Aa

Đòn gánh tre của mẹ

Thứ Hai, 27/03/2023 - 06:30

Mỗi khi nghĩ về mẹ, tôi lại bồi hồi nhớ về chiếc đòn gánh tre đã gánh cả cuộc đời, gánh bao nhọc nhằn tất bật, gánh bao mưa nắng lụt bão, gánh bao buồn vui tủi phận để vượt lên sóng gió, để dấn bước đường trường...

Trong bài “Văn chiêu hồn” nổi tiếng của Đại thi hào Nguyễn Du có câu thơ thấm đẫm thân phận con người: “Đòn gánh tre chín dạn hai vai”. Và mỗi khi nghĩ về mẹ, tôi lại bồi hồi nhớ về chiếc đòn gánh tre đã gánh cả cuộc đời, gánh bao nhọc nhằn tất bật, gánh bao mưa nắng lụt bão, gánh bao buồn vui tủi phận để vượt lên sóng gió, để dấn bước đường trường, và tôi đã viết về mẹ tôi: “Chiếc đòn gánh xoắn mẹ theo thớ gió - Sấp ngửa đi dọc lát sóng cuối mùa”.

Chiếc đòn gánh tre già dẻo dai, bền bỉ óng chuốt mồ hôi, chiếc đòn gánh đơn sơ mộc mạc uyển chuyển và linh hoạt biết bao, như sự tháo vát xoay xở tất bật của mẹ trong việc mưu sinh. Chiếc đòn gánh cân bằng bao tâm thế, bao ngã nghiêng, bao xáo trộn để định vị một sự rắn rỏi, một vững chãi, một nghĩa tình sắt son không chao đảo. Với mẹ, chiếc đòn gánh như một vật bất ly thân, là cánh tay nối dài của mẹ khi ngồi trên con đò ngang chòng chành sóng nước để vớt chiếc nón lá đội đầu bỗng nhiên rơi xuống sông. Là bậc cầu mẹ ngồi nghỉ thanh thản giữa chặng đường đi chợ, hai đầu đòn gánh gối lên hai gốc cây, tảng đá ven đường. Cũng có lúc, chiếc đòn gánh như một vũ khí thô sơ tự vệ khi gặp bất trắc. Ôi chiếc đòn gánh của mẹ tôi mà nhà thơ Hữu Thỉnh đã rất tinh tế cảm thông phát hiện: “Mẹ đang đi gánh rạ giữa đồng - Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vị gió”. Gió cuộc đời xô dạt, gió chòng chành chung chiêng. Và mẹ là điểm tựa vững chắc, mẹ đã níu giữ sự thăng bằng để điều chỉnh, để hài hòa, để thuần phác tin cậy.

“Mẹ đang đi gánh rạ giữa đồng - Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vị gió”. (Ảnh: Hai Le Cao)

Chiếc đòn gánh bằng tre của mẹ tôi là cả một công trình chăm chuốt, một sự kiến tạo, một sự chuẩn bị khá kỹ càng mà cha tôi đã chọn lựa, đã gửi gắm bao tâm tình vào đó. Ngay từ khi lựa chọn vật liệu, cha đã cẩn thận tìm những gốc tre già và thẳng, không bị sâu bệnh rồi ngâm dưới nước khoảng 2 tháng trước khi làm đòn gánh. Gốc tre sau khi ngâm được cha pha thành mảnh, vót nhẵn hai bên cạnh và các mắt tre cho bề mặt đòn gánh phẳng phiu đẹp mắt. Tại mỗi đầu của thanh tre sẽ được khắc rãnh sâu, tạo thành cái mấu để làm chỗ treo quang gánh. Vị trí khắc rãnh ở hai đầu đòn gánh phải cân xứng với nhau mới có thể đảm bảo độ cân bằng. Để tăng thêm tính thẩm mỹ và độ bền chắc của chiếc đòn gánh, cha mang hong khô bằng cách phơi nắng hoặc hun khói trên bếp lửa để cho đòn gánh có độ dẻo dai lâu bền. Nếu đòn gánh quá cứng thì người gánh lâu sẽ rất đau vai, mền quá thì sẽ không đỡ được trọng lượng hai đầu và dễ gãy. Chính cái sự dẻo dai, uyển chuyển phát ra tiếng “kẽo cà, kẽo kẹt” rất vui tai như giai điệu của tình yêu lao động, nhún nhảy theo bước đi duyên dáng, mềm mại của người phụ nữ tạo dáng, tạo hình, tạo ra nỗi niềm phơi phới ân tình vượt lên cuộc mưu sinh khó nhọc mà hòa chung vào bước đi đồng hành, đồng lứa.

Trong tôi, bỗng bất chợt vang vọng ngân lên khúc ca da diết với hình tượng người mẹ thân thương gần gũi: “Cho con gánh mẹ một lần - Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con - Cho con gánh mẹ đầu non - Cả lòng mẹ đã gánh con bên trời” trong bài hát “Gánh mẹ”. Ký ức xa xưa bỗng hiện về khiến tôi đau đáu, khắc khoải nghĩ về đức hy sinh thầm lặng của mẹ. Có lẽ trong tâm thức những đứa trẻ sinh ra ở làng, không sao quên được kỷ niệm thuở nhỏ cùng mẹ rong ruổi khắp nơi trên đôi quang gánh nhọc nhằn, từ những con đường làng nơi triền đê lộng gió, đến đồng làng bát ngát cánh cò bay, qua góc chợ rộn ràng bán buôn. Mẹ giống như thân cò lặn lội nơi bờ sông bến nước trong mù mịt mưa trời. Mẹ chưa bao giờ cất lời than vãn kể lể với ai. Mẹ cũng chưa bao giờ đặt mạnh đôi quang gánh xuống đất giận dỗi với ai, mẹ nâng niu cả trong từng bước đi, đôi quang gánh trên vai phập phồng theo nhịp tim bao dung của mẹ.

"Cho con gánh mẹ một lần - Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con..." (Ảnh: IT)

Bằng đôi vai gầy, mẹ gánh cả tuổi thơ con. Tuổi thơ con với ánh mắt nụ cười reo vui rạng rỡ, với tiếng nói ríu rít líu lo tuổi nhỏ đã đối trọng lại với bao lo âu vất vả. Ngày nay, dẫu cuộc sống đã bớt đi phần nào những nhọc nhằn lam lũ, nhiều phương tiện công cụ tiên tiến hiện đại được ứng dụng góp phần “giải phóng sức lao động của đôi vai” thì đâu đó quanh ta, hình ảnh các bà, các mẹ quang gánh bán buôn trong các phiên chợ quê hay gánh hàng rong len lỏi giữa tấp nập phố phường vẫn luôn là biểu tượng đẹp cho cốt cách chịu khó, cần cù góp nhặt của người phụ nữ Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Vân Thiên đã viết những dòng rất cảm động trong bài thơ “Cây đòn gánh”:

“Da xương bào cật tre mòn

Trăm năm mẹ gánh đời con qua đèo

Gánh yêu thương, gánh khổ nghèo

Gánh mơ ước lẫn gieo neo đi về...

Gánh bình minh lội bến quê

Gánh hoàng hôn dọc chân đê bước dồn

Gánh trăng khuya giếng đầu thôn

Gánh than lửa chạy qua cồn cát trưa...

Một đời gánh nắng và mưa

Mòn vai mà mẹ vẫn chưa yên lòng

Một đời gióng đứt đòn cong

Vì ai vai lệch lưng còng? Mẹ ơi!”. 

Hình ảnh các bà, các mẹ quang gánh bán buôn trong các phiên chợ quê hay gánh hàng rong len lỏi giữa tấp nập phố phường vẫn luôn là biểu tượng đẹp cho cốt cách chịu khó, cần cù của người phụ nữ Việt Nam. (Ảnh: Bùi Văn Doanh)

Nghĩ về chiếc đòn gánh trên vai mẹ, tôi lại liên tưởng đến dáng hình mềm mại của đất nước hình chữ S thân yêu của chúng ta mà có nhà thơ đã ví: “Dáng đất nước như nàng tiên múa - Lại hóa thành ngọn lửa lúc cuồng phong”. Đất nước của mẹ Âu Cơ, của những đứa con cùng chung bọc trứng “đồng bào”. Đất nước mà nhà thơ Huy Cận đã đúc kết, đã chiêm nghiệm, đã dựng lên một hình tượng bất diệt: “Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững - Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa - Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng - Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa”. Nhìn lên bản đồ tổ quốc, đất nước Việt Nam giống như chiếc đòn gánh khổng lồ; chiếc đòn gánh là miền Trung gánh hai thúng lúa khổng lồ là đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Miền Trung vững chãi, miền Trung kiên gan, miền Trung hằn lên bao ngấn lụt mà tôi đã từng viết: “Áo tơi chằm lợp nắng mưa - Củ khoai trằn mình trong cát - Li ti hạt xốp bơ phờ”. Một miền Trung nhân ái nhận về mình sự thiệt thòi của thiên nhiên, khắc nghiệt quanh năm chỉ có gió Lào và cát trắng, bạt ngàn những đồi tím hoa sim mộng mơ vượt lên cằn cỗi. Một miền Trung sông thì ngắn và dốc, núi thì lởm chởm răng cưa với cái thế giăng màn. Miền Trung như sự chịu lực của chiếc đòn gánh để nhường cho hai đầu đất nước được đầy ắp trù phú, phù sa màu mỡ; cũng giống như đức hy sinh của mẹ khi gánh đi phần gian lao khó nhọc để mang lại niềm vui, sự ấm no hạnh phúc và tương lai cho những đứa con thơ.

Và tính cách cần mẫn, chịu thương chịu khó, tiết kiệm chắt chiu “thắt lưng buộc bụng” của người miền Trung cũng là phẩm hạnh cao quý, là phẩm chất cốt cách độc đáo ân tình, ân nghĩa nhằm tạo ra một sự cân bằng với tính cách thanh lịch của đồng bằng Bắc bộ và sự phóng khoáng hào sảng của người Nam bộ. Tất cả thống nhất nhằm tạo nên nét hài hòa, trọn vẹn, uyển chuyển trong cái “căn cước văn hóa” đa dạng, phong phú của người Việt, của nền văn minh lúa nước, của trầm tích truyền thống lịch sử, của linh khí bao đời đất đai nước non phong thổ.

(Ảnh: Petrotimes)

Và nhìn ra xa hơn, ta thấy những hoạt động vận chuyển mang tính đi bộ của người Việt được mô tả bằng nhiều từ ngữ rất linh hoạt, ứng dụng sáng tạo và thiết thực như: Cầm, mang, xách, bưng, bê, khiêng, bồng, bế ẵm, ôm, địu, đội, vác, gùi, gánh, gồng… Đòn gánh đã trở thành biểu tượng cho nông thôn Việt Nam, kết hợp hài hòa với hình ảnh của người phụ nữ tạo nên loại hình văn hóa chợ quê rất riêng và độc đáo. Trong tâm linh dân tộc có quan niệm đòn gánh chẵn đốt thì không có lộc buôn, lộc bán. Đòn gánh vênh ngoài sự nghiến vào vai, đau vai còn gặp nhiều chuyện không hay. Cái đòn gánh có đầu vào mặt giữa vai thì gian nan vất vả. Vì thế, khi chọn đòn gánh thường chọn có chiều dài là số lẻ các đốt tre là 7 đốt hoặc 9 đốt. Theo quan niệm dân gian, số lẻ bao giờ cũng có chiều hướng phát triển và đem lại may mắn trọn vẹn. 

Tháng ba, vườn nhà hoa bưởi thơm, thơm lên mái tóc của mẹ. Hoa bưởi trắng tinh khiết, hoa bưởi giấu hương vào đêm, hoa bưởi giấu đêm vào tóc. Tháng ba là tháng của mẹ vừa mới qua giêng hai, đang mùa giáp hạt, các bồ thóc đã vơi đi nhiều như nhà thơ Hữu Thỉnh đã từng thon thót: “Nhìn trong nhà rộng rãi đến là lo”. Tháng ba mẹ gánh, gánh bao âu lo, gánh bao trăn trở. Tháng ba mẹ gánh, gánh bao niềm vui cởi mở còn ắp đầy dư âm hương vị, hương quê của Tết Nguyên đán. Tháng ba mẹ gánh, gánh bao dự cảm hướng về một tương lai, mênh mang cánh đồng đang chờ mùa gặt sắp tới như nhà thơ Hàn Mặc Tử trong “Mùa xuân chín” với bao hoài niệm, hoài nhớ, hoài cảm: “Chị ấy năm nay còn gánh thóc - Dọc bờ sông vắng, nắng chang chang”. Và cây tre của làng quê Việt Nam khi dựng lên ken chặt vào nhau thành chiến lũy, thành biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết dân tộc. Cũng tre ấy, khi ngã xuống xả mình làm đòn gánh lại là hình ảnh biểu tượng cho ý chí dẻo dai của mỗi cá thể, của mẹ - Mẹ ơi! 

Hà Tĩnh, tháng 03 năm 2023

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top