Tuổi tác dày lên, người ta hay miên man nhớ về những ngày xa xưa của ký ức nhất là Tết. Với tôi, có lẽ ấn tượng nhất là cái Tết ở tuổi 20 khi vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh trở về Hà Nội. Khi ấy, dù đã có mấy năm quân ngũ và có hai cái Tết xa nhà thì tôi vẫn còn rất trẻ và vẫn độc thân đúng nghĩa chưa hề có người yêu. Đây thật sự là cái Tết mới nguyên với tôi ở tuổi trưởng thành. Tôi gọi Tết Bính Thìn 1976 là Tết độc thân.
Cuối năm 1975 tôi được ra quân đợt đầu tiên, chỉ ít tháng sau khi chiến tranh kết thúc. Từ Hà Tiên trở ra Sài Gòn, tôi được biên chế vào một đơn vị hành quân ra Bắc. Một đơn vị hỗn hợp gồm lính tráng nhiều đơn vị được giải quyết chính sách. Đích đơn vị tôi chuyển đến là Đoàn an dưỡng 869 ở Đông Anh, Hà Nội. Đơn vị di chuyển bằng ô tô và tàu hỏa theo từng trạm. Phải ròng rã mất hơn nửa tháng trời mới đến Hà Nội. Sau khi được phép tranh thủ thăm nhà tôi được biên chế vào một đơn vị của đoàn an dưỡng.
Lúc ổn định đơn vị thì đã áp Tết. Đây là cái Tết đầu tiên của hòa bình khi đất nước thống nhất. Không khí đặc biệt khác với những Tết trước đó. Sau nhiều năm chiến tranh, những người lính lục tục được giải ngũ trở về quê hương. Ai còn, ai mất cơ bản đều đã có thông tin. Làng quê nơi tôi đóng quân cũng trong nhịp không khí ấy. Mọi người hân hoan chuẩn bị cho một cái Tết hòa bình thực sự. Vì là quân số an dưỡng trước khi cho phục viên, xuất ngũ nên cánh lính chúng tôi tương đối được tự do thoải mái. Chẳng mấy cán bộ chỉ huy muốn gò những người lính ở chiến trường ra và sắp được ra quân. Thế nên còn mươi ngày nữa là Tết chúng tôi đã chuẩn bị được phép về nhà ăn Tết.
Tầm quãng 23 Tết, sau khi lĩnh tiêu chuẩn thuốc lá, chè uống, bánh kẹo Tết và báo cắt cơm thanh toán tem gạo, thực phẩm, chúng tôi được trở về nhà ăn Tết. Khỏi nói tôi sung sướng đến nhường nào. Khác với Tết 1973 khi chưa vào chiến trường B, được về phép tôi luôn vận quân phục mới cóng ra vẻ một anh lính thực thụ thì lần này tôi mặc đồ dân sự. Bấy giờ mốt quần loe, áo “xanh tê” đã du nhập từ Sài Gòn ra Hà Nội. Tôi có kiếm được vài bộ đồ dân sự thêm chiếc áo len cổ quả tim và đôi sapo cao gót cũng là mốt thời bấy giờ. Bộ quần áo tốt nhất tôi là kỹ cất vào tủ để đi chơi giao thừa đón Tết.
Về nhà kịp lễ cúng ông Công ông Táo. Bấy giờ nghèo nên lễ cúng thần bếp thổ công, thổ địa khá đơn giản không bày vẽ cách rách như bây giờ. Cũng có đồ mã, hia, mũ mão, vàng mã để hóa vào chiều 23 Tết và mâm cỗ cúng. Tục thả cá táo quân cũng có nhưng hầu như chỉ là ở những nhà khá giả. Sau ngày 23 là không khí đã bước vào nhộn nhịp chuẩn bị sắm sửa. Lúc này chưa có người yêu nên thời gian rảnh rỗi tôi tranh thủ cùng mấy bạn lính đi chơi thăm thú nhau và vãn cảnh để bù lại những ngày gian khổ ác liệt ở chiến trường.
Lúc tôi về phép thì chợ hoa Hàng Lược đã mở. Chợ chưa đông và hoa đào mới chỉ lác đác dọc phố. Bấy giờ chưa có kinh tế tư nhân đa số mọi người làm ở cơ quan, nhà máy, công trường chỉ có một số ít người làm gia công các nghề đơn giản ở hộ gia đình và hợp tác xã. Vì thế mọi người vẫn phải làm việc. Nhưng không vì vậy mà Hà Nội vắng vẻ. Các chợ đã tấp nập dồn hàng hóa về bán Tết. Những chợ lớn như Đồng Xuân, Bắc Qua, Hàng Bè, chợ Hôm, chợ Mơ... tràn ngập hàng hóa và đông người sắm sửa.
Đặc biệt là các cửa hàng bách hóa mậu dịch ùn ụn hàng phân phối Tết. Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền bây giờ là Tràng Tiền Plaza là cửa hàng bách hóa lớn nhất Hà Nội. Mạn Bờ Hồ Hoàn Kiếm có cửa hàng 12 Bờ Hồ cũng vào hàng tốp.
Nói chung, lúc đó hình thức bao cấp mọi tiêu chuẩn của người dân từ gạo, thực phẩm, bách hóa đều theo phiếu. Có mấy loại bìa, D là nhân dân, từ C hắt lên đến B, A là cán bộ các cấp. Trong các cửa hàng bách hóa đã dành riêng quầy Tết. Mỗi bìa hộ gia đình được mua một túi hàng Tết. Hàng được bọc trong túi giấy bóng rất bắt mắt và hấp dẫn. Trong đó có đủ thứ. Dễ nhận thấy là phong pháo tép hồng điều, gói mứt Tết hình họa đơn giản nhưng đủ nao nức cõi lòng. Có bao thuốc lá Điện Biên, Tam đảo và gói chè Hồng Đào hay Ba Đình kèm theo gói chè loại thường gọi là chè 3 hào. Còn có gói nhỏ hạt tiêu, mì chính, đỗ xanh và miếng bóng bì xinh xinh. Thêm đôi lạng miến dong.
Tóm lại là một gói hàng tổng hợp phân phối cho các gia đình ăn Tết. Trí nhớ của tôi chỉ nhớ được tưng ấy thứ hình như nếu không nhầm thì còn gói kẹo Hải Hà hay Hải Châu và phong bánh khảo thì phải. Riêng với rượu Tết có quầy bán riêng. Tiêu chuẩn cũng là chai cho từng hộ. Rượu quốc doanh có rượu mùi là Chanh, Cam, Thanh mai, Mơ, Táo... Có thể kể thêm rượu Lúa mới là loại Vodka rất nặng.
Tháng áp Tết có lẽ gia đình nào cũng có ý dồn thực phẩm dành cho Tết nên họ trữ lại tem phiếu tiêu chuẩn. Ở các cửa hàng thực phẩm ngoài những hàng hóa thông thường như thịt, cá, đậu phụ, nước mắm, xì dầu, rau quả... đã thấy bày riêng một góc những bó lá dong xanh ngăn ngắt xếp thành đống. Cửa hàng chất đốt cũng đông người xếp hàng mua dầu hỏa, than, củi. Đặc biệt là củi xếp những chồng cao ngất. Củi dành cho nấu bánh chưng nên nhu cầu tiêu thụ cao.
Ở tất cả các quầy bán hàng Tết đều treo băng rôn đề rõ bán hàng Tết nên phố phường dù chưa đến thời điểm cắm cờ ở các nhà nhưng màu đỏ của băng rôn hàng Tết đã tạo nên khí thế. Mạn Bờ Hồ và các phố trục chính, thợ điện đã đi mắc đèn trang trí cho Tết. Pano, khẩu hiệu Tết cũng được căng khắp những công sở và nơi quan trọng.
Tôi vì là độc thân nên rảnh rỗi nhận nhiệm vụ mua hàng Tết một cách mẫn cán. Đến chiều 29 Tết thì tôi lượn xe đạp cả ngày lên cả vườn đào Nhật Tân lẫn chợ hoa để tìm một cành đào tuân thủ triết lý vừa túi tiền. Đào chợ hoa Hàng Lược rất nhiều và đẹp nhưng tôi thích lượn lên vườn là để kết hợp vãn cảnh hoa đào Tết. Rồi cũng kiếm được cành đào ưng ý. Mọi việc chuẩn bị hầu như xong xuôi. Thịt cá tiêu chuẩn được chế biến dành cho Tết.
Từ hôm trước tôi đã mang bột mỳ, đường, trứng, bơ đi thuê làm bánh quy gai xốp. Những lò làm bánh này rất đắt khách dịp Tết có ở hầu hết các phố. Mấy nhà hàng xóm liền kề chung nhau nồi bánh chưng cũng đã nổi lửa bày hết ra vỉa hè. Đỡ cách rách hơn là luộc bánh chưng bằng nồi áp suất của Nga. Cứ cặp bánh luộc một mẻ nhanh và tiện đáo để nhưng thật thì bánh chưng luộc củi vẫn ngon và thú hơn. Dịch vụ luộc bánh chưng thuê ở các lò bán nước sôi ngày thường rất đông khách. Hầu như mọi người đều dồn sức vào guồng quay Tết một cách hối hả và tận lực. Nhưng không phải vì thế mà mỏi mệt. Tất cả mọi khuôn mặt Tết đều hân hoan rạng rỡ.
30 Tết, mẹ tôi làm mâm cơm cúng chiều gọi là mời ông bà, tiên tổ về ăn Tết cùng con cháu. Kế đó là thịt con gà trống hoa luộc lên cho ngậm hoa hồng để cúng giao thừa. Đám thanh niên thì hí hởn chuẩn bị đi chơi. Tôi từ chiều lau bóng lộn từng cái nan hoa chiếc xe đạp Phượng Hoàng và chuẩn bị quần áo. Mái tóc mới được để dài lòa xòa (trước đó thì tóc 3 phân nhưng về an dưỡng chỉ huy có xuề xòa châm chước) tôi lấy cây kẹp tự tạo hơ lên lửa bếp dầu kẹp vào làm tóc xoăn xoăn cho bảnh. Buồn cười không hiểu sao thời đó tôi lại quan niệm tóc xoăn là đẹp.
Tối 30 Tết, lác đác phố phường có tiếng pháo nổ. Tôi đáo ra chợ hoa một lần nữa để thửa lọ hoa bàn. Là lọ hoa hỗn hợp gồm violet, đồng tiền, hoa bướm, thược dược và mấy nhánh lay ơn. Bày biện xong, tôi diện bộ đồ tốt nhất, trời lạnh nhưng cũng chỉ có cái áo len cổ trái tim mặc ngoài. Diện cỡ như tôi là hách rồi. Nhiều anh chị Tết đến vẫn mặc áo bông xanh xí lâm lấy đâu ra áo len, áo khoác diện. Hẹn đám bạn ở một điểm tập kết, chúng tôi bắt đầu lượn vòng trên phố. Nghĩ cũng hay chỉ Tết năm ngoái còn ở rừng đánh nhau ựa cơm năm nay đã bảnh chọe lượn phố. Đời thật khó đoán định.
Hội độc thân bắt đầu trinh sát bám theo mấy tốp nữ vừa mắt để lượn theo tán tỉnh. Trò cưa đường này nếu là ngày thường hay áp dụng ở những cuộc “dạo tẩy” là lượn xe đạp các vòng Bờ Hồ vào tối thứ bảy. Đấy là cánh bạn học, bạn hàng phố truyền đạt lại chứ tôi vẫn đang lính mới về chưa có kinh nghiệm. Sau này lúc đã ra quân thì tôi thành thần món “dạo tẩy” này.
Bờ Hồ tối 30 đặc người, xe đạp không vào được. Khoảng 21 giờ đêm thì bắn pháo hoa. Tết hòa bình nên pháo hoa giã thoải mái. Khói pháo mù mịt, dù rơi khiến mọi người xô đẩy tranh cướp. Ai vớ được miếng dù pháo hoa coi như là vớ được lộc xuân. Sau màn bắn pháo hoa, người dồn về Nhà thờ Lớn, về trung tâm Bờ Hồ đông nghịt. Lúc này không gian như nghẹt lại vì nhiều thứ nhưng có lẽ tâm trạng là chủ yếu.
Giao thừa. Pháo từ các gia đình bắt đầu đồng loạt đốt. Những nhà khá giả thửa riêng băng pháo cối từ làng pháo Bình Đà. Hôm trước tôi cũng đạp xe vào đó nhưng nói thật pháo bầy, pháo đàn, pháo lẻ chiến tranh nếm trải đủ, ba thứ pháo tép tì tẹt này không hấp dẫn được đám lính. Pháo các loại nổ rền, đinh tai. Giao thừa đã điểm. Một năm mới bắt đầu. Cái Tết hòa bình đầu tiên đã đến như thế.
Mấy ngày Tết tôi ở nhà tiếp khách hoặc đến nhà bạn bè chơi. Thực phẩm Tết cũng chỉ trụ được đến mồng 3 là làm lễ hóa vàng hết Tết. Tôi trở về đơn vị nhận quyết định ra quân kết thúc đời lính để bắt đầu cuộc mưu sinh mới. Với tôi, cái Tết hòa bình đó là một cột mốc quan trọng của đời người để tôi bươn chải, vươn lên. Đã mấy chục năm nhưng Tết tôi gọi là “độc thân” ấy vẫn ấn tượng, vẹn nguyên cảm xúc. Chẳng thể nào quên./.