Hồi nhỏ, dù nhà nghèo đến mấy, quanh năm ăn độn khoai khô thì sáng mồng một Tết, thế nào chị em tôi cũng được u mừng tuổi cho mỗi đứa đồng một hào tươi rói.
Rồi suốt buổi sáng mồng một, tôi không dám chạy ra gốc đu đầu xóm mà chỉ quanh quẩn ngoài ngõ chờ u gọi lên chúc tết ông ngoại. Gọi là lên ông ngoại vì bà ngoại tôi mất từ hồi nảo hồi nào, từ cái thủa mẹ tôi cũng chỉ mới bắt đầu biết quay xa, bện rút.
Tôi hong hóng chờ lên nhà ông ngoại vì biết chắc thế nào ông cũng mừng tuổi tờ hai hào màu xanh mới cứng. Thực ra đồng hai hào ấy, ông mừng tuổi cả hai chị em nhưng bao giờ tôi cũng đành hanh giữ dịt lấy, nếu chị đòi chia là tôi lăn ra ăn vạ. Cuối cùng thế nào chị cũng nhường cả cho tôi nhưng bao giờ cũng phải dí ngón tay trỏ vào trán tôi một cái: “Thôi xí cho mày”. Chỉ chờ có thế là tôi chạy vù đi đổi lấy tiền xu rồi tìm đến những ngõ nhỏ hoặc bãi đất cạnh gốc đu; ở đấy, bọn trẻ con trạc tuổi tôi đang quây quần đánh đáo ăn tiền.
Tôi biết, sẽ chẳng còn ai mừng tuổi cho tôi nữa. Thầy tôi đi làm xa, nhà tôi lại nghèo, u tôi làm gì có tiền, dù chỉ là đồng năm xu, hai xu mừng tuổi cho những đứa trẻ khác để bố mẹ chúng mừng tuổi lại cho tôi. Thảng hoặc có năm, bỗng có ông chú bà bác đã đến đời thứ mấy nào đó tha hương, nay làm ăn được ngày Tết trở về quê mừng tuổi cho đồng năm xu.
Đối với tôi, thế là đã đủ lắm, đã tết lắm rồi.
Bọn trẻ chúng tôi chỉ còn biết mê mệt quanh đám đánh đáo xu. Mà trong cái chuyện cờ bạc này, tôi vốn là đứa khờ khạo nhất nên bao giờ cũng sạch túi. Có năm cùng lắm là còn sót lại dăm xu, tôi tiu nghỉu đi mua ít pháo tép hoặc nắm táo còi chua loét, tôi chia cho chị một nửa, bao giờ chị cũng tiếc tiền, cốc cho tôi một cái vào đầu rồi hai chị em ngồi xuống chân đống rơm, vừa ăn táo vừa mơ đến Tết sang năm để lại được mừng tuổi.
Tuổi thơ gian khó của tôi được tính bằng những cái Tết với sự mong chờ háo hức nhận những đồng tiền mừng tuổi mới tinh khôi.
Thời gian như thoi đưa, thấm thoắt tự lúc nào, tôi đã trở thành người lớn để lại mừng tuổi cho con mỗi sáng mồng một Tết như ngày xưa u đã mừng tuổi cho chị em tôi. Và, trong suốt dịp đầu năm đi chúc Tết anh em, bạn bè, ai chả dành trong túi những đồng tiền thơm thảo để mừng tuổi con trẻ.
Vẫn như ngày xửa ngày xưa và từ bao đời nay, cái tục mừng tuổi ấy là một nét không thể thiếu, thậm chí nó còn là nét đặc trưng của ngày Tết. Cho dù bây giờ, cuộc sống đã khấm khá hơn, nhiều gia đình đã trở nên giàu có thì những đứa trẻ như tôi ngày xưa vẫn mong ngóng chờ đến ngày Tết để được nhận những đồng tiền mừng tuổi với một niềm vui khó tả hết.
Mấy năm nay, người ta còn bán những cái bao nho nhỏ xinh xinh màu đỏ, nghe nói nhập từ Trung Quốc, để đựng tiền mừng tuổi. Chẳng phải là phú quý sinh lễ nghĩa, mà tôi thấy những cái phong bao nho nhỏ ấy bỗng làm cho tục mừng tuổi có nét đẹp hơn, trở nên văn hoá hơn. Người ta không phải ngại ngùng đưa đồng tiền trực diện cho trẻ; người ta cũng bớt đi sự áy náy ngượng ngùng khi hoàn cảnh còn khó khăn, trong những chiếc bao ấy chỉ có những đồng tiền nhỏ.
Thì bạn ơi, có hề chi, hãy nhìn vào ánh mắt đứa trẻ đang long lanh đón nhận hạnh phúc từ tấm lòng thơm thảo mà người lớn trao cho nó.
Những lúc ấy, lòng tôi bỗng nao nao tiếc nuối niềm hạnh phúc vô bờ không bao giờ trở lại nữa khi nhận đồng một hào tươi rói u tôi mừng tuổi mỗi sớm mồng một Tết. Nhưng mãi đến bây giờ, tôi mới chợt phát hiện ra điều này, cho dù tôi đánh đáo thua hết tiền thì cũng không bao giờ u mắng tôi. Có lẽ thấy chúng tôi vui, u còn vui hơn cả chị em tôi./.