Aa

Từ cổng làng đến ngõ quê

Thứ Tư, 23/03/2022 - 06:15

Nhớ ngõ quê là nhớ bóng gầy của mẹ lưng còng quét lá. Mẹ quét sân, quét vườn quét cả ra ngoài ngõ cho đẹp làng sạch xóm. Ngõ quê nối nhau giăng mắc vào nhau, ơi ới tiếng mời uống nước chè xanh, ăn củ khoai đầu mùa..

Trong làng quê Việt Nam cổng làng và ngõ quê là những kiến trúc lâu đời thật thân thiết gắn bó với ký ức của mỗi người. Nó như là một định vị, một điểm nhấn khép lại và mở ra gắn bó mỗi cá nhân với cộng đồng để làm nên hồn làng, hồn quê, hồn nước.

Cổng làng là điều đầu tiên gặp khi đặt chân đến làng, là ranh giới giữa các làng với nhau, giữa làng với không gian bên ngoài. Cổng làng được dùng như một quy ước không gian hơn là một giới hạn địa lý của làng. Nó như là một dấu hiệu đánh mốc trong và ngoài của không gian làng, như một nghi thức trong cấu trúc môi trường làng. Cổng làng trải qua năm tháng không chỉ là nơi phân giới địa lý của làng mà trở thành biểu tượng văn hóa của làng quê.

Bên cạnh cây đa, giếng nước, sân đình, cổng làng lại mang một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, tâm thức người Việt. Cổng làng gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng. Dù to hay nhỏ, có thể xây bằng gạch hoặc bằng đá, cổng làng thể hiện cho một nếp sống gia phong, phép tắc, thể hiện cốt cách của người làng. Dù chưa đi vào trong làng, chưa đặt chân tới sân đình, đứng trước cổng làng ta có thể cảm nhận được phần nào cốt cách bề thế của làng tư chất, nếp sống của người dân.

Dù to hay nhỏ, có thể xây bằng gạch hoặc bằng đá, cổng làng thể hiện cho một nếp sống gia phong, phép tắc, thể hiện cốt cách của người làng. Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Điều đó còn thể hiện từ những lời răn dạy, nhắc nhở được viết thành câu đối trước cổng làng. Trong tâm thức của người  xưa, cổng làng luôn có một “chỗ đứng” quan trọng, nhà cửa trong làng có thể tuềnh toàng, cuộc sống còn có thể lam lũ khó  khăn, nhưng cổng làng thì phải được dựng ngay ngắn đàng hoàng. Tôi có dịp đến làng Chùa - quê hương của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ở Hà Đông, nơi đây cả làng làm thơ và hàng năm có ngày Hội thơ của làng “Viết về nguồn cội” vào dịp rằm tháng giêng. Đặc biệt cổng làng của làng Chùa có dòng chữ Hán: “Vọng tử nhập xuất” nghĩa là: Trông chữ để vào làng, vì dân làng Chùa trọng câu thơ, trọng cái chữ và cái tình hơn hết thảy. Quanh chiếc cổng to đẹp ấy đi trên con đường làng chạy dọc theo làng có những tấm biển thơ treo, ví như: “Thơ ca là ngũ cốc trên cánh đồng người”.

Kiến trúc cổng làng truyền thống không cầu kỳ phô trương mà vẫn tôn nghiêm trang trọng thể hiện sự nề nếp kỷ cương của văn hóa làng xã. Cổng làng là điểm nhấn bố cục hài hòa của lũy tre xanh, con đường làng, gốc đa, sân đình và trải ra những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Phía sau cổng làng chính là sự kết nối gắn bó cộng đồng làng xã, là những nét chung về phong tục, tập quán, văn hóa riêng biệt mang dấu ấn bản sắc của từng làng quê. Chiếc cổng làng vì thế đã trở nên thân thuộc gắn bó, gắn liền với những kỷ niệm vui buồn của bao lớp người dân quê, để rồi mỗi người con làng quê vì cuộc sống mưu sinh phải bươn chải làm ăn nơi đất khách quê người, mỗi lần nhớ về quê hương, nơi chôn rau cắt rốn lại bồi hồi, xúc động, nhớ tới cánh cổng làng như bóng dáng vững chải của người thân với bao cảm xúc xốn xang.

Phía sau cổng làng chính là sự kết nối gắn bó cộng đồng làng xã, là những nét chung về phong tục, tập quán, văn hóa riêng biệt mang dấu ấn bản sắc của từng làng quê. Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Tôi cũng đã có dịp về thăm làng cổ Đường Lâm cách trung tâm Hà Nội hơn 50km về hướng Tây. Đây là làng cổ nổi tiếng của mảnh đất hai vua (Ngô Quyền và Phùng Hưng) còn chiếc cổng cổ xưa nhất vẫn được gìn giữ đến tận bây giờ. Nhà văn Hà Nguyên Huyến – người con của làng Mông Phụ (Đường Lâm) đã cho tôi biết cổng làng được xây từ năm 1833. Phía trên tựa dòng chữ “Thế hữu hưng ngơi đại” nghĩa là thời nào cũng có người tài.

Làng có các ngõ khá rộng chạy ngoằn nghèo uốn lượn và được lát gạch ở giữa, cánh cổng nhà được xây bằng gạch đá ong màu nâu rất cổ kính. Bất chợt tôi bỗng nhớ đến những câu thơ đậm chất mộc mạc dân dã của thi sĩ Bàng Bá Lân trong bài thơ “Cổng Làng” của phong trào thơ Mới với cảnh sinh hoạt nông thôn khá sinh động.

Cổng làng mở rộng ồn ào

Nông phu lừng thửng đi vào nắng mai” 

và 

Cổng làng các chị gái non

Dừng chân uể oải chờ cơn gió nồm”.

Từ cơn gió nồm mát rượi thổi qua cánh đồng rợp vàng lúa chín trải rộng mang theo cả hương vị ăm ắp đồng ruộng qua cánh cổng làng rồi len lỏi vào từng xóm thôn đến từng ngõ quê...

Làng quê Việt Nam đều có nét chung, dọc đường làng rất nhiều bóng tre và đan xen vào đó là những ngõ quê, ngõ tre. Ngõ có gì lạ đâu, chỉ là ranh giới để phân biệt nhà này, nhà nọ; tường này, tường kia. Nhưng mỗi cái ngõ của mỗi nhà có một số phận riêng, dáng dấp riêng và tính cách riêng.

Mỗi miền quê, vùng quê, ngõ quê cũng khác. Hình như chủ nhà thế nào thì ngõ nhà thế ấy. Ngõ quê, ngõ nhà cho ta biết được quá khứ đã qua, hiện tại đang sống và tương lai tới gần. Ngõ quê giống như cái bìa sách cẩm nang đời sống mà mở ra ta sẽ bắt gặp muôn sắc thái, sắc màu của sinh hoạt đời thường, của gia phong ứng xử, của nếp nhà, nết người. Ngõ quê đóng và mở, kín và hở. Có cái thâm trầm bí ẩn tường cao cửa rộng, có cái đơn sơ nhưng không tạm bợ bao giờ. Bởi vì, ở đó qua khuôn cửa là định hình một sự vững chãi và mực thước.

Tôi nhớ ngõ quê có khi chỉ là một vòm cong của tán cây được tỉa xén cẩn thận. Đường từ cổng vào nhà là những hàng rào dâm bụt đều tăm tắp có những ngọn dây nan hảo quấn quýt. Lá thì mướt xanh, hoa thì nở thắm với những hàng cau cao vút như một chuẩn mực sống thanh cao, thanh thoát. Từ ngõ vào sân là cả một thế giới bao nhiêu là cây, bao nhiêu là thế. Cây cảnh dáng trực, dáng mềm, có dáng cao sang lại có dáng khiêm nhường ẩn khuất. Cau trước, chuối sau và rất nhiều vườn quê trồng bưởi. Tháng 3 này lại nhớ thi sĩ Xuân Diệu đã từng ngẩn ngơ: “Hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya”. Chỉ có đêm thật khuya, thật vắng mới nhận ra hương bưởi, hương của mái tóc “Người đàn bà giấu tóc vào đêm”.

Ngõ quê giống như cái bìa sách cẩm nang đời sống mà mở ra ta sẽ bắt gặp muôn sắc thái, sắc màu của sinh hoạt đời thường, của gia phong ứng xử, của nếp nhà, nết người. Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Hình như trong mỗi con người đều có những ký ức sâu thẳm, nhất là khi đã xa quê. Vùng nhớ ngõ quê vừa có gì thăm thẳm neo buộc, vừa rộng mở, ôm ấp, vừa nhẹ nhàng đón đưa, vừa dịu dàng khép kín. Nhớ ngõ quê là nhớ bóng gầy của mẹ lưng còng quét lá. Mẹ quét sân, quét vườn quét cả ra ngoài ngõ cho đẹp làng sạch xóm. Ngõ quê nối nhau giăng mắc vào nhau, ơi ới tiếng mời uống nước chè xanh, ăn củ khoai đầu mùa hôi hổi nóng. Mọi tin tức buồn vui cũng bắt đầu từ ngõ quê, ngõ nhỏ mà lan sang, tràn sang vui buồn với cả xóm, cả làng. Cái giàn bầu, giàn bí, cánh tay bí, tay bầu đã nâng đỡ tựa vào nhau để thỏng quả lớn xuống, lớn dần không chỉ bằng hình dáng, mà bằng sự trĩu nặng yêu thương mong được đến gần hơn tay người hái, bởi lưng mẹ ngày một còng thêm...

Đời người theo thời gian già đi, ngõ quê cũng mòn dần theo năm tháng. Tiếng kẹt cửa đôi lúc làm ta giật mình. Bước qua ngõ quê là bước vào một thế giới bình an ăm ắp kỷ niệm. Chạm vào ngõ quê là chạm vào ký ức. Qua bao biến đổi thăng trầm ngõ quê vẫn còn, mở rộng ra cánh cổng làng vẫn còn. Vẫn còn hương ước - hương ước của tình người, hương ước của những nếp gia phong:

May còn cánh cửa ngõ quê

Đi đâu rồi cũng nhớ về… mẹ ơi!”...

Ngõ quê là thế, có thể đo chiều dài bằng những bước chân nhưng làm sao đo được chiều dài nhung nhớ, chiều dài nếp quê. Ngõ quê như vừa để mở ra và như vừa để khép lại. Nó là con sông nhỏ đổ ra dòng sông lớn, là đường làng ngoài kia để từ đường làng ra với tỉnh lộ, quốc lộ. Ngõ quê khép lại một ngày náo nhiệt, khép lại cánh cổng nhỏ để trở về quây quần bên nếp nhà với bao người thân yêu. Tôi nhớ những mỏng cánh chuồn, phất phơ cánh bướm, rù rì tiếng ong dọc hàng rào  ngõ quê. Và những câu thơ của thi sỹ làng quê Việt Nguyễn Bính cứ ngân lên vang vọng như một giai điệu tình yêu nồng nàn và mộc mạc thân thiết biết bao. Đó là khi nhớ lại cái tuổi yêu đương buổi ấy, ngày ấy mà ngõ quê là chứng nhân mến yêu là cái cớ dùng dằng khi:

Láng giềng đã đỏ đèn dầu

Chờ em ăn giập miếng trầu em sang

Đôi ta cùng ở một làng

Cùng chung một ngõ vội vàng chi anh”. 

Ôi cái ngõ nhỏ thân thương: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi – Cách nhau một giậu mồng tơi xanh rờn”. Cái giậu mồng tơi ấy bây giờ nhiều nơi đô thị hóa nông thôn xây thành những bờ tường lởm chởm vỏ chai thủy tinh sắc nhọn và cổng làng có nơi được thay thế bằng cổng chào hiện đại để tiện lợi cho giao thông đi lại. Dù sao thì hồn cốt làng quê Việt vẫn sống trong ký ức bao người như ca dao, dân ca mạch suối nguồn chảy mãi từ cổng làng đến ngõ quê ….

Hà Tĩnh, ngày 19 tháng 3 năm 2022

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top