Aa

Mức "giá" cao nhất của cao tốc Bắc - Nam là 3.400 đồng/xe con/km

Thứ Sáu, 19/10/2018 - 01:00

Theo báo cáo của Chính phủ mới gửi Quốc hội về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 thì mức "giá" cao nhất vẫn là 3.400 đồng/xe con/km.

Chính phủ gửi báo cáo đến Quốc hội về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Chính phủ gửi báo cáo đến Quốc hội về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư cuối năm 2017. Nội dung chủ yếu: giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư 654km đường bộ cao tốc trên các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế), đoạn Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và Cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).

Tổng mức đầu tư của dự án là 118.716 tỷ đồng, trong đó gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước đầu tư tham gia thực hiện dự án; 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Phương án triển khai chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Cập nhật trong bước nghiên cứu khả thi, Chính phủ cho biết đã có một số điều chỉnh nhỏ.

Cụ thể, sau khi điều chỉnh, chiều dài toàn tuyến tăng thêm 3km, từ 654 lên 657km. Còn tổng mức đầu tư được điều chỉnh giảm gần 14.000 tỷ đồng so với bước tiền khả thi, còn 105.046 tỷ đồng (trước đó là 118.716 tỷ đồng). Tổng vốn nhà nước đầu tư vào dự án cũng giảm hơn 4.000 tỷ đồng, xuống còn 50.943 tỷ đồng so với dự kiến 55.000 tỷ đồng ban đầu. Vốn của nhà đầu tư cũng giảm từ 63.716 tỷ đồng xuống còn 54.103 tỷ đồng.

Theo lý giải, việc giảm được gần 14.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư là do giảm chi phí dự phòng, thay đổi mức lãi suất vốn vay... so với bước nghiên cứu tiền khả thi.

Về giá dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án (báo cáo của Chính phủ không dùng chữ phí mà vẫn dùng chữ giá), Chính phủ khẳng định đã nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán lựa chọn mức giá phù hợp cho giai đoạn khởi điểm cũng như các thời kỳ trong cả vòng đời dự án, phù hợp với khả năng chi trả của người dân, bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của nhà đầu tư và lợi ích của Nhà nước. Mức giá này đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2017. Theo đó, giai đoạn 2021- 2023 giá sẽ là 1.500 đồng/xe con/km, mỗi 2 năm sẽ tăng 200 đồng/xe/km cho đến giai đoạn 2030 – 2032; sau đó sẽ tăng 300 đồng/xe/km mỗi 2 năm, lên mức 2.400 đồng/xe/km vào giai đoạn 2033 – 2035; đến 2042- 2044, mức giá sẽ là 3.400 đồng/xe con/km.

Một nội dung đáng chú ý khác được nêu tại báo cáo là đối với các dự án đầu tư theo hình thức BOT, rút kinh nghiệm về những hạn chế, bất cập được chỉ ra sau giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các cơ chế triển khai dự án như đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư, trường hợp kết quả sơ tuyển chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển phải báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Công việc mà cơ quan chức năng phải làm còn là triển khai lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình làm cơ sở xác định tổng vốn đầu tư và phương án tài chính trong hồ sơ mời thầu đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để kiểm soát chặt chẽ hơn chi phí đầu tư.

Việc nữa là bổ sung vào dự thảo hợp đồng dự án trong hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư quy định "nhà đầu tư vi phạm hợp đồng trong trường hợp sau 6 tháng không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực".

Mức vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP được nâng lên 20% (trước đây từ 10 - 12% - PV) để bảo đảm lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án... Chính phủ thông tin.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top