Ông Ngọc Hải (giám đốc một công ty vận tải) vừa gom tiền mua hai căn biệt thự tại dự án ở phía Đông Hà Nội, tổng số tiền lên tới gần 20 tỷ đồng. Mỗi căn biệt thự có diện tích hơn 100m2 bao gồm sân vườn theo phong cách châu Âu. Dự tính, hai căn này sau khi được bàn giao, ông Hải sẽ cho thuê.
Theo ông Hải, lý do ông xuống tiền mua biệt thự thời điểm này do đang có nhiều sự lựa chọn. Chủ đầu tư cam kết cho thuê lại căn biệt thự của ông với thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng ngay sau khi bàn giao nhà. Ông Hải tính toán, chung cư nhiều nhưng các dự án biệt thự sẽ ngày càng ít đi, như vậy nếu đầu tư thời điểm này rất phù hợp.
Đã có thâm niêm đầu cơ lướt sóng nhà đất cách từ năm 2008, ông Nguyễn Thành Nam (Ba Đình, Hà Nội) vẫn quyết định “liều” khi bỏ ra hơn chục tỷ mua căn biệt tại khu vực phía Tây. Ông Nam vẫn còn đang mắc kẹt khoản đầu tư hơn 5 tỷ vào một dự án biệt thự từ năm 2008. Dự án đã bàn giao nhưng không thể ở được do hạ tầng còn thiếu, trong khi đó ông Nam đã nhiều lần rao bán cắt lỗ vẫn không thành.
Lý do, ông cảm thấy tự tin khi mua thêm căn biệt thự hơn 10 tỷ thời điểm này do uy tín của chủ đầu tư và chính sách bán hàng mua nhà trả dần. Bên cạnh đó, ông còn được hưởng lợi từ cho thuê lại, khác hẳn dự án ông mua trước đó. Ông Nam đánh giá, khi dự án đi vào hoạt động, hạ tầng khu vực nâng lên, giá nhà sẽ tăng thêm từ 5-10%.
Theo khảo sát, nhiều dự án biệt thự, liền kề có mức giá trung bình từ 10 tỷ đồng trở lên được khách hàng khá ưu chuộng. Giới nhà giàu cũng “bạo tay” hơn khi mua gom số lượng lớn. Thống kê của Savills cho thấy, khách hàng mua chủ yếu đầu tư, chiếm 52% và mua để ở chiếm 36%; còn lại 12% là mua rồi cho thuê lại.
Trong quý 1 có 715 căn biệt thự, 319 căn liền kề và 204 căn nhà phố đã được mở bán, đến từ 6 dự án, bao gồm: Ciputra khu K, Dreamland Tây Hồ, Vinhomes Green Bay, Vinhomes Riverside Giai đoạn 2, Eurowindow River Park và Marina Arc (khu cuối của Giai đoạn 3 Ecopark Aquabay).
Nếu như trước đây, khu vực phía Tây luôn đứng đầu ở phân khúc biệt thự thì nay phía Đông lại đang chiếm ưu thế. Theo thống kê của Savills, quận Long Biên dẫn đầu nguồn cung mới của phân khúc biệt thự, liền kề với 55% thị phần, tiếp đến là Từ Liêm (39%) và các quận khác.
Không chỉ ở khu vực Hà Nội, mà nhiều dự án biệt thự ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quy Nhơn,... cũng thu hút đại gia thủ đô.
Ông Trần Đức Diễn, Tổng giám đốc Maxland cho biết, một khách hàng Hà Nội đã mua 15 căn nhà tại Quảng Ninh. Dự án đang được chủ đầu tư chào bán với giá từ 7 tỷ đồng đối với nhà liền kề.
Bà Nguyễn Hoài An, CBRE Việt Nam, cho rằng, giá bán sơ cấp của những dự án này cao hơn trung bình thị trường khá nhiều. Nhà phố vẫn là sản phẩm được người bán ưa chuộng nhất, đạt tỉ lệ bán cao nhất do vừa có thể được sử dụng làm nhà ở vừa có thể dùng để kinh doanh buôn bán, gia tăng lợi ích cho người mua.
Các quận nội thành như Cầu Giấy, Tây Hồ và Từ Liêm tiếp tục ghi nhận mức tăng về giá bán từ 1,4-7% so với quý trước, nhờ các dự án lớn với mức giá cao được mở bán từ các quý trước đã ghi nhận giao dịch thứ cấp.
Giá thứ cấp trung bình trên thị trường tiếp tục giảm nhẹ 1,8% so với quý trước và 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.200 USD/m2.
Theo đánh giá, năm 2017 được dự đoán sẽ là năm khá sôi động đối với thị trường biệt thự, nhà liền kề khi hàng loạt dự án mới quy mô lớn được kì vọng sẽ mở bán trong năm nay như giai đoạn 4 của KĐT Ecopark, The Manor Central Park, Splendora Giai đoạn 2, Hà Nội Garden City và những đợt mở bán mới của dự án Starlake.