Vũ trụ xoay vần, bí hiểm, mà hấp dẫn. Không gian mênh mông, bao la, vô cùng. Còn thời gian vô tận thì chẳng biết bắt đầu từ khi nào, kết thúc vào lúc nào, cứ trôi mải miết không dừng. Các sự kiện, việc làm của con người sẽ trôi tuột, mất tăm tích vào thời gian không xác định và con người sẽ “trắng tay” nếu không có lịch để lưu giữ lại. Lịch và các đại lượng đo thời gian: Can, Chi,… hoặc giây, phút, giờ, ngày, tháng, năm, thế kỷ, thiên niên kỷ… không xuất hiện thì con người sẽ hoạt động ra sao? Và tất nhiên, nếu không có năm cũ qua đi, năm mới lại đến bằng một cái Tết, thì đời sống loài người sẽ đều đều, nhàm chán, tẻ buồn biết mấy? Quy luật tất nhiên, vũ trụ, hải hà, những mùa đi không chịu cũ!
Thế nên, chúng ta mới được chứng kiến người Trung Hoa đón năm mới bằng màu đỏ: áo màu đỏ, phong bì lì xì màu đỏ, đèn lồng màu đỏ,… màu của sự ấm nồng, may mắn.
Sáng mùng một Tết, người Dao đỏ Phù Yên ra sông Đà gánh nước đổ đầy ắp chum, vại cầu mong sự no ấm đủ đầy tràn trề.
Tôi lên Lũng Cú, bộ đội biên phòng kể: Người Lô Lô ăn Tết thì cũng cho công cụ trong nhà ăn tết vì họ quan niệm vạn vật đều có hồn. Ngày cuối năm, cuốc xẻng, dao rựa, cày bừa, cây cối, chuồng trại, gia cầm, gia súc… đều được dán giấy màu vàng để cho chúng nghỉ ngơi, ăn tết. Người Việt đón giao thừa khi kim đồng hồ giây phút giờ cùng chỉ đúng con số 12 thì người Lô Lô lại đón năm mới bằng tiếng gà gáy. Bất kể gà gáy lúc 11 giờ đêm hay một, hai giờ sáng, và bất cứ gà nhà ai, cứ có tiếng gáy đầu tiên cất lên dù ở đầu bản hay cuối bản là nhà nhà cùng đón giao thừa. Người cúng lễ, người khua hết gia cầm gia súc thức. Tiếng lợn kêu eng éc, ngựa gõ móng lục cục, trâu gại sừng cộc cộc, chó sủa oăng oẳng… ồn ã, rộn ràng cả bản. Sáng mùng một tết, người Lô Lô ở Lũng Cú xuống hồ mắt Rồng cõng nước về đun nấu. Củi khô đã tích trữ suốt mùa đông với nước ngày đầu năm là biểu tượng sức sống bền bỉ của con người trên cao nguyên đá khô khát, buốt giá được đốt lên, sưởi ấm khi mùa xuân mới đến.
Người Việt sau suốt cả năm trời lam lũ làm đến quên ăn, dù nghèo thì “ba ngày Tết cũng có thịt treo trong nhà”, người ta giành ra buổi sáng mùng một tết đi chúc sức khỏe người thân, họ hàng, làng xóm. Chiều ba mươi tết, chàng rể vai khoác túi đựng mấy bơ gạo nếp, tay ôm con gà trống lông đuôi, mào đỏ rực đến chúc tết bố vợ, dù bây giờ chỉ còn trong ký ức, nhưng mãi mãi là hình ảnh ấm áp, trọng lễ nghĩa, trọng tình. Mới! Và năm mới có biết bao điều đáng nói, có cả sự ứng xử của con người với cái mới rất sinh động phong phú.
Mỗi năm, khi đêm Trừ tịch về, thời khắc giao thừa đến, trong lòng tôi lại rưng rưng da diết cảm thức xoay vần, kiến tạo, vận động của vũ trụ và lại nghĩ đến từ “cũ”, “mới” và “năm mới”.
Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học giải thích từ “cũ” có nhiều nghĩa, trong đó ngữ nghĩa “cũ”: thuộc về quá khứ, nay không còn nữa. Còn từ “mới” biểu thị thời gian với nghĩa: vừa có hoặc vừa xuất hiện chưa lâu. Mới đối lập với cũ. Mới thường là khai mở, mới là biểu hiện bắt đầu của vận động và phát triển.
Còn từ “năm” cũng có nhiều nghĩa, trong đó “năm” có nghĩa là: Khoảng thời gian mười hai tháng, từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 31 tháng 12 dương lịch, hoặc 12 hay 13 tháng từ ngày 1 tháng Giêng đến ngày 31 tháng Chạp âm lịch. Năm vũ trụ là: Khoảng thời gian Trái đất di chuyển hết một vòng quanh Mặt trời bằng 365 ngày, 5 giờ, 48 phút, 40 giây tính theo dương lịch. Hết một vòng hoàng đạo ấy thì năm mới xuất hiện.
Hầu như tất cả các dân tộc trên thế giới đều đón Tết theo thời gian và các cách khác nhau. Đương nhiên, cái cách quan niệm về tết, chuẩn bị đón năm mới, tống tiễn năm cũ cũng rất khác nhau.
Người Việt có vô vàn cách đón năm mới với các tín ngưỡng dân gian phong phú. Người ta tiễn biệt năm cũ với nhiều xúc cảm, tâm trạng: Trẻ con hồn nhiên, vô tư thì chộn rộn, náo nức. “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới”, bọn trẻ chỉ mong năm cũ đi nhanh, năm mới đến mau để được diện. Người thành đạt, hạnh phúc thì tiếc nuối cứ muốn năm cũ kéo dài vô tận, dù cũng muốn năm mới đến, nhưng phập phồng e ngại chẳng biết hên xui sẽ ra sao? Kẻ thua thiệt, thất tình, tán ly tài sản, bất hạnh thì mong năm cũ trôi vèo, thậm chí chạy trốn, chối bỏ năm cũ càng nhanh càng tốt… Có lẽ, chưa bao giờ người ta nói và luận bàn đến khái niệm cũ - mới nhiều như trong dịp tết Nguyên Đán. Từ đơn lẻ, từ ghép và cụm từ biểu đạt ngữ nghĩa “cũ” hoặc “mới” được sử dụng với tần xuất vô cùng nhiều cả thuần Việt và Hán - Việt: “Năm cùng tháng tận”, “ngày cuối năm”, “tháng củ mật”, “tất niên”,… “năm sớm”, “xuân mới”, “tân niên”, “tân xuân”,…vv...
Tống tiễn năm cũ còn đồng nghĩa với việc “chia tay”, “thanh toán”, “dọn dẹp”, “chối bỏ” cái cũ. Đón năm mới cũng đồng nghĩa với việc làm mới đời sống vật chất và tinh thần: Chưa thành phong tục, nhưng từ ngày Ông Táo lên chầu Giời 23 tháng Chạp trở đi là gia đình nào cũng có ý thức loại bỏ cái cũ, cái nhếch nhác, cái không đẹp như bắt đầu quét màng nhện, dọn nhà cửa, sân sướng. Nhà nào đang xây dựng dở dang thì cố xây nhanh kịp khánh thành vào cuối tháng Chạp để dọn về tân gia. Nhà khác thì quét lại vôi ve tường cho sáng sủa và treo tranh gà, lợn Đông Hồ đón Tết. Ở thôn quê, cuối năm cũng là dịp người ta loại bỏ đồ cũ, giầy dép, quần áo size nhỏ vì trẻ con đã lớn, để sắm hàng loạt quần áo mới… cho trẻ đón xuân chơi Tết. Lúc giao thừa, mâm cỗ cúng đêm Trừ tịch, ngoài lễ bái tổ tiên, người ta còn cầu khấn tống tiễn những xui xẻo năm cũ và cầu ước điều tốt lành năm mới. Làm cỏ vườn tược, trồng dặm thêm vài cụm hoa. Cây cảnh được tỉa tót, bứt lá vàng, lá sâu. Các gốc cây trong vườn dù to nhỏ cũng được quét một nước vôi mới trắng tinh khôi.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ cái “Vườn trắng” ở làng tôi. Tình đầu là thời chiến tranh, đêm Giao thừa, có đoàn tàu hỏa chở bộ đội vào Nam đánh giặc, dừng lại ở ga Gành lấy thêm quân bổ xung. Một anh lính ra đi từ làng tôi đã vội nhảy xuống sân ga chạy một mạch về nhà gặp gia đình và người vợ mới cưới. Chẳng được ôm nhau quấn quýt trên cái giường hạnh phúc thiếu vắng hơi đàn ông thì anh lính phải trở về ngay ga Gành để kịp giờ tầu chạy. Chị và anh đèo nhau bằng xe đạp đến sân ga đúng lúc tàu hú còi chuyển bánh về phương Nam. Anh chỉ kịp nói với vợ rằng: “Em về nhà đi. Giao thừa sang năm anh sẽ về”.
“Giao thừa sang năm anh sẽ về” đã không xảy ra bởi cuối năm sau giấy báo tử người lính về làng. Chị đau đớn sống đằng đẵng trong nhớ thương, sầu muộn. Giáp tết, chị xách thùng nước vôi ra vườn, thay vì quét vôi ở gốc cây đón năm mới thì chị khoanh một vòng trắng trên các ngọn cây. Năm nào cũng thế, cứ áp Tết là chị làm cái việc đeo khăn tang trắng cho tất cả các cây trong vườn. Nhưng, chị vẫn có một niềm tin mãnh liệt rằng chồng mình không thể chết. Sống trong hi vọng “Giao thừa sang năm anh sẽ về”, đêm Trừ tịch nào chị cũng đạp xe lên ga Gành đứng nhìn về phương Nam ngóng chồng”.
Anh trở về thật. Anh trở về trong một đêm giao thừa sau chiến tranh, qua những ngày mất tích, thất lạc đơn vị. Anh xuống sân ga Gành và anh nhào vào vòng tay vợ. Sáng sớm mùng một tết năm ấy, việc đầu tiên anh chị làm là xóa hết các vòng tròn trắng ở ngọn cây bằng cách quét vôi từ gốc đến ngọn. Vườn cây tinh khôi màu trắng. Và cái “Vườn trắng” chỉ xuất hiện một lần duy nhất vào ngày đầu năm năm ấy ở làng tôi.
Có thể nói, trong đời sống ngày thường, chưa bao giờ có một “cuộc cách mạng huy hoàng”, thay đổi giá trị và trật tự cũ - mới như dịp Tết Nguyên đán về.
Những năm gần đây tục hái lộc xuân một thời mai một, nay thì trở lại hầu như không trừ một nhà. Qua thời khắc Giao thừa, nam thanh nữ tú đi chơi xuân trong mưa phùn bay ướt vai áo, mắt vẫn sáng ngời, trước lúc về bao giờ cũng đến chùa, đền hái một cành đa, hoặc cành đề, hay cành si đem về nhà cắm vào bình thủy như một ước vọng xin lộc của Thánh, Thần. Người hay chữ chọn giờ lành, ngày tốt đầu năm khai bút. Có thể làm một bài thơ, có khi chỉ viết một câu đối trên giấy hồng điều với mong muốn năm mới nói được nhiều điều nhân thế, văn hay chữ tốt. Người thợ săn thì chọn ngày mùng 7 tháng Giêng khai kiếm: chọc tiết trâu, bò, hay dê, ngựa hoặc cắt tiết gà, vịt, ngan, ngỗng. Lệ xưa, chỉ với một ước muốn, khát vọng chinh phục thiên nhiên, săn bắt được nhiều thú rừng.
Dường như, vào thời khắc Giao thừa chuyển giao cũ - mới, thì cũng là lúc con người nhạy cảm nhất. Thật không khó khăn lắm để nhận ra được sự vận động của vũ trụ bao la. Bên ngoài dù mưa phùn bay nhẹ lất phất, cũng có thể lắng nghe được tiếng cựa mình của mầm cây đang đội đất chui lên đón xuân về. Cùng một khắc, dường như vạn vật trong vũ trụ đang rùng rùng chuyển động, cảm nhận rất rõ sức sống tươi mới tràn trề trên mặt đất. Có lẽ chính vì thế, mà trong đêm Giao thừa, ngày mùng một Tết, thậm chí cả những ngày đầu năm mới người ta kiêng không làm đổ vỡ, kiêng nói tục, kiêng cáu gắt, chửi bới, kiêng giận hờn…và nói những lời nhã nhặn, thanh lịch, thậm chí người ta còn có ý thức làm mới tình yêu. Làm mới tình yêu từ ngay trên giường ngủ màu hồng, thoang thoảng mùi nước hoa Chanel Allure đêm Giao thừa, từ ánh mắt nhìn, nói lời âu yếm, và cả ý nghĩ không chịu cũ suốt những ngày đầu năm mới.