Ở Hà Nội, thật khó tìm được một con phố nào khác ngoài Phan Đình Phùng có vỉa hè rộng, còn đủ hai hàng cây sum suê xanh ngút lừng lững như cổng tay, cũng mềm mại ân cần như một vòng tay. Tôi thích dạo phố này vào độ cuối hạ, hoặc cuối thu, chuyển mùa sang thu hoặc đông. Cảm tưởng đi dưới vòm lá ngút xanh, gặp cả gió, sương và nắng ấm đang lắng lại, đong đầy.
Càng đi về hướng Hồ Tây, những vòm cây càng gợi nhiều thương nhớ. Cạnh đó là những bức tường rêu phong bao quanh từng căn biệt thự có dáng vẻ thật riêng biệt. Giữa thành phố vẫn ngắm nghía được từng khoảng vườn có cây cau vút lên như nét vẽ, hương hoa theo gió thoảng bay. Đôi khi, gặp cả bụi tre đằng ngà vững vàng, duyên dáng. Mỗi tối, bách bộ trên vỉa hè, quan sát kỹ chút sẽ lại gặp một căn biệt thự mà căn phòng trên gác hai cửa sổ đã mở ra, ánh đèn đỏ như gấc chín, thật lạ lùng. Cứ không ngừng tưởng tượng trong căn nhà ấy là ai, trẻ hay già, ngành nghề ra sao mà lại sống trong căn phòng ấm nóng như gấc chín. Và mỗi căn biệt thự như thế đã qua bao đời chủ, thời nào dường như cũng có vẻ uy nghiêm, thậm chí lẫy lừng. Vừa chập chờn trong muôn ý nghĩ, vừa bước dưới vòm lá miên man xanh. Lá sấu, xà cừ, cùng bao nhiêu loại lá khác đua nhau rụng rơi, không kể đó là mùa thu hay mùa nào khác. Giữa xuân xà cừ vẫn trút lá, tàn phai vẫn đẹp đến ngỡ ngàng.
Những vòm lá tròn đầy, rủ bóng không thể không khiến ta nghĩ tới quê hương. Nơi đó, mỗi dáng hình cổ thụ là một câu chuyện ly kỳ về làng xã, xóm thôn. Thấp thoáng ở đó chuyện về nàng cung nữ u sầu trong lãnh cung, sau hồi cố, cùng bà con làm lụng, thêu thùa. Khi nàng qua đời, linh hồn bay lên vòm lá. Lại chuyện về những hình hài ấu nhi chưa kịp ra đời cũng bay lên đấy, nằm trong vòng tay hiền hòa của nàng. Nghe nhiều, khôn nguôi tưởng tượng, mắt không chớp nổi… mà chưa bao giờ sợ sệt. Lũ trẻ làm bạn với vòm lá. Mặc nhiên đó như vòng tay, như nôi êm, như mái nhà hồn hậu. Lá xanh giả làm tiền giấy. Lá vàng làm chiếc thuyền nan. Trên tay có cả con trâu đi cày kết bằng lá đa, lá mít. Cả thế giới ríu rít, tinh khôi ngời sáng dưới vòm cây.
Trong tưởng tượng của tôi, mỗi vòm lá còn như một bầu trời, hình nôi êm, dịu dàng úp xuống đầy mến thương, chậm rãi. (Ảnh: Bùi Văn Doanh)
Ở thành phố này, không còn đám trẻ xóm này làng nọ chạy chơi, trú ẩn như chốn quê. Mỗi sáng tinh mơ hoặc đêm về, có thể gặp những người vô gia cư trú ngụ. Dưới gốc xà cừ có những cái u, cái bướu kỳ dị thường trải chiếu manh, một người đàn ông co ro ở đó, không xin ăn, xin tiền, chỉ lẩm bẩm những lời không rõ. Bình minh, người ấy lại tỏa đi đẩu đâu, tối tối lại về. Ở một vòm cây khác, cách đấy xa xa, có người đàn bà luống tuổi đỗ xe ba gác, trên xe dễ tới mấy chục con chó mèo, đều được mặc trang phục, làm dáng, mỗi con một tư thế, vị trí rõ ràng. Người ấy cũng lại không xin ăn, xin tiền, đơn giản chỉ là trú ngụ. Trong giấc mơ của tôi, thấy lũ chó mèo cũng chạy chơi, chuyện trò, ăn uống như trẻ nhỏ. Một cảm giác êm ái, hồn nhiên chợt dâng đầy từ cơn mộng mị. Để thấy mình cũng trở nên nhỏ bé, được vỗ về, xoa dịu, nâng niu.
Bốn mùa trôi qua và lắng đọng trong vòm lá. Mùa xuân tươi non căng tràn. Hạ đến mát lành, dìu dặt. Thu về trầm lặng gió mưa. Đông hun hút ngửi được mùi áo ấm trong tàn phai của lá. Hoa nắng như sao rơi. Gió lùa như hơi thở. Chỉ cần đứng dưới vòm lá thôi cũng chạm được vào bao nhiêu mộng mơ, hoài vọng ngày xưa cũ và cả bao khấp khởi mong chờ chưa đến. Như ý thơ của một thi sĩ, chỉ đất thấu nổi tầng rễ sâu, còn vòm lá thuộc về trời rộng. Trong tưởng tượng của tôi, mỗi vòm lá còn như một bầu trời, hình nôi êm, dịu dàng úp xuống đầy mến thương, chậm rãi. Nào chim chóc, sóc nâu cứ líu ríu, lảnh lót ở đó, làm bạn với bao hạnh phúc và cơ cực của kiếp người.
Tỏa rộng ra những phố, những đường ở khắp mọi miền, vẫn thấy bao dung từng vòm lá thẫm xanh dịu dàng che chở. Có khi đó là tán cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Có khi là loài cây mới trồng, vẫn kịp lớn để sớt chia bóng mát lao xao. Ta chỉ thực sự dịu lòng và cảm thấy bình yên nếu những cung đường thấp thoáng vòm lá. Thuở bé, khác với trẻ nhỏ bây giờ, dưới vòm lá chất chứa bao nhiêu thẩn thơ, lượm lặt. Có gốc cây như một vòm hang. Có gốc cây rễ trồi lên mặt đất ken dày như tấm phản. Vòm lá này um tùm rậm rịt. Vòm lá kia lại thưa thớt, mong manh. Những buổi thả trâu, học bài, lắm khi nằm duỗi dài ngước lên vòm lá, qua kẽ lá, thấy từng mảng trời xanh ngọc như lọt được qua, rơi đầy trước mặt.
Nhẩn nha thêm, sẽ gặp bao nhiêu hàng quán nhỏ xinh trú dưới từng gốc cây, nương bóng từng vòm lá. Góc này có hàng bún riêu, người bán khéo pha nước màu và mỗi lúc mở nắp chiếc nồi lớn lại thấy nổi nênh bao nhiêu miếng cà chua bóng đỏ đến chộn rộn. Phía kia là hàng nước chè được mở ngót cả nửa thế kỷ, từ đời cha tới đời con, mấy cái ấm tích sạch bong, tấm khăn xô để lau chùi cốc chén cũng trắng tinh nền nã. Hàng nộm gánh cũng trú dưới vòm cây phố ấy, nhưng phải quá trưa, sang chiều mới thấp thoáng hiện ra. Bấy giờ, cơm trưa đã ngon ngót, người hay ăn quà bắt đầu nghĩ tới nghĩ lui thêm thắt chút gì vừa nhẹ nhàng, vừa tươi tắn. Bà hàng nộm mau mắn cắt thịt bò, trộn đu đủ, nước chấm, rau thơm, xốn xang hết cả. Chỉ một đoạn đường, dưới những vòm lá, cả đời sống đầy hương sắc dâng đầy. Người ta mưu sinh, ăn uống, chuyện trò như thể đó là một mái nhà đủ ấm.
Mùa lắng trong vòm lá thẫm sương, dưới vòm lá thoảng hương hoa cúc. Các bà, các chị, các cô tung tẩy áo dài, khăn lụa chụp ảnh từ lúc nắng mới hừng lên, tới chiều nhạt nắng vẫn thấy còn người chụp. Dường như mọi người mặc định rằng hễ còn có nắng là có thể tươi tắn phô bày nụ cười, dáng vẻ bên cạnh những dáng cây, những chiều đổ lá. Thơ ca, nhạc họa… tất cả đều mê say trước vẻ đẹp của những vòm cây và đương nhiên mỗi ngày, mỗi mùa đều đổi thay từng sắc màu, cung bậc. Sương bảng lảng, nắng chan hòa, gió la đà, ánh trăng sóng sánh. Gặp mùa, nhớ mùa, thương mùa… cả khi mùa vẫn vẹn nguyên, tròn đầy dưới từng vòm lá thẫm./.