Aa

Thăm thẳm cánh đồng

Nhà thơ Trang Thanh
Nhà thơ Trang Thanh trangthanh196@gmail.com
Thứ Năm, 08/09/2022 - 06:15

Biết đi đến bao giờ cho hết những cánh đồng? Chân bước đến đâu là nỗi nhớ buộc hồn ta ở đó, bởi nơi ấy cũng dường như có bóng dáng quê mình, cũng lúa nước, cánh cò, con tôm con cá, đàn vịt đồng rẽ nước chạy le te...

Mỗi lần từ Hà Nội nơi tôi đang sống trở về quê nhà, xe đều đi qua khu công nghiệp Mỹ Trung rộng lớn, mọc lên ở nơi xưa kia là cánh đồng Bông tiếp nối với cánh đồng Ngũ Đồi, mở rộng ra vùng đồng trũng của xã Mỹ Phúc và Lộc Hạ, tiếp giáp với góc phía Đông Bắc TP. Nam Định. 

Một dải đồng chiêm trũng từng thăm thẳm cánh cò bay, lấp lánh những ước ao bờ xôi ruộng mật của bao đời cư dân bản xứ từng sinh ra, lớn lên và gắn bó máu thịt với mảnh đất ấy, giờ không còn một mảnh ruộng, một dấu tích. Phong trào đô thị hóa nông thôn, mở rộng thành phố và phát triển các điểm vùng công nghiệp đã lấy đi toàn bộ cánh đồng, thay vào đó, là rầm rập công cuộc quy hoạch, đền bù cho bà con nông dân, san lấp mặt bằng, chuẩn bị cho sự lên ngôi của các nhà máy, công xưởng, chủ yếu là liên doanh với nước ngoài. Cánh đồng vốn đã được quy hoạch vuông vức và đẹp đẽ từ xa xưa, nên đến bây giờ, hóa thành khu công nghiệp, nó cũng vuông vức, vạm vỡ, tuyệt không hề có một rẻo đất nào méo mó, thừa thẹo.

Sau gần vài chục năm kể từ ngày người dân quê tôi thôi nghề cày cấy, nhận tiền đền bù đất ruộng để xây nhà sửa cửa, làng cũng đổi sắc thay da, lại mở rộng thêm một rẻo gọi nôm na là làng mới, với mấy chục nóc nhà ở khu phân lô. Con đường tiếp giáp với khu công nghiệp chạy qua, thế là làng mới thật may, ô tô đỗ tận cửa. Nhiều nhà sắm được đồ dùng tiện nghi như nhà phố, lại góp được cái sổ tiết kiệm phòng khi ốm khi đau. Tuy nhiên, thanh niên trai tráng, đàn ông phụ nữ, không còn ruộng thì phải tìm đường ra phố làm ăn, chủ yếu đi làm thợ xây, phụ hồ, làm công nhân trong các xưởng may xuất khẩu. 

Phong trào đô thị hóa nông thôn diễn ra tại nhiều nơi. (Ảnh minh họa)

Không còn hoặc còn không đáng kể tí ruộng phần trăm có thể cấy mấy hom nếp để dành cho nồi bánh chưng Tết, những người vốn xưa là nông dân, một mình quản lý cấy trồng cả mẫu đất ruộng, cuộc sống tự cung tự cấp từ hạt gạo, cái rau đến con gà, con cá là chủ yếu, giờ ngày ngày phóng xe máy ra chợ mua từ yến gạo, mớ rau thơm, con cua, cái ốc, tựa như người thành thị vậy. Nghĩ về đồng cũ, hẳn họ cũng có chút hụt hẫng ở trong lòng. Bởi cho dù đã vài chục năm dần quen với nếp sống nửa quê nửa phố, nhưng vẫn ngày ngày đi ra đi vào trên con đường làng mình thân thuộc đến từng lùm cây dại. Chỗ cây duối cổ thụ này xưa để buộc trâu, chỗ lùm tre này vẫn nghỉ vai mỗi lần gánh lúa. Ngó quanh bốn bề đều dễ dàng mường tượng cả một cánh đồng bao nhiêu nhớ thương, mồ hôi và nước mắt, giờ chỉ là một dải cát mênh mông cỏ dại, hẳn họ cũng phải giấu vào tận sâu lòng mình những tiếng thở dài. 

Rồi thì mới đây, một phần rất nhỏ của khu công nghiệp Mỹ Trung cuối cùng cũng đã đi vào hoạt động. Vài ba công xưởng nhỏ liên doanh với nước ngoài, cũng chủ yếu về may mặc, đóng trụ sở ở ngay cửa ngõ khu công nghiệp, kề cận con đường huyết mạch nối Thái Bình với Nam Định bởi cây cầu Tân Đệ bắc qua sông Hồng, và từ đó xuôi đi Hà Nội, hẳn là để tiện giao thương. Phần lớn còn lại chủ yếu nằm sâu về phía rẻo làng Đông Thành, Phương Bông, vẫn chỉ là đất nền, ngút ngàn cỏ mọc. 

Nhớ xưa kia một dải đồng mênh mông xanh thẳm, lồng lộng cánh cò bay, vi vút sáo diều mỗi mùa thu mùa hạ. Người dân quê tôi sống, lao động, mưu sinh, cấy trồng, nhọc nhằn chiêm mùa lam lũ, hay nông nhàn đằng đẵng cất tép móc cua, tất cả đều chỉ trên cánh đồng ấy. Cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, ra đi tìm bờ bến mới cho linh hồn mình nương náu, thì họ cũng gửi thân xác lại cho cánh đồng ấy, ở nơi mỗi làng đều có một khu gồ riêng, nằm về khúc cuối, ngay kế cánh đồng. 

Những cánh đồng đẹp đến nao lòng. (Ảnh minh họa)

Một cánh đồng ngờm ngợp xanh từ màu lúa đến màu trời tháng ba ngày tám, đến vụ chiêm, mùa là vàng lên ngút ngát màu sắc của ấm no. Mà mỗi lần tôi từ mé vườn nhà mình nhìn xa hút về phía đằng Tây, qua hết cái khoảng đồng mênh mông bát ngát, chỉ thấy bao la là đường chân trời xa tít. Cái đường chân trời gợi trong tôi bao nỗi tò mò, xa xôi nghi hoặc. Trời tròn, đất vuông, ngày nào học về sự tích bánh chưng, bánh dày, tôi cứ nghĩ, nhìn thấy đường chân trời ở xa kia có nghĩa là bầu trời cũng chỉ có giới hạn! Đến nỗi, vào mỗi khi trời trong văn vắt cho phép tầm mắt mình được tự do mường tượng, tôi ngỡ, cứ đi hết cánh đồng thì chắc cũng gặp ông trời đang cúi đầu xuống mảnh ruộng lúa cuối cùng của cánh đồng quê tôi kia thôi. Nhưng mẹ tôi bảo rằng không phải. Chân trời ấy, có đi hết một đời người, cũng vẫn chỉ là thăm thẳm, không bao giờ ta chạm tới, còn cánh đồng, dẫu to lớn đến đâu đi nữa, vẫn có giới hạn. Ở giữa đồng còn có bờ vùng bờ thửa, rất nhiều bờ con ngăn chia từng sào ruộng nhỏ, thì đi hết cánh đồng rồi cũng gặp những con đường. Con đường ấy vừa là ranh giới, vừa là sự tiếp nối để đến một cánh đồng khác, của một làng quê khác, hoặc là để khoanh lại địa giới một làng quê, mở ra một vùng thành thị. 

Như ở quê tôi, hết cánh đồng là chạm con đường 38A, một con đường liên huyện, từ TP. Nam Định đi tới các xã của huyện Mỹ Lộc, qua sông Châu Giang mà đi tới các vùng Lý Nhân, Nhân Hậu của Hà Nam. Từ nhà tôi, có hai lối dẫn vào thành phố là đường 38A song song với đồng Bông và một con đường mương xuyên qua cánh đồng Ngũ Đồi, ra đến Đệ Tứ thì cũng đã coi như là chạm vào thành phố. Băng qua con đường 38A là mở ra cánh đồng Lộc Vượng, Đệ Tam, Hậu Bồi, chảy giữa là con sông Vĩnh Giang thơ mộng. Nằm kề bên con sông ấy chính là hành cung Thiên Trường, nơi xưa kia được coi là kinh thành thứ hai của các vua nhà Trần, dấu tích còn lại đến bây giờ là các cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa, đền Trần, chùa Phổ Minh mà dân ta quen gọi là Chùa Tháp. Sau lưng quần thể di tích ấy cũng bát ngát một cánh đồng to lớn của Bảo Lộc, Cấp Tiến, Vạn Khoảnh, Liễu Nha, Lựu Phố (thuộc xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc) với các khu di tích: Đền Bảo Lộc, Lăng mộ Trần Hưng Đạo, đình Lựu Phố… Cả một quần thể các di tích lịch sử từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh, nằm quây quần rải rác khắp một vùng thôn quê đã từ xa xưa đầm ấm, nên thơ, với sông, vườn, đồng ruộng, tương truyền xưa kia là vùng trồng liễu, trồng hoa, cung cấp cây cảnh cho hành cung Thiên Trường. Qua dốc Lựu Phố là chạm bến sông Châu, ngày nào hai bên bờ còn nối với nhau bởi chiếc cầu phao dập dềnh mặt nước, vắt sang cả một vùng Nhân Hòa, Nhân Hậu trù mật phù sa đất bãi, xứ sở của giống chuối ngự thơm ngọt nổi tiếng còn gọi là chuối tiến vua và rất nhiều sản vật như hồng ngâm, bưởi, mía, nhãn lồng... 

Chân trời ấy, có đi hết một đời người, cũng vẫn chỉ là thăm thẳm, không bao giờ ta chạm tới, còn cánh đồng, dẫu to lớn đến đâu đi nữa, vẫn có giới hạn. (Ảnh minh họa)

Đôi chân tuổi thơ của tôi ngày ấy, đã chạy dọc bờ vùng bờ thửa trên cánh đồng trải từ Đông sang Tây, từ Nam qua Bắc nếu lấy làng tôi làm trục dọc, với nhiều dải đồng mang những cái tên giản dị ghép lại như: An Lạc, Ngũ Đồi, Đồng Bông, Trũng Khê... Đồng Bông là cánh đồng nằm cạnh làng Phương Bông; Trũng Khê là khu ruộng trũng nằm cạnh làng Thanh Khê, thật dễ hiểu. Các cụ ngày xưa cứ nôm na dễ nhớ, dễ hình dung mà gọi tên sự vật, tên đất, tên làng. Ngũ Đồi nghe nói xưa kia có mấy cái gò nổi giữa cánh đồng rộng lớn. Ngày tôi lớn lên, chỉ thấy còn một cái. Hẳn là trong công cuộc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, để tiện cho việc “cày máy, cày thay con trâu” (lời một bài hát), người ta cần những vuông ruộng lớn, thì gò nổi trên đồng cần được san lấp cho ruộng đồng bằng phẳng. Còn An Lạc, đó là dải đồng nhỏ nằm ở đuôi làng, chân ruộng cao, dùng để gieo mạ, hết mùa gieo mạ thì trồng ngô khoai là chính. Khu gồ làng nằm trên dải đồng An Lạc. Cái tên An Lạc có lẽ để dành cho những người làng đã khuất bóng, với mong muốn họ vãng sanh trên miền quê mới được an lành. 

Mỗi cánh đồng đều đong đầy gian lao và nhớ thương với mọi người. (Ảnh minh họa)

Nhiều lần mẹ cho tôi theo đi khắp các xã quanh vùng, khi đi chơi, khi đi cúng lễ, xem bói. Bước chân tôi băng qua nhiều cánh đồng rộng lớn của Tam Đoài, Bảo Lộc, Hậu Bồi…, có khi qua phà Tân Đệ sang tận Thái Bình, nơi cánh đồng vựa lúa lớn nhất Bắc Bộ, quả thật khiến tầm mắt tôi thêm một lần thấy chân trời càng đi càng xa ngái.

Những cánh đồng chiêm trũng thường có điểm chung là dễ úng ngập vào mùa mưa bão. Xa xưa chỉ cấy một vụ lúa, công cuộc cày cấy phụ thuộc hoàn toàn vào ông trời, ông cho mưa thuận gió hòa thì được mùa, mưa bão nhiều thì thất bát. Sau này vào đời sống mới, đào mương dẫn nước làm thủy lợi nội đồng, thì một năm chiêm mùa gối vụ. Tuy vẫn có năm thời tiết xấu, mưa bão liên miên, cánh đồng có lúc ngập trong biển nước. Người trên đồng như chìm lút hình hài trong mênh mông bốn bề nước lũ, chỉ thấy nhấp nhô vành nón cũ cùng cây lúa thoi thóp, lơ phơ.  

Những cánh đồng đong đầy gian lao và nhớ thương như vậy, với cả một đời người, day dứt qua mấy thế hệ, từng là nơi sống còn, từng là niềm hy vọng, là bát cơm manh áo, là sản nghiệp của cả gia đình, hỏi sao không đầy đặn hình bóng ngay cả khi bóng dáng của nó đã vĩnh viễn không còn. Cả một vùng chiêm trũng xưa kia gọi là Sơn Nam Hạ, biết đi đến bao giờ cho hết những cánh đồng? Nhưng chân bước đến đâu là nỗi nhớ buộc hồn ta ở đó, bởi nơi ấy cũng dường như bóng dáng quê mình, cũng lúa nước, cánh cò, con tôm con cá, đàn vịt đồng rẽ nước chạy le te... 

Có phải thế chăng mà ngày nào mẹ nói, càng đi xa, chân trời càng rộng mở. Cứ đi, mải miết trong cõi nhân gian mênh mông và bầu trời thăm thẳm, có khi, ta lại trở về với nơi xuất phát của chính mình./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top