Aa

Mùa tựu trường hy vọng

Nhà thơ Lữ Mai
Nhà thơ Lữ Mai luthimai@gmail.com
Thứ Hai, 05/09/2022 - 06:06

Năm nay là một mùa tựu trường đặc biệt, bởi mọi điều những tưởng như là bình thường, đương nhiên, thì chúng ta lại phải chờ đợi tới vài năm mới trở lại như thông lệ...

Cách đây chưa lâu, khi tôi đặt chân tới xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu một ngày mưa, không khí vẫn căng tràn sự mong ngóng, đợi chờ. Vàng Thị Dợ, 19 tuổi, người dân tộc H’Mông bồng bế hai con nhỏ đứng cạnh cột mốc từ bao giờ, đợi đoàn thiện nguyện tới trao quà. Người phụ nữ ấy thôi học từ năm lớp 9, ở nhà làm nương, dệt vải rồi lấy chồng sớm. Niềm băn khoăn khó nói hiện rõ trong ánh mắt ướt của cô. Hỏi ra, cả gia đình vừa từ vùng khác chuyển về đây, chưa đủ thủ tục giấy tờ, Dợ lo các con của mình sẽ không được đến trường như bè bạn. Đây không phải lần đầu tiên những em bé như con của Dợ nhận được quà tài trợ, nhưng mọi nguồn xúc cảm vẫn cứ dâng ngập, dằng dặc và khấp khởi như lần đầu. Lúc tiễn khách xa, người mẹ trẻ ấy vẫn địu con nhỏ trên lưng, tay dắt con lớn đứng như lúc ban đầu, mắt ướt hơn, xa xăm diệu vợi.

Hình ảnh những em bé ở huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Lữ Mai)

Trước chuyến khởi hành mùa thu này, một chiều hè lộng gió bên thành phố biển Đà Nẵng xinh đẹp, trên thảm cỏ non xanh, chúng tôi được những em nhỏ chào đón trong chiếc áo màu da trời và cất cao tiếng hát: “Em đi giữa biển vàng/ Nghe mênh mang trên đồng lúa hát/ Bông lúa trĩu trong lòng tay/ Như đựng đầy mưa gió nắng/ Như mang nặng giọt mồ hôi/ Của bao người/ Nuôi lúa lớn lúa ơi!”. Sắc xanh của biển, của cỏ, của bầu trời hòa vào màu áo xanh nhẹ nhõm. Mọi thứ cứ bồng bềnh như mây, chao nghiêng theo từng điệu nhạc. Và tất cả vỡ òa khi tưởng chừng nghe rõ cả nhịp đập tim mình, cảm nhận được mọi màu sắc và giai điệu đang lấp lánh hào quang, như ta ở cõi thần tiên nào đó. Nơi ngập tràn sắc xanh mướt mát, dịu êm ấy chính là trường Hope (tên tiếng Việt là Hy vọng), mái nhà mới của những em nhỏ không may mất cha, mẹ do đại dịch Covid-19 từ mọi miền Tổ quốc đã đoàn tụ. Trong năm học đầu tiên, nhà trường đón nhận khoảng 300 em học sinh và mới đây có kế hoạch đón hơn 1.000 em.

Trong những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9, trường Hope tổ chức Lễ khai giảng năm học mới sớm nhất cả nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự, cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Bộ trưởng đã đưa ra ý kiến phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trong dự án mang sách tới trường để sách trở thành người bạn đồng hành thân thiết với các em học sinh trường Hope và cả trẻ em vùng sâu, miền xa. Những cuốn sách với trữ lượng kiến thức và cảm xúc sẽ trở thành nguồn động lực giúp các em vượt qua nỗi đau thương, mất mát và có những giấc mơ đẹp cho cuộc đời mình.

Đoàn công tác Hội Nhà văn Việt Nam và dự án mang sách tới trường để sách trở thành người bạn đồng hành thân thiết với các em học sinh trường Hope và cả trẻ em vùng sâu, miền xa. (Ảnh: Lữ Mai)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, mỗi năm, Hội dự định in từ 5 đến 10 vạn bản các tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng của văn học Việt Nam và các tác phẩm chất lượng mới sáng tác của các nhà văn Việt Nam và trao tới tận tay những em nhỏ. Ông bồi hồi kể lại kỷ niệm mấy năm về trước, trên đường đi một tỉnh miền núi, nhà thơ đã nhìn thấy những đứa trẻ đứng co ro bên đường trong gió lạnh bán củi. Chúng phải mất một ngày vào rừng mới có thể lấy được hai bó củi và đứng cả ngày mới có thể bán được với giá hơn 100 ngàn đồng. Với cuộc sống như thế, hỏi làm sao trẻ nhỏ có thể bỏ số tiền đó để mua một cuốn sách.

“Năm hay mười vạn sách mỗi năm cho những đứa trẻ trong khi nước ta có khoảng 25 triệu trẻ em thì là một con số chẳng thấm gì. Hội Nhà văn biết vậy, nhưng để có đủ sách cho trẻ em và tạo được niềm đam mê đọc sách cho các em thì chúng ta hãy bắt đầu với từng đứa trẻ một từ lúc này. Và qua dự án này, Hội Nhà văn muốn kêu gọi xã hội hãy mang sách tới cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở miền núi và vùng sâu vùng xa. Chúng ta ai cũng có thể hình dung một đứa trẻ lớn lên không biết đến sách thì sẽ ra sao”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trăn trở.

Trước thềm mùa tựu trường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương đã kêu gọi các em học sinh cả nước và thầy cô giáo, phụ huynh… cùng viết những lời chúc tốt đẹp, những vần thơ đầy yêu thương để dán lên hàng nghìn chiếc đèn ông sao làm quà tặng cho con em cán bộ, chiến sĩ Hải quân. Kỹ sư Trần Vũ Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhấn mạnh, Trung thu thường trùng vào dịp năm học mới, mỗi học sinh trong đất liền đều có thể được bố đưa đến trường, nhưng con em cán bộ chiến sĩ Hải quân thì quanh năm xa bố, không có bố đồng hành trực tiếp trong những dấu ấn của tuổi thơ. Thông qua chiếc đèn ông sao là món quà dân gian quen thuộc, đội ngũ tổ chức muốn kết hợp bảo tồn, gìn giữ các giá trị truyền thống với sự yêu thương, đùm bọc.

Năm nay, có tới 3.000 chiếc đèn Trung thu như thế và quà tặng cũng được mở rộng sang mặt nạ. Tiêu biểu phải kể tới món quà là mặt nạ Trung thu của các cán bộ chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tỉnh Ninh Bình làm thủ công gửi tặng con em lính Hải quân; trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội) tặng 1.000 đèn ông sao và viết 2.000 lời chúc dán ở hai mặt đèn; các trường THCS thị trấn Văn Giang (Hưng Yên), THCS Hạ Đình (Hà Nội) tổ chức cho học sinh viết lời chúc...

Những lời chúc tốt đẹp, những vần thơ đầy yêu thương được học sinh trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội) dán lên hàng nghìn chiếc đèn ông sao làm quà tặng cho con em cán bộ, chiến sĩ Hải quân. (Ảnh: Trần Thành)

Thật may mắn bởi mùa tựu trường này, những trường học đặc biệt đang chăm sóc, dạy dỗ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã nhận được sự ủng hộ của các tập đoàn kinh tế tư nhân, những người đã và đang góp phần vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước nhưng lại luôn nghĩ về văn hóa và tìm cách thúc đẩy văn hóa. Nếu không có tấm lòng của những nhà tài trợ, giấc mơ đưa sách tới cho trẻ em vào dịp tựu trường có thể còn là một giấc mơ đẹp nhưng xa vời, trắc trở.

Lòng tôi thầm reo vui khi nhớ tới buổi chiều ngập tràn màu xanh ở trường Hope, xúc cảm tươi trong ùa qua mình như một làn gió mát. Tôi gặp được tuổi thơ hồn nhiên trong vắt khi đối diện ánh mắt, nụ cười của từng em nhỏ. Tất nhiên, ưu tư vẫn đó, bởi các em đã mất đi một gia đình, cuộc sống đã rẽ sang một bước ngoặt, nhưng tương lai rộng dài phía trước lại được mong chờ từ ngày hôm nay.

Em út nhỏ nhất (tôi thường không có thói quen nêu tên, hoặc viết tắt giấu tên các em nhỏ trong những môi trường đặc biệt) trong ngôi nhà chung được thầy giáo, kiêm giám đốc dự án “khoe” về khả năng dẻo dai, có thể chạy bền ngang với các cô chú anh chị. Em đang nhảy vũ điệu “Bài ca tôm cá” trong sự hưởng ứng đầy sôi nổi của mọi người. Anh cả của ngôi nhà chung đã là học sinh PTTH, trầm lặng hơn, nhưng không khép mình. Trong từng cử chỉ khích lệ, chăm sóc và hòa nhịp múa hát cùng các em toát lên tình cảm của một thành viên trong mái ấm.

Ngoài thời gian học tập, sinh hoạt chung, học sinh sẽ tham gia lao động và đọc sách tại thư viện. Các em thỏa thích trồng và chăm sóc cây, thu hoạch nông sản, mở từng phiên chợ nhỏ hoặc trao đổi, tranh luận về những điều mình thu lượm được qua sách vở. Thầy cô và trò thân thiện, hòa đồng như những người bạn lớn và nhỏ. Dường như, đó cũng là bí quyết giúp các em sớm bắt nhịp ở mái nhà chung, cảm thấy vững vàng trong tâm lý và cuộc sống.

Tôi gặp được tuổi thơ hồn nhiên trong vắt khi đối diện ánh mắt, nụ cười của từng em nhỏ. (Ảnh: Lữ Mai)

Năm nay là một mùa tựu trường đặc biệt, bởi mọi điều những tưởng như là bình thường, đương nhiên, thì chúng ta lại phải chờ đợi tới vài năm mới trở lại như thông lệ. Tiếng trống trường không còn vang lên qua loa phát thanh, màn hình máy tính. Bài giảng của thầy cô không chỉ là trực tuyến. Học sinh không phải giam mình trong bốn bức tường ngột ngạt… Nhưng có một sự thật, đó là dù đã nỗ lực bao nhiêu chăng nữa, vẫn đang có rất nhiều học sinh mồ côi sau đại dịch Covid-19. Những ngôi trường lý tưởng như Hope chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Không ai mong chờ bi kịch, nhất là bi kịch lại chạm vào thế giới trẻ thơ, nhưng ta hoàn toàn có thể nỗ lực để góp phần giải quyết hậu quả sau những nguồn cơn biến động, để mỗi trẻ em được che chở bởi một mái nhà ấm êm đúng nghĩa.

Nỗi dằn vặt ấy trước đó từng hiện hữu trong tôi, nhen nhóm cảm xúc để tôi viết trường ca “Hồi sinh” với hình tượng chính là trẻ em mồ côi sau đại dịch. Bóng tôi dẫn tôi qua từng đám rước chỉ toàn đom đóm vụt bay. Bóng tối dẫn tôi tới tận cùng tiếng khóc, là một dòng suối trong, vục mặt xuống thơm mùi sữa mẹ. Bóng tôi dẫn tôi gặp những bàn chân đang run rẩy chạm lên thảm cỏ đẫm sương. Và có một điều kỳ lạ, tận cùng cơn mộng mị dài, tuôn ra bởi những dòng thơ đầy khắc khoải, tôi gặp một mùa hè ngát xanh, có tiếng hát trong veo, có những bước chạy vã mồ hôi trên đất… Mọi điều trong giấc mơ, phần nào trùng lặp với hiện tại tươi đẹp tôi gặp.

Món quà học sinh cần nhận được vào mùa tựu trường không chỉ là áo quần, sách vở, quà bánh, cao hơn hết, đó là sức sống, hy vọng căng tràn mà thế giới này đã lan tỏa tới trẻ thơ. Mọi thứ cần phải xôn xao, rực rỡ, đong đầy, như biển lúa đang ngả vào tương lai những bông vàng uốn câu trĩu trịt dẻo ngọt vị đời mà thơm hương gió trời./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top