Trong khi các khách hàng "gõ cửa" khắp nơi để nộp đơn tố cáo, đề nghị xử lý hình sự các chủ đầu tư cố tình lừa đảo, đẩy người mua nhà vào cảnh khốn cùng thì các cơ quan có thẩm quyền lại chưa quyết liệt, khiến người dân bức xúc.
Ra quyết định khởi tố hình sự… rồi lại hủy
Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Minh Toàn, đại diện cho cư dân là những nạn nhân mua căn hộ chung cư Gia Phú của Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú (viết tắt là Công ty Gia Phú; phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP HCM), cho biết ngày 20-7, bà và một số người là nạn nhân của dự án này tiếp tục đến VKSND TP HCM yêu cầu thực hiện việc phục hồi quyết định khởi tố và bắt bị can đối với ông Nguyễn Hùng Nghiêm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Gia Phú. Bởi trước đó, cơ quan này đã hủy quyết định khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT TP HCM, vì cho rằng "chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm".
Cụ thể, VKSND TP đã hủy bỏ quyết định khởi tố hình sự vì lý do "chưa xác định rõ giá trị căn hộ còn lại của chủ đầu tư và do ông Nghiêm khai những căn hộ bán trùng là do thiếu tiền kinh doanh phải đi vay của chủ nợ, không có tiền trả nên chủ nợ ép ký bằng hợp đồng mua bán…". Tuy nhiên, theo bà Toàn, việc ông Nghiêm khai những căn hộ bán trùng "do thiếu tiền kinh doanh…" là đã nhận tội. Lời khai này thể hiện ông Nghiêm có đủ hành vi ý thức nhưng vẫn cố ý ký hợp đồng bán một căn hộ cho nhiều người khác nhau.
Bà Toàn cho biết bà và các cư dân có đủ nhân chứng, vật chứng cho thấy chủ đầu tư dự án Gia Phú có hành vi dùng thủ đoạn gian dối lừa đảo chiếm đoạt tài sản với động cơ và sự tính toán rất cụ thể các bước. Các khách hàng của dự án này đóng tiền gần 80%-90% nhưng 6-7 năm nay không được bàn giao; còn chủ đầu tư thì vẫn không bị xử lý dù đã cố tình bán trùng căn hộ để thu tiền.
"Bây giờ, đại diện VKSND TP hứa là sẽ xem xét, có thể phục hồi quyết định. Nhưng với việc hủy bỏ quyết định khởi tố; không bắt tạm giam; gỡ bỏ lệnh cấm xuất cảnh đối với ông Nguyễn Hùng Nghiêm sẽ tạo điều kiện cho ông ấy bỏ trốn ra nước ngoài. Khi đó, thiệt hại của cư dân chúng tôi ai chịu trách nhiệm? Liệu có phải làm rõ trách nhiệm hình sự đối với VKSND TP vì có dấu hiệu "không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có tội?" - bà Phạm Thị Minh Toàn bức xúc.
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng Luật Giải Phóng, có lẽ thời gian qua, Chính phủ có chủ trương không hình sự hóa các quan hệ về kinh tế nên các cơ quan tố tụng cũng rất thận trọng, đưa ra quan điểm là nếu đủ căn cứ xử lý hình sự thì mới xử lý. Tuy nhiên, có một thực tế là ranh giới giữa hình sự và dân sự rất mong manh, tùy thuộc rất lớn vào quan điểm của người nhìn. Cũng chính vì lẽ đó, một số người đã lợi dụng chủ trương này để cố tình chiếm đoạt tài sản của người khác, mà phổ biến nhất là vay mượn tiền hoặc hợp tác làm ăn, kêu gọi góp vốn rồi chiếm đoạt tài sản. "Thiết nghĩ, cơ quan tố tụng cần có giải pháp nào đó hợp lý để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân chứ không thể thấy có dấu hiệu và đủ căn cứ để xử lý hình sự nhưng lại "chùn tay". Tôi cho rằng cơ quan tố tụng cần củng cố, bổ sung và tăng cường các dấu hiệu mô tả tội danh khi nào là hình sự, khi nào dân sự cho rõ ràng. Các dấu hiệu dễ nhận biết nhất, theo tôi, là "tẩu tán tài sản" hoặc cố tình "tận thu" của khách hàng trước khi vụ việc vỡ lở. Nếu có dấu hiệu này thì phải xử lý hình sự để răn đe các đối tượng cố tình làm sai, đẩy khó khăn về cho khách hàng, đối tác" - luật sư Hưng kiến nghị.
Khó khăn thi hành án
Mang đơn đi kiện hình sự thì bị trả hồ sơ nhưng khi đi kiện dân sự, dù tòa tuyên cho những cư dân thắng thì họ cũng không biết khi nào mình mới được chủ đầu tư trả lại tiền. Nếu nộp hồ sơ lên cơ quan thi hành án thì bao lâu mới được phát mãi tài sản, rồi chia ra được bao nhiêu.
Điển hình như tại dự án chung cư cao cấp Vạn Hưng Phát (quận 8, TP HCM), ông Trần Quốc Học, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận 8, cho biết đến nay, đơn vị đã thụ lý gần 40 vụ kiện liên quan đến dự án này với tổng số tiền phải trả lên đến trên 80 tỉ đồng, bao gồm khách hàng mua dự án, các nhà cung cấp, các doanh nghiệp liên quan… Đồng thời, chi cục cũng đang tổ chức thi hành đối với Quyết định số 16/2016/QĐDS liên quan đến khoản nợ phải trả của Công ty Vạn Hưng Phát (chủ đầu tư dự án Vạn Hưng Phát) tại ngân hàng A. chi nhánh Bình Chánh.
Vấn đề phát sinh là theo bản án TAND quận 8 tuyên thì ngân hàng sẽ được ưu tiên thanh toán trong trường hợp phát mãi tài sản với tổng số tiền hơn 154 tỉ đồng, trong đó bao gồm 66,2 tỉ đồng nợ gốc và hơn 88,5 tỉ đồng tiền lãi (chưa bao gồm án phí gần 130 triệu đồng). Tuy nhiên, trong quá trình xác minh, tìm hiểu để tổ chức thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự quận 8 phát hiện hợp đồng thế chấp tài sản của Vạn Hưng Phát và ngân hàng A. chi nhánh Bình Chánh chưa được công chứng và chưa thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm tại Văn phòng Đăng ký đất đai TP nên đã đề nghị TAND quận 8 giải thích cơ sở pháp lý nào để tuyên phía ngân hàng được ưu tiên thanh toán đối với trường hợp phát mãi tài sản và có văn bản đề nghị TAND Cấp cao, VKSND Tối cao kháng nghị Quyết định 16/2016/ĐDS của TAND quận 8. Nhưng đến nay, sau gần 2 tháng đề nghị, vẫn chưa nhận được trả lời vì vậy chi cục không thể tổ chức thi hành án được. "Chúng tôi rất khổ tâm khi thấy nhiều khách hàng đến hỏi tiến độ thi hành án. Có những cái khó, còn vướng mà chúng tôi rất muốn tháo gỡ nhanh để tiến hành phát mãi tài sản, trả tiền cho khách hàng" - ông Trần Quốc Học chia sẻ.
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, với các án dân sự liên quan đến kiện chủ đầu tư vì chậm giao hoặc không giao nhà thì người mua luôn là người chịu thiệt vì rất khó thi hành án. Bởi tài sản khi đó đã không còn hoặc còn thì cũng không đủ "chia". Nhiều khi bản thân chủ đầu tư đi xe hơi, ở nhà lầu nhưng tài sản đứng tên người khác hoặc pháp nhân khác, không phải của doanh nghiệp thì cũng rất khó cưỡng chế để thi hành án, đòi lại quyền lợi cho khách hàng.
Luật sư HỒ NGỌC DIỆP, Đoàn Luật sư TP HCM: Dân sự hay hình sự? Báo Người Lao Động ngày 21-7 có bài "Mua nhà gặp trúng quả lừa" phản ánh trường hợp ông Huỳnh Văn Ánh - Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Bình Tân - có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi thực hiện hành vi bán một căn hộ chung cư cho nhiều người. Theo đó, sau khi bị phát hiện hành vi bán căn hộ cho nhiều người, ông Huỳnh Văn Ánh đã ký văn bản thỏa thuận về việc trả lại tiền cho người mua nhưng không trả và trốn tránh cho đến nay. Điều đáng nói là, khi phát hiện vụ việc có tính chất lừa đảo, nhiều khách hàng đã làm đơn tố cáo gửi khắp nơi nhưng cơ quan chức năng lại cho rằng đây là vụ việc dân sự nên đã trả lại đơn tố cáo ngay sau đó. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là cơ sở nào để cơ quan chức năng cho rằng vụ việc chỉ là quan hệ dân sự? "Văn bản thỏa thuận hứa trả lại tiền cho người mua" có phải là căn cứ để loại trừ trách nhiệm hình sự không? Nếu theo cách suy nghĩ trên thì mọi người có thể mặc sức bán nhà cho nhiều người để chiếm đoạt tài sản rồi chỉ cần viết "Văn bản thỏa thuận hứa trả lại tiền cho người mua" đều không phạm tội và trở thành quan hệ dân sự (?). Nếu vậy, thử hỏi nhà làm luật quy định các dấu hiệu cơ bản của cấu thành tội phạm để làm gì? Khi một người đã thực hiện hành vi nhận tiền để chuyển quyền sở hữu tài sản cho người khác nhưng sau đó lại tiếp tục chuyển nhượng tài sản đó cho bên thứ ba thì tại thời điểm họ nhận tiền và thực hiện việc chuyển nhượng tài sản cho người thứ ba, việc phạm tội đã hoàn thành. Vì vậy, cho dù sau đó họ có thuyết phục được người mua ký vào "Văn bản thỏa thuận trả lại tiền" (nhưng sau đó không trả), hành vi đó cũng đã cấu thành tội phạm. Việc người mua đồng ý nhận lại tiền (nếu có) cũng không có ý nghĩa chuyển hóa từ một hành vi bị pháp luật hình sự xem là tội phạm sang quan hệ dân sự. Và càng không thể là căn cứ để loại trừ trách nhiệm hình sự đối với tội phạm mà họ đã thực hiện. |