Trong đời mình, đi qua bao miền quê đến mọi vùng đất nước, trong âm điệu tâm hồn tôi đều mang mang nhịp sóng. Đó là những sóng lúa mênh mang, những thảm vàng dạt vào nhau khi ngọn gió đồng thổi về. Tôi lại chợt nhớ đến câu thơ của một anh bạn: “Lúa gặt rồi rơm rạ bó vào nhau”. Và trên sóng lúa mang mang ấy, gió đồng cũng thổi dạt dáng người gánh rạ:
“Mẹ đang đi gánh rạ giữa đồng
Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vì gió” (Hữu Thỉnh).
Gió và sóng lúa đồng quê với tôi chỉ mang hơi hướng thoảng qua chứ thấm đẫm nhất, ngấm vào tôi ngay còn nhỏ là gió biển và sóng biển. Bởi tôi sinh ra từ một làng quê biển, uống ngọn gió nồm ăn vị cá biển, chân đạp trên cát biển. Trong mạch máu của tôi còn nguyên vị nước mắm nguyên chất đẻ ra những hồng cầu thắm đỏ huyết quản. Và tôi luôn mang theo dìu dặt trong mình nhịp sóng ấy...
Thật lạ, không biết giữa biển và rừng có mối quan hệ bí ẩn gì mà khi dáng thuyền ra khơi lại mang theo cả hồn cốt của rừng, căn cước của rừng từ những thớ gỗ đóng thuyền đến cánh buồm nhuộm củ nâu rừng bền chặt, đến cây rạo trồng giữa biển khơi dụ cá đến ở cũng bằng tre, bằng luồng, bằng những bó lá muồng buộc xung quanh với những sợi dây mây rừng dẻo dai cuốn chặt.
Rồi bao tên cá cũng mang tên thú tên rừng có lẽ một phần do hình dáng bên ngoài, một phần do tâm thức người Việt giàu tính tượng hình mà đặt tên chăng? Đó là cá voi, cá bò, cá heo, cá chó (hải cẩu), cá ngựa, cá chim, cá dơi, cá chuồn... Còn tôm thì tôm hùm (hổ). Và tên cá cũng được gọi với những vật dụng thường ngày như cá đục, cá chai, cá cào... Lại có cả cá cơm, cá cháo, mực thì mực kim, mực xôi. Thế giới cá của biển là một kho tàng phong phú đa dạng. Tôi có nghe nói, thủy tổ loài người bắt đầu từ cá, lại nghe nói trong cơ thể người ¾ là nước và máu. Máu thì có vị mặn của biển. Mang mang nhịp sóng ấy cứ quấn quýt lấy tôi, vang vọng trong tôi những hồi ức, hồi âm ùa về...
Tôi đã từng theo các ngư phủ ra khơi và đã được nghe họ truyền thông điệp cho nhau qua tiếng tù và xoắn lòng, xoắn ruột. Con ốc biển đã chết mà hồn ốc vẫn sống. Tiếng tù và khẩn thiết, tiếng tù và cộng hưởng mang theo cả ngọn gió biển khơi nồng nàn, sóng biển khơi cuộn chảy.
Một ngư phủ được mệnh danh là “sói biển” thuộc luồng lạch như chỉ bàn tay mình có lần nói với tôi: Cứ tưởng mặt nước biển bình yên nhưng dưới đó có bao luồng sóng chảy xiết đan chéo vào nhau như câu ca: “Tháng 7 nước chảy lo le” hay “Tháng ba trong nước em ơi/ Bớt cơm anh lại mà nuôi mẹ già”. Đó là những thời điểm khó đánh bắt cá nhất. Nước trong cá xót mắt không chịu ăn mồi, lo le là nước xiết giằng chéo nhau thả lưới xuống thì cuộn xoắn lại. Và “chim chết vì nhạ/ cá chết vì nước” là thế. Đến kỳ sinh con, nước theo nhịp thủy triều, theo tuần trăng mọc, lúc đó sóng thuận, nước “thơm” là mùa thu hoạch cá cao nhất.
Mang mang nhịp sóng là nhịp con thuyền chao võng. Cánh võng thuyền là cả một kỳ công sáng tạo và thiết kế sao cho phù hợp với không gian ngôi nhà di động đó. Tôi đã nhiều lần ngồi ngắm cái bếp nấu ăn trong khoang thuyền chật hẹp và ám khói như cái bếp trên nhà sàn miền núi. Cái bếp được đắp bằng đất sét dính chặt, khuôn gỗ nặng chình chịch với những chiếc kiềng sắt chắc chắn. Cái bếp kỳ lạ này sinh ra để làm sao cho cái nồi nấu cơm, nấu canh dù sóng to chao đảo cơm vẫn chín đều, canh vẫn ngọt không tràn ra ngoài. Đó là cả một nghệ thuật mà người nuôi quân phải có thủ thuật kinh nghiệm “năng khiếu” nấu ăn riêng.
Hình như sóng biển đã ngấm vào cơ thể họ tạo ra một nhịp điệu riêng để họ thuộc lòng từng ngấn sóng, từng giàng sóng, từng hướng sóng để lắc lư uốn người như làm xiếc điều khiển củi lửa, chao đảo thật đều mềm dẻo để giữ cân bằng. Trong bát cơm dẻo, cơm thơm, bát canh mát lòng, hình như có cả nhịp sóng trong đó, nhịp sóng từ lửa reo, từ ngọn khói thơm nấu bằng củi cây dương - loại cây trồng chắn sóng mà từng vân gỗ xoắn vào nhau đi qua bao mùa bão.
Mang mang nhịp sóng khi chiều về, hoàng hôn buông xuống, người thuyền trưởng lại mở cái đài bán dẫn thường đeo bên người để nghe thông báo thời tiết và mở to làn điệu dân ca. Thật lạ, dân biển mê dân ca và mê nhất là điệu vọng cổ ngân vọng, ngân dài da diết. Hình như trong con người họ có những luyến láy thiết tha nào đó như là một điểm tựa vững chắc cân bằng đối trọng để chống lại những sóng gió khắc nghiệt biển khơi. Vì thế cộng đồng nhỏ trên thuyền gắn kết vào nhau như một đại gia đình. Khi kéo neo, kéo lưới, dây người ấy căng vào nhau chung một nhịp “hò dô”. Và thân phận họ cũng gắn bó với nhau:
“Suốt đời chỉ mấy thước dây
Kéo đi kéo lại mòn tay vẫn còn”.
Nhịp sóng vỗ vào nhịp đời với bao âm hưởng. Con người dân chài ra với biển khơi sóng gió không say nhưng khi bước chân lên bờ lại say “sóng đất”. Sóng đất, ngọn sóng nào từ mặt đất bằng phẳng nâng bước ta đi ngay từ chập chững bước đầu đời, thế mà lại tạo ra những tần số rung chấn buộc mình nghiêng ngả. Cuộc đời đôi khi phi lý thế. Chỗ tưởng như an toàn vững chãi nhất lại có khi là điểm hiểm yếu rình rập bao hiểm nguy không lường trước được. Say sóng đất mệt hơn say sóng biển bởi nó cứ âm ỉ, riết róng và hẫng hụt. Nhưng lạ thay khi nằm lên cánh võng chao nghiêng thì cơn sóng đất mất hẳn như có một sự giao thoa nào đó để cân bằng lại. Tôi đã từng viết:
“Cánh võng đầu tiên ru tôi
Là mảnh lưới cha tôi cắt ra từ tấm lưới còn dính đầy vảy cá
Trong giấc mơ tôi không có tiếng côn trùng
Tiếng cá quẫy khuấy vào tôi tăm sóng
Cha nhóm lửa lui cui mùi cá nướng
Da thịt tôi bỏng rộp tiếng 'xèo'
Và lúc ấy ký ức tôi thành sẹo
Và cát bỏng hóa miền hoang tưởng trắng
Và cái chết của bấy nhiêu con sóng
Dìu tôi đi những bước đầu tiên”.
Từ những bước chân men theo con sóng vỗ về ngàn năm không nghỉ ấy, tôi nhận ra cái nhẫn nại bền bỉ và hết mình một cách tự nguyện của kiếp Dã Tràng xe cát. Phải công nhận những công trình của Dã Tràng thật khéo léo và dằng dặc biết bao. Dằng dặc của những chùm viên cát tròn xoe xếp cạnh nhau theo một "kiến trúc" khá độc đáo. Mặc cho dấu chân, bàn chân người dẫm lên, mặc cho sóng vỗ bờ xóa sạch, bao công lao trôi theo bọt sóng. Thế nhưng, Dã Tràng vẫn xem nhẹ như không, vẫn tận hiến đến cùng xem như đó là nghĩa vụ cao cả, công việc yêu thích của mình: “Việc của mình là xây” . Và bao lần tôi ra đứng trước gò cá, trước chợ cá lao xao, lao xao bán mua, lao xao mặc cả mà cứ ngẩn ngơ và tự nhủ mình:
“Về thôi Người ơi
Lưới chiều đã rách
Còn gì để mất
Có gì để cho
Người ta đếm cá
Mình ra đếm người
Người ta học gói
Mình về học bơi”.
Tôi vẫn nhớ như in cái lịch thời tiết kỳ lạ báo bão của làng tôi bắt đầu từ các ngày giỗ. Ví như: Tháng 8 này là có gió nhà Chắt Bảy. Nghĩa là có một tháng 8 nào đó, thuyền nhà Chắt Bảy bị đắm vì bão. Và đến ngày giỗ ấy là dân làng lại rì rầm với nhau: Sắp có bão đó, bão “gió nhà Chắt Bảy”. Có thời điểm trong năm, làng tôi rất nhiều nhà làm giỗ một lúc. Đó là cơn bão khác thường cuốn trôi hàng chục chiếc thuyền một lúc. Phận người thật mỏng manh là thế vì: “Đi thì chỉ chết một cha/ Không đi thì chết cả bà liền con”.
Cái làng biển quê tôi có hai nghề thông dụng là đóng thuyền và đóng quan tài. Ông chủ đóng quan tài có biệt tài nheo nheo nhìn đám thanh niên trai tráng đi khơi mà ước lượng kích thước gần bằng nhau, còn chiều rộng nhiều cỡ khác nhau. Vì chết biển tội lắm, càng lâu ngày càng trương phình lên ép vào quan tài sao được. Cái nhịp sóng chết chóc ấy vẫn bủa vây, vẫn ám ảnh vẫn thắt chặt và vẫn buông nới. Nhưng các ngư phủ vẫn “khà” bát rượu nếp, vẫn áo vắt vai phong trần, vẫn chân trần đạp cát, vẫn ngân nga câu ví dặm: “Giận thì giận mà thương càng thương”. Họ cưỡi sóng ra đi, những lát sóng lưỡi búa chém vào thuyền bởi họ tin phía sau lưng họ là làng biển nhấp nhô những mái mái lợp bằng ngấn sóng, là làng quê với những lũy tre xanh kẽo kẹt nhịp sóng của đồng của ruộng, là những mắt rạ chi chít như mắt lưới. Chính đó là hồn biển, hồn rừng, hồn đồng quê chụm vào nhau, nương tựa nhau tạo ra một tư thế, một lối sống, một sắp đặt có hậu. Và nhịp sóng, nhịp đời cũng bắt đầu mang mang từ đó.../.