
Cô bán trầu cau
Bác bán đồ tre nứa
Ai cũng tươi lắm

Đi chợ mua được nụ cười

Thường nghe người ta khi bỉ bôi chuyện gì đó không trật tự, ầm ĩ là "cứ như cái chợ". Chợ là gì chứ, đương nhiên là nơi mua bán, là nơi nói thách để mặc cả, cũng là nơi để gặp gỡ hỏi thăm nhau…

Ngày xưa người ta thích đi chợ, nhất là chợ phiên, cứ như đến hẹn để gặp nhau. Giờ thì siêu thị rất nhiều, các mức độ to đẹp khác nhau và hàng hóa ngày càng đa dạng, nhưng người vùng quê, nông thôn vẫn giữ nếp đi chợ phiên.

Đến anh hàng thịt cũng cười thật lành
Cô hàng thuốc nam
Cô thợ may ở chợ
Ông thợ hàng sắt

Phiên chợ quê thích thật, vừa mua vừa bán, chuyện trò râm ran và cách họ giao lưu với người không phải quê cũng thật vui. Tôi người Bắc vào xứ Nghệ nhập gia rồi đi chợ, tiếng khác hẳn. Người nhà dặn nên nói ít thôi không bị bắt nạt, nhưng ngược lại tôi đi chợ phiên và mua được nụ cười.

Ấn tượng quà quê chợ Sơn

Ở đây hai dãy hàng quà thật nhộn nhịp, người mua về, người ăn tại chỗ. Đủ loại từ bánh gói, bánh chưng, bánh rán, hàng tiết luộc, các loại nộm, ốc luộc… nhưng nhiều người mua nhất là hàng bánh đa kê và bánh đúc đỏ.

Kê Nghệ An, vùn bãi sông Lam nổi tiếng ngon, thơm, bùi béo, phần vì chất đất ở đây, phần vì cách chế biến rất ngon. Bánh đa thơm vừng, quạt giòn, cho kê lên trên, dàn đều rồi phủ lớp đậu xanh nấu bở và chút đường kính trắng.

Bánh đa kê

Ở vùng này chỉ có chợ Sơn còn bán bánh đúc đỏ. Bánh này kẹp với nham chuối (món nộm làm từ gốc cây chuối hột) ngon lắm. Trước đây, bánh được làm từ gạo Luốc đỏ, nhưng giờ thì họ làm bằng gạo huyết rồng, tuy không ngon như trước nhưng vì giống lúa đỏ giờ ít trồng, lại dài ngày nữa.

Bánh đúc đỏ

Những thứ quà quê mộc mạc, giản dị, khiêm nhường… là hình bóng quê nhà và là cả vùng trời ký ức tuổi thơ khiến ai đi xa cũng nhớ về. Có thể những món quà quê này giờ không thật ngon nhưng đó là vị ngon từ nỗi nhớ trong tiềm thức.

Kiểu bán thịt bò chợ Sơn

Từ lâu lắm mới lại bắt gặp kiểu bán thịt thế này. Ai mua đâu thì xẻo đến đấy theo yêu cầu. 

Tôi gặp nhiều người mua thịt bò ở đây, họ là người xã khác, cả huyện bên cạnh. Theo họ, nguồn thịt bò ở đây ngon vì bò từ miền Tây Nghệ An về, nhưng cách làm thịt bò ở đây cũng khác nên miếng thịt không bị mùi hôi như nơi khác.

Vợ chồng người bán thịt có thâm niên lâu nhất ở chợ, thì có hôm họ bán được cả 3 con bò mà chỉ đến 9 rưỡi, 10 giờ đã hết. Khách mua lẻ có, người mua buôn mang đến chợ khác. Hai vợ chồng to khỏe, luôn tay, nhìn họ vác cả cái đùi bò cũng ấn tượng.

 

Hỏi họ sao có thể quản lý được chất lượng thịt thì chỉ đơn giản là giữ chữ tín từ người nuôi, người bán bò, người bán thịt và người tiêu dùng. 

Vậy đó, ở chợ quê, chất lượng đươc kiểm soát bằng chữ tín, tin nhau ở làng quê, chỉ đơn giản vậy thôi.

Chợ Sơn giờ cũng thay đổi nhiều, có thêm nhiều thứ và mất đi nhiều thứ... nhưng cái "hồn" của chợ quê thì vẫn được giữ như xưa. Thật quý là "đi chợ phiên sắm được nụ cười" và cả vé về thăm quê của ký ức./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top