Aa

MSB “gặp hạn” trước thềm đại hội cổ đông hay lỗ hổng của một hệ thống?

Thứ Hai, 01/04/2024 - 06:00

Chỉ còn hơn nửa tháng nữa, ngân hàng MSB sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2024 với kế hoạch và triển vọng mới. Thế nhưng, cổ đông lại mất vui, khách hàng hoang mang trước những thông tin không mấy tích cực về ngân hàng này.

Cán bộ vi phạm đạo đức trà trộn ở chi nhánh - lỗ hổng của MSB

Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024 do UBND TP. Hà Nội vừa tổ chức chiều 28/3, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội thông tin: Căn cứ kết quả điều tra ngày 18/10/2023, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh (40 tuổi, ở quận Long Biên) - Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) chi nhánh Thanh Xuân. Bước đầu xác định bà Anh đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại với số tiền 338 tỷ đồng.

Từ nửa cuối tháng 3/2024, dư luận xôn xao về vụ việc 58 tỷ đồng trong tài khoản của bà N.T.L (Cầu Giấy - Hà Nội) tại MSB bỗng dưng biến mất. Vị khách hàng này đã làm đơn và vô cùng hoang mang suốt nửa năm qua.

Được biết, theo hướng dẫn của cán bộ Ngân hàng MSB, tài khoản này do MSB quản lý để báo cáo số dư cuối ngày và cuối tháng phục vụ cho việc tính chỉ số giá chứng khoán của MSB, tài khoản không mở được APP trên điện thoại, tiền gửi theo kỳ hạn tham gia 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần, 4 tuần. Đến hết kỳ hạn gửi bà L có nhu cầu rút gốc và lãi hoặc muốn gia hạn kỳ gửi thì thông báo cho MSB trước 1 ngày.

Cụ thể, ngày 30/3/2021 khi chuyển tiền lần đầu tiên, bà L thấy tài khoản được mở đúng tên mình tại Hội sở chính MSB nên đã không nghi ngờ gì và tiếp tục chuyển tiền những lần sau. Mỗi lần chuyển tiền bà L đều nhận được giấy xác nhận thông tin tài khoản/Số dư tài khoản, trên giấy xác nhận đều có chữ ký của những người có thẩm quyền là các Giám đốc Trung tâm khách hàng cá nhân (TTKHCN) hoặc Giám đốc chi nhánh ký và đóng dấu đỏ của Ngân hàng MSB cụ thể gồm: ông Nguyễn Minh Hưng và ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc TTKHCN, bà Bùi Thị Hoài Anh - Giám đốc TTKHCN, giám đốc Chi nhánh

Số dư tiền gửi cho bà L theo giấy xác nhận Thông tin tài khoản/Số dư tài khoản số 432/CV/MSB chi nhánh Thanh Xuân đến thời điểm 10 giờ 8 phút ngày 7/10/2023 là 58.650.000.000 đồng, từ sau ngày 7/10/2023, bà L không thực hiện giao dịch nào khác với MSB. Đến ngày 12/10/2023 bà L phát hiện số dư trong tài khoản chỉ còn 93.640 đồng.

Phản hồi thông tin này, phía MSB chỉ cho biết, trong quá trình tra soát hoạt động, đánh giá cán bộ định kỳ tại các chi nhánh, ngân hàng đã phát hiện có dấu hiệu bất thường liên quan đến một số cán bộ nhân viên với một nhóm khách hàng có quan hệ mật thiết với và đang cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để làm rõ.

Cũng được biết, ngay sau thông tin về phản ánh của bà L, đã có thêm trường hợp khách hàng gặp tình trạng tương tự là chị O (Hà Nội) với số tiền hơn 27 tỷ đồng. 

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, vụ việc xảy ra cho thấy lỗ hổng lớn của hệ thống ngân hàng, lỗ hổng này có thể là từ quy trình ngân hàng, có thể từ việc thực hiện các quy định nội bộ, cũng có thể là do đạo đức kinh doanh của một bộ phận cán bộ ngân hàng và cuối cùng là quy định trong hệ thống ngân hàng chưa đủ chặt chẽ. Trong trường hợp nhiều khách hàng cùng bị lừa lên tới hàng trăm tỷ đồng trong nhiều năm thì nguyên nhân nằm ở chính khâu quản lý.

Vụ việc xảy ra cho thấy lỗ hổng lớn của ngân hàng, lỗ hổng này có thể là từ quy trình ngân hàng, có thể từ việc thực hiện các quy định nội bộ, cũng có thể là do đạo đức kinh doanh của một bộ phận cán bộ ngân hàng và cuối cùng là quy định trong hệ thống ngân hàng chưa đủ chặt chẽ.
MSB “gặp hạn” trước thềm đại hội cổ đông hay lỗ hổng của một hệ thống?- Ảnh 1.TS. Nguyễn Trí Hiếu

Đạo đức cán bộ nhân viên của ngân hàng MSB ở địa phương cũng đã từng được cảnh báo trước đó. Hồi giữa năm 2023, Công an TP. Thái Nguyên cho biết, nhận được đơn của chị Hoàng Diệu Linh tố cáo bà Trần Thị Thuỳ Ninh – nhân viên làm việc tại MSB - Chi nhánh Thái Nguyên lừa khách hàng mua bảo hiểm khi đi gửi tiết kiệm.

Sau khi xem xét nội dung, tài liệu kèm theo văn bản và các quy định của pháp luật, đơn vị xác định nội dung nêu trong Đơn tố cáo của chị Linh thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên… Và cho đến nay vụ việc vẫn chưa công bố kết quả.

Sức khoẻ tài chính và uy tín của MSB trước thềm ĐHCĐ

Theo kế hoạch ban đầu, MSB dự kiến tổ chức đại hội cổ đông lần thứ 32 vào ngày 10/4/2024 tại Hà Nội. Sau đó Hội đồng quản trị (HĐQT) MSB đã thông qua Nghị quyết về việc lùi thời gian tổ chức đại hội từ xuống ngày 23/4/2024. Lý do là để hoàn thiện công tác chuẩn bị đại hội.

Dự kiến đại hội sẽ thông qua các báo cáo hoạt động kinh doanh, thành tựu của năm 2023, kế hoạch kinh doanh trong năm 2024 và các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông, đồng thời bầu bổ sung 02 thành viên Hội đồng quản trị cho nhiệm kỳ VII (2022 – 2026).

Tính đến thời điểm hiện tại, MSB chưa công bố báo cáo tài chính quý I/2024. Tuy nhiên, theo dữ liệu tài chính quý IV/2023, cho thấy thu nhập lãi thuần tăng 284 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế ở mức gần 484 tỷ đồng, tương ứng giảm 36%. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí hoạt động và chi phí dự phòng tăng. Trong quý, MSB cũng ghi nhận khoản lỗ thuần từ mua bán chứng khoán. Báo cáo tài chính chỉ ra khoản lỗ hơn 265,4 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh khác nhưng không có giải trình cụ thể cho vấn đề này. 

Tổng tài sản Ngân hàng MSB tính đến 31/12/2023 ghi nhận 267.005 tỷ đồng tăng gần 54.230 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Cả năm 2023, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này ghi nhận hơn 4.644 tỷ đồng, tăng 28 tỷ đồng so với năm 2022 (tương ứng với mức tăng 0,6%). MSB mới thực hiện được 93% mục tiêu lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm.

Trong khi lợi nhuận sau thuế của năm 2023 gần như đi ngang thì nợ xấu của Ngân hàng MSB lại đang tăng gần đến mức phải đưa vào kiểm soát. Tổng nợ xấu của MSB là hơn 4.280 tỷ đồng, cả 3 nhóm nợ của MSB đều tăng. 

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn là 1.023,2 tỷ đồng, tăng 67,4%; nợ nghi ngờ là 1.441,2 tỷ đồng, tăng 225,4% và nợ có khả năng mất vốn là 1.807,3 tỷ đồng, tăng 79% so với thời điểm đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của MSB chiếm 2,87% trên tổng dư nợ cho vay, sát với ngưỡng trần nợ xấu mà ngân hàng nhà nước đặt ra (3%). Điều đáng ngại hơn là bản chất nợ xấu MSB đi từ "nhiệm vụ gia đình trị".

Tại thời điểm cuối năm 2022, MSB dành gần 10,4 nghìn tỷ đồng cho kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng, chiếm 8,7% tổng dư nợ, giảm so với mức hơn 12,1 nghìn tỷ đồng tính tới cuối năm 2021 (11,9% tổng dư nợ).

Áp lực về khoản trái phiếu từ nhóm TNG Holdings Việt Nam - vấn đề lưu ý với MSB

Giới tài chính đã hiểu quá rõ "mối thân tình" giữa MSB và hệ sinh thái TNG Holding (ngày 27/1/2024 chính thức đổi tên thành Rox Group). Chủ tịch Hội Đồng quản trị của MSB là ông Trần Anh Tuấn còn Chủ tịch Hội đồng quản trị của TNG Holdings chính là vợ của ông Tuấn: Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

MSB “gặp hạn” trước thềm đại hội cổ đông hay lỗ hổng của một hệ thống?- Ảnh 2.

MSB và hệ sinh thái TNG Holding có "mối thân tình" đặc biệt

Trong lĩnh vực bất động sản thương mại, các dự án của TNG Holdings được phát triển dưới thương hiệu TNR Holdings bao gồm các khu căn hộ chung cư, khu dân cư và tòa nhà văn phòng... MSB có mặt trong rất nhiều dự án mà TNR triển khai như: TNR Grand Palace Thái Bình, TNR Star Riverside Nam Sách…. và dự án đầy tai tiếng TNR Stars Đồng Văn.

Theo thông tin công bố trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Đầu Tư Phát Triển Bất Động Sản TNR Holdings Việt Nam đã chi trả tổng cộng hơn 442 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu trong 6 tháng đầu năm 2023.

Đây là số tiền lãi dành cho 92 lô trái phiếu với tổng trị giá gần 4.500 tỷ đồng, trong đó có 60 lô trái phiếu phát hành năm 2020 (giá trị 2.925 tỷ đồng) gồm các mã: TNR.BOND.01.2020.01-60; 25 lô trái phiếu phát hành phát hành trong năm 2019 (trị giá 1.225 tỷ đồng) từ mã TNR.BOND.12.2019.16-40 và 7 lô trái phiếu đồng gồm TNR.BOND.11.2019.01-02-11-20-30-39-40 (trị giá 337 tỷ đồng).

Tất cả đều là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, lãi suất cố định 10.9%/năm và trả lãi hàng năm. Tổ chức lưu ký là MSB. Thông qua tổ chức lưu ký là MSB, trong năm 2021, TNR Holdings Việt Nam còn có 5 đợt phát hành trái phiếu với tổng mệnh giá 2,3 ngàn tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm và lãi suất 10%/năm.

MSB “gặp hạn” trước thềm đại hội cổ đông hay lỗ hổng của một hệ thống?- Ảnh 3.

Dấu ấn gia đình và nhân sự thân tín liên quan không ít đến diễn biến giá cổ phiếu MSB

Dấu ấn gia đình và nhân sự thân tín cũng liên quan không ít đến diễn biến giá cổ phiếu MSB. Trước thềm đại hội cổ đông, bà Nguyễn Thu Trang, vợ ông Nguyễn Thế Minh, Phó Tổng giám đốc của MSB cũng đã bán ra 206.300 cổ phiếu MSB trong số 245.000 cổ phiếu đăng ký bán trong thời gian từ ngày 21/2 - 21/3/2024 bằng phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Nếu tính với giá đóng cửa ngày 21/3 là 14.900 đồng/cổ phiếu, ước tính sau thương vụ này, bà Trang có thể bỏ túi hơn 3 tỷ đồng. Hành động bán ra của bà Trang diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu MSB tăng 18% từ giữa tháng 12/2023 đến nay.

Tháng 8/2023, nhóm này đã ồ ạt bán ra lượng cổ phiếu lớn: Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Tổng Giám đốc đăng ký bán 112.000 cổ phiếu MSB; bà Nguyễn Thu Trang, vợ ông Minh cũng đăng ký bán ra 200.000 cổ phiếu MSB; bà Đinh Thị Tố Uyên, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng đã đăng ký bán ra 1.570.500 cổ phiếu MSB; ông Phạm Lê Việt Anh, con trai bà Lê Thị Liên - Thành viên HĐQT ngân hàng đã đăng ký bán toàn bộ 2.000.000 cổ phiếu MSB... Động thái diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng này trên thị trường đang ghi nhận đà tăng mạnh. Phiên giao dịch ngày 14/8/2023, cổ phiếu MSB đóng cửa ở 14.400 đồng/cổ phiếu - tăng 30% so với đáy hồi cuối tháng 10/2022.

Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2024 (ngày 07/02), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP ROX Living - tiền thân là TNG Realty với số tiền "khủng" hơn 2,91 tỷ đồng. ROX Living còn bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn 03 tháng theo quy định.

ROX Living đã không công bố thông tin trước khi bán 9,7 triệu cổ phiếu MSB. Trong khi, giao dịch của ROX Living thuộc diện phải công bố thông tin do đây là tổ chức liên quan đến ông Trần Xuân Quảng, thành viên HĐQT độc lập của MSB.

ROX Living là thành viên của ROX Group - Tập đoàn đầu tư đa ngành với hệ sinh thái phát triển đô thị và khu công nghiệp, dịch vụ, đầu tư tài chính. Trước đây ROX Group là TNG Holdings, vừa đổi tên vào cuối tháng 1/2024. Hiện, Tổng Giám đốc ROX Group là ông Trần Xuân Quảng. Ông Quảng cũng là thành viên HĐQT độc lập của MSB.

Lý lịch phức tạp MSB có chăng liên quan đến những diễn biến xấu diễn ra tại ngân hàng này gần đây?

MSB là một trong 3 ngân hàng có liên quan đến "dự án khống" của Vinafood 2 mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ điểm cách đây không lâu. Một ngân hàng trong số đó liên quan trực tiếp đến chủ nhân sau cùng của mấy mảnh đất Dự án 33 Nguyễn Du, 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (TP.HCM); vậy MSB có mối quan hệ gì mà vướng 1.683 tỷ đồng?

Theo Thanh tra Chính phủ, Dự án 33 Nguyễn Du, 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, có nhiều vi phạm pháp luật liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và của cá nhân, trong đó có vi phạm có dấu hiệu gây thất thoát, thiệt hại tài sản Nhà nước, lập hồ sơ dự án đầu tư khống và lợi dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của 4 cơ sở nhà đất để thế chấp vay tiền của các tổ chức tín dụng.

Riêng tại MSB cũng đã giải ngân cho dự án "khống" này một khoản tiền không nhỏ. Năm 2016, Công ty Việt Hân Sài Gòn có sự thay đổi chủ sở hữu, gồm 2 thành viên góp vốn, đó là Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông và Công ty Việt Hân. Sau đó, các chủ hữu mới đã dùng cụm nhà đất số 34-36, 42 Chu Mạnh Trinh và số 33 Nguyễn Du thế chấp Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh .

Vào tháng 4/2016, ông Đinh Trường Chinh, đại diện pháp luật của Công ty Việt Hân Sài Gòn ký hợp đồng thế chấp với MSB – chi nhánh TP.HCM để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông và đã được MSB đã giải ngân 1.683 tỷ đồng. Đến tháng 1/2017, Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông đã trả hết nợ gốc và lãi.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước thanh tra toàn diện hoạt động cấp tín dụng trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, trong đó có MSB và các khoản vay liên quan đến việc sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB971073 của 4 cơ sở nhà đất nói trên. Tại MSB, dù khoản tiền giải ngân cho dự án khống đã được ngân hàng đòi được gốc và lãi; nhưng mối quan hệ giữa lãnh đạo MSB và lãnh đạo công ty Việt Hân còn thể hiện qua nhiều dự án khác.



Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top