Aa

Một thông tư “dẫn” người dân... ra Tòa?

Thứ Năm, 23/11/2017 - 20:00

Hiếm có một thông tư (loại văn bản xếp thứ 8 trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật) của một Bộ lại gây ra ồn ào như Thông tư số 33/2017 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Theo đó, từ ngày 5/12/2017, “sổ đỏ” sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất.

Sự kiện này được nhiều người quan tâm bởi lẽ nó động chạm đến quyền sở hữu, quyền định đoạt tài sản của công dân. Phần nữa, quyền sử dụng đất lâu nay và với nhiều gia đình, nó là tài sản lớn, thậm chí là tài sản lớn nhất, dễ gây ra tranh chấp khiếu kiện nhất trong nhiều quan hệ dân sự, kể cả trong quan hệ ruột thịt.

Cái “sổ đỏ” quý hơn vàng ấy nay tự nhiên bắt buộc phải chia sẻ, quả là điều không mấy ai dễ dàng chấp nhận.

Theo thông tư này, đối với hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.

Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)”.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Theo lý giải của ông Đào Trung Chính - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai (Bộ TN&MT): “Quy định bổ sung tên vào sổ đỏ này sẽ tránh được một số tranh chấp trong quá trình mua bán, chuyển nhượng, tuy nhiên không nên kỳ vọng việc một quyển sổ sẽ giải quyết được mọi tranh chấp tài sản. Về pháp luật, nếu là tài sản của ai, thì đứng tên người ấy. Sau này, kể cả là ghi tên thành viên trong gia đình, nhưng khi làm thủ tục chuyển nhượng vẫn phải truy ra những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ghi là ghi tên vào cho đầy đủ, chặt chẽ hơn, còn có ghi hay không vẫn phải thực hiện đầy đủ thủ tục chuyển nhượng như bình thường”.

À, ra thế! Điền tên những thành viên có chung quyền sử dụng đất vào để “tránh được một số tranh chấp trong quá trình mua bán, chuyển nhượng”. Thế nhưng cuộc sống đâu có phải đơn giản như vậy khi dính dáng đến một tài sản chung có tính quyết định như đất đai?

Tôi chỉ xin đặt ra một câu hỏi để các nhà “sáng kiến” ra điều luật này trả lời: Với miếng đất và tài sản trên đất nhà tôi hiện nay, sự đóng góp hình thành nên tài sản này của mỗi thành viên rất khác nhau. Vậy các ông định điền tên họ với vị thế ngang bằng nhau hay sao? Ai sẽ phân định cao thấp, nhiều ít trong khối tài sản này? Liệu với quyết định này có bảo đảm cho gia đình tôi yên ổn hơn hay là gây nên sự bất hòa ngay lập tức trong quan hệ ruột thịt?

Để thực hiện được việc “điền tên lịch sử” này, mỗi gia đình phải họp lại với nhau, phân chia tài sản theo sự đóng góp thành phần trăm (%) tựa như trong công ty cổ phần, sau đó kiến nghị lên Bộ TN&MT sửa đổi thông tư này để điền thêm, sau họ, tên, năm sinh là tỷ lệ % sở hữu. Nếu không nhất trí được thì kéo nhau ra ... Tòa án.

Bởi lẽ, theo Điều 212 Khoản 2 của Bộ Luật Dân sự, “việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”.

Thế là đang yên đang lành, chỉ vì hoàn thiện cái sổ đỏ theo “lệnh trên” mà cả nhà thấp thỏm, lo âu, người nọ nhìn người kia bằng con mắt nghi ngờ như bị tước đoạt...

Thật chẳng oan khi nhận xét vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ thẳng thắn: “Tôi cho rằng những người đề xuất chuyện này không có hiểu biết gì về pháp luật dân sự”. Bởi theo ông, đối với con cái trong gia đình thì trong Bộ luật Dân sự đã nói về quyền thừa kế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top