Aa

Muốn hút đầu tư khu công nghiệp phải có khu nhà ở liền kề

Thứ Tư, 22/05/2019 - 06:01

Hiện nay, tại TP.HCM và nhiều tỉnh lân cận, nhiều khu công nghiệp bỏ không hàng chục năm, không thể triển khai vì không có nhà ở cho người lao động.

Từ thực trạng đó, nhiều đại biểu tại Hội thảo Nhà ở cho công nhân tại khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - KCN), do Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức ngày 21/5, cho rằng cần thiết phải có quỹ đất để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở liền kề KCX - KCN.

Nhiều khu công nghiệp bỏ không hàng chục năm, không thể triển khai vì không có nhà ở cho người lao động

Nhiều khu công nghiệp bỏ không hàng chục năm, không thể triển khai vì không có nhà ở cho người lao động

Doanh nghiệp đến rồi đi do không có lao động

Hiện nay, tại TP.HCM cũng như nhiều tỉnh thành khác đang có nhiều KCX - KCN hoạt động. Tuy nhiên, công nhân, người lao động và các chuyên gia làm việc tại các KCX - KCN rất khó để kiếm chỗ ở phù hợp và đạt chất lượng. Do vậy, người lao động phải ở trong những điều kiện sống không đảm bảo, thậm chí phải đi một quãng đường rất xa mới đến được nơi làm việc.

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM nêu một ví dụ tại Công ty Pouyen (quận Bình Tân), có tới 70.000 lao động nhưng không có bất cứ khu nhà ở nào được đầu tư. Do vậy, mỗi ngày, Công ty này đã có hàng trăm xe đưa đón công nhân tận nhà. “Nhiều công nhân đã phải đi từ 3 giờ sáng và tối khuya mới về đến nhà. Nhiều khi cả ngày không có thời gian để gặp con cái. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người lao động”, ông Tâm nói.

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM

Nằm giáp ranh với TP.HCM, tỉnh Long An cũng rơi vào tình trạng tương tự, có các KCN nhưng có rất ít khu nhà ở phục vụ cho công nhân, chuyên gia và người lao động.

Theo ông Trần Đức Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Trần Anh Long An, một đơn vị đầu tư nhà ở tại KCN, sau quá trình đầu tư ở Long An khoảng 5 năm thì ông phát hiện rất nhiều KCN bỏ hoang vì không gắn liền với khu dân cư.

“Một KCN mà không có nhà ở thì rất khó kéo các doanh nghiệp về đầu tư, xây dựng nhà máy. Vì không có nhà ở thì không có người về làm. Như KCN Đức Hoà 3 (Long An) rộng 1.800ha nhưng không quy hoạch khu dân cư hoặc khu nhà ở nào cho công nhân, người lao động hay chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại các nhà máy nên mấy năm nay gần như không thu hút được đầu tư”, ông Vinh nói.

Ông Trần Đức Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Trần Anh Long An

Ông Trần Đức Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Trần Anh Long An

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tình, nguyên Trưởng phòng Đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An cho biết, trên địa bàn tỉnh Long An có tới 31 KCN và một khu kinh tế. Tuy nhiên, hiện có bốn nhà lưu trú công nhân, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 6.000 lao động. Ông Tình cũng nêu thêm thực trạng, nhiều KCN được quy hoạch từ 13 - 14 năm nay nhưng không thu hút được nhà đầu tư do không dành quỹ đất để đầu tư khu nhà ở cho người lao động.

Cần phải có khu dân cư để kéo lao động tới

Tại hội thảo, ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý Lao động, Ban quản lý các KCX - KCN TP.HCM nhận định, nhu cầu về nhà ở cho lao động tại các KCX - KCN là rất lớn. Thời gian qua, TP.HCM cũng đã đầu tư chỗ ở cho công nhân nhưng đến nay con số này mới chỉ đáp ứng được nhu cầu rất nhỏ. Ông Khanh cho rằng, do thiếu quỹ đất làm nhà ở cho lao động trong KCX - KCN nên hiện nay tại TP.HCM có ba nguồn để thực hiện nhà ở cho người lao động trong KCX - KCN: Một là từ chủ sử dụng lao động; hai là do các công ty đầu tư hạ tầng; ba là từ các doanh nghiệp tư nhân. Cùng với đó là một lượng rất lớn các hộ gia đình đầu tư nhà trọ để cho công nhân thuê ở.

Ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý Lao động, Ban quản lý các KCN - KCX TP.HCM

Ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý Lao động, Ban quản lý các KCN - KCX TP.HCM

Theo ông Trần Quốc Đạt, Phó Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện TP.HCM có khoảng 285.000 công nhân đang làm việc tại 17 KCX - KCN, nhưng nếu tính tại các cụm công nghiệp nhỏ lẻ bên ngoài với số lượng 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động thì số lượng người lao động còn lớn hơn, có thể lên đến 380.000 lao động. Tuy nhiên, trong số 285.000 người lao động đang làm việc tại các KCX - KCN thì đến nay Thành phố mới chỉ đáp ứng cho khoảng 15.000 người. Do đó, phần lớn, các công nhân đều thuê phòng trọ để giải quyết chỗ ở. Các khu nhà trọ đều chưa đảm bảo điều kiện sinh sống cơ bản cho công nhân.

Ông Trần Quốc Đạt, Phó Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng TP.HCM

Ông Trần Quốc Đạt, Phó Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng TP.HCM

Ông Đạt cho hay, tại TP.HCM trong các đồ án quy hoạch KCN, KCX đều bắt buộc có quy hoạch khu dân cư phục vụ cho công nhân, chuyên gia nhưng quỹ đất eo hẹp nên rất khó. “Hiện chúng tôi đang xin UBND Thành phố thu hồi quỹ đất do nhà nước sử dụng không hiệu quả để lựa chọn nhà đầu tư làm nhà lưu trú cho công nhân”, ông Đạt nói.

Trước đó, Sở Xây dựng cũng đã rà soát một số quỹ đất công tại Linh Trung, Thủ Đức và huyện Nhà Bè. Tuy nhiên, để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp hiện cũng gặp phải không ít vướng mắc.

Ông Nguyễn Văn Tình, nguyên Trưởng phòng Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Long An

Ông Nguyễn Văn Tình, nguyên Trưởng phòng Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Long An

Tại Long An, ông Nguyễn Văn Tình cho biết, trước nhu cầu nhà ở bức thiết, mới đây, Long An đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép điều chỉnh một phần diện tích (khoảng 5 - 10%) đất KCN để làm khu dân cư phục vụ nhu cầu ở cho người lao động.

Ông Tình cho hay, Luật Đất đai 2003 và 2013 đều ghi rõ, trong KCN cũng phải nghiên cứu làm nhà ở cho người lao động và không nằm trong ranh KCN. Hoặc tại Nghị định 82/2018 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, đều xác định, khi quy hoạch KCN phải đồng thời với khu nhà ở công nhân, chuyên gia, các khu nhà ở gần kề để phục vụ phát triển KCN. “Nhà ở phục vụ công nhân, chuyên gia, người lao động là phải có, không thể nào chỉ KCN đi đơn độc”, ông Tình nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top