Aa

Mua đất đai hộ người Trung Quốc: "Không chỉ là vấn đề thương mại thông thường"

Thứ Năm, 06/06/2019 - 00:01

Mặc dù tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam nhưng làn sóng mua đất đai hộ người Trung Quốc thời gian qua được đánh giá không chỉ là vấn đề thương mại thông thường.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Dương Trung Quốc về tình trạng doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc "núp bóng" người Việt mua bán bất động sản các khu vực ven biển, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: "Một mặt nhằm phát triển quan hệ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài kinh doanh, mua nhà nhưng một mặt chúng ta vẫn cần đảm bảo an ninh trật tự. Có thể thấy vấn đề này không thể coi đơn thuần là vấn đề quan hệ thương mại".

Cho phép người nước ngoài mua nhà nhưng theo Bộ trưởng Tô Lâm, các con số này đều cần phải kiểm soát, mức độ như thế nào, dự án nào hay khu dân cư nào dành cho người nước ngoài, mật độ dân cư ra sao.

"Chúng tôi sẽ có tính toán, đề xuất và biện pháp cũng như báo cáo cơ quan chức năng liên quan để quản lý", Bộ trưởng Bộ Công an cho hay. 

Ảnh VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trước đó, trong một kiến nghị được gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, cử tri TP. Đà Nẵng đã có phản ánh: “Hiện nay, ở các địa phương, vùng miền của đất nước đều có sự xuất hiện của người Trung Quốc, nhất là các dự án kinh tế, nhà máy đặt ở các vùng nhạy cảm về an ninh quốc gia, như: Bô xít ở Tây Nguyên, Formosa ở Hà Tĩnh... và khu vực dọc theo bờ biển của miền Trung”.

Do đó, cử tri Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ cần có sự xem xét cẩn trọng, cảnh giác với thực trạng này để đảm bảo vấn đề an ninh chủ quyền quốc gia.

Ghi nhận thông tin này, Bộ Công an cũng đã có công văn phản hồi và thừa nhận mặc dù góp phần vào sự phát triển kinh tế, tuy nhiên, một số dự án do Trung Quốc làm chủ đầu tư còn một số vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự...

"Bên cạnh đó là tình trạng doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc "núp bóng" người Việt mua bán bất động sản tại các khu vực ven biển để chuyển mục đích sử dụng sang đất thương mại, dịch vụ hoặc thuê diện tích đất dọc ven biển, khu vực biên giới biển, biên giới đất liền; thâu tóm các vị trí đất đẹp, trung tâm”, Công văn số 260/BCA-V01 của Bộ Công an nêu rõ.

Trên thực tế, tình trạng người nước ngoài lách luật, gom mua đất tại Đà Nẵng đã được phản ánh từ lâu. Có thể kể đến các khu vực như "khu phố Tàu" tại quận Ngũ Hành Sơn. Khu phố này kéo dài hàng kilomet từ casino cao cấp Silver Shores do người Trung Quốc làm chủ, xung quanh là những nhà hàng, khách sạn do người Trung Quốc làm chủ với bảng hiệu tiếng Trung và giao tiếp cũng bằng tiếng Trung.

Một báo cáo được công bố bởi Công ty nghiên cứu thị trường CBRE hồi tháng 12/2018 cũng đã ghi nhận sự tăng trưởng kỷ lục về giao dịch mua bán bất động sản của người Trung Quốc tại Việt Nam.

Theo đó, trong năm 2016 và 2017, người Việt Nam đứng đầu về số người mua căn hộ tại TP.HCM khi chiếm tỷ lệ lần lượt là 47% và 36%, nhưng trong 9 tháng đầu 2018 đã rơi xuống vị trí thứ hai khi chỉ chiếm khoảng 24% các giao dịch trên thị trường. Thay thế vị trí đầu bảng là nhóm khách hàng Trung Quốc khi chiếm tới 31% số giao dịch mua căn hộ trong 9 tháng đầu năm 2018. Trước đó, trong năm 2016 và 2017, người Trung Quốc chỉ chiếm 2% và 4% số giao dịch trên thị trường.

Nhận định về sự "đột biến" này, CBRE cho rằng đây là chuyển biến rõ nét nhất kể từ năm 2015 tới nay khi quy định cho phép người nước ngoài được mua 30% số lượng đơn vị nhà ở trong các dự án bất động sản tại Việt Nam có hiệu lực.

Gần đây nhất, tại kiến nghị gửi lên Chính phủ ngày 27/5, mặc dù phần kết quả giám sát không nêu nhận định cũng như con số liên quan đến việc sử dụng nhà, đất của người nước ngoài, song phần kiến nghị, Đoàn giám sát đã kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top