Aa

Mỹ quan đô thị nhìn từ những cửa hàng bánh Trung thu trên vỉa hè

Thứ Hai, 14/09/2020 - 07:50

Những quầy bánh Trung thu dựng trên vỉa hè có thể mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng nhưng liệu nó có phá hỏng mỹ quan đô thị hiện nay?

Đẹp đấy, không khí đấy… nhưng mà lộn xộn

Vẫn chưa vào tháng 8 âm lịch nhưng dễ thấy vỉa hè trên các con phố đã mọc lên nhiều ki-ốt bán bánh Trung thu. Các ki-ốt này được trang hoàng vô cùng rực rỡ và bắt mắt. Có những gian hàng còn ngang nhiên đè cả vạnh ranh giới giữa hành lang đường và phần đường đi bộ. Hậu quả người đi bộ lúc đi trên hè, lúc đi dưới lòng đường với bao nguy hiểm rình rập.

Có một điều không thể phủ nhận là những cửa hàng bánh Trung thu trên vỉa hè tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm. Quầy bánh Trung thu trên vỉa hè không hề bị cho là kém sang như các món đồ khác mà vẫn đảm bảo được tiêu chí nhanh gọn, đơn giản lại chuẩn chất lượng hàng thật từ các nhãn hàng. Vào tận hãng để chọn mua bánh thì phức tạp và rắc rối, vào cửa hàng bánh kẹo hoặc quán tạp hóa mua thì khác nào đánh đố với hàng tá các loại bánh kẹo chất đống trên kệ. Thậm chí, ngay cả việc mua online – một phương thức được cho là tiện lợi nhất thì vẫn không thể đơn giản hơn mua bánh Trung thu ở các ki-ốt trên vỉa hè. 

Nhiều cửa hàng bánh Trung thu di động mọc lên trên vỉa hè các tuyến phố

Chị Thanh Tâm - một khách hàng mua bánh ở Ki-ốt bánh Trung thu dựng trước tòa nhà Sunrise Building, số 90 Trần Thái Tông cho hay: “Đi làm về chợt thấy người ta bán bánh Trung thu ở đây (Quang Trung - Hà Đông). Tôi tiện đường rẽ vào mua mấy hộp về đi biếu. Mua ở đây cũng yên tâm không phải lo hàng giả hàng nhái mà lại còn tiết kiệm được thời gian. Chứ giờ biết mua ở đâu cho đảm bảo, chả nhẽ lại chạy vào tận nhà máy của người ta!”.

Tuy nhiên, đối với chị Thanh Mai (Thanh Xuân) thì lại có quan điểm khác: “Nhìn các cửa hàng bánh Trung thu trên vỉa hè thì đẹp mắt đấy, nhưng mà đặt trên vỉa hè như vậy cũng mất mỹ quan đô thị. Tôi thấy nhiều khách hàng không có ý thức còn dựng xe ở lòng đường để vào mua. Lắm hôm tan sở đi qua cửa hàng bánh Trung thu, xe dựng tắc cả đường. Không chỉ ảnh hưởng đến giao thông mà còn có thể làm mồi cho các đối tượng xấu thực hiện hành vi trộm cắp”.

Còn anh Tâm – một chủ cửa hàng điện thoại trên đường Láng thì lắc đầu ngán ngẩm với tình trạng này vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của anh: “Người ta dựng ngay trên vỉa hè, trước cửa hàng nhà tôi, thành ra bị lấp hết rồi còn khách nào vào mua điện thoại nữa. Bình thường người ta buôn thúng bán mẹt ngồi một tí bán quả trứng vịt lộn vào buổi chiều thì bị đuổi ngay không hiểu sao những cửa hàng này có thể làm vậy được.”

Về vấn đề này, đại diện Sở GTVT Hà Nội trả lời trên Tạp chí Giao thông, Sở không cấp phép cho những tiệm bánh Trung thu trên vỉa hè mà phân cấp lại và giao trách nhiệm cấp phép, kiểm tra xử lý các cửa hàng bánh Trung thu cho các quận/huyện địa phương theo Quyết định 41/2016/QĐ-UBND. Cụ thể, theo phân cấp của TP, Sở chỉ quản lý 88 tuyến phố, các tuyến còn lại thuộc quyền quản lý của chính quyền quận, huyện sở tại. Đối với các tuyến phố được cấp phép đều có vỉa hè rộng, bảo đảm an toàn cho người đi bộ.

Những ki-ốt bánh Trung thu ảnh hưởng đến trật tự giao thông công cộng

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân và báo chí, Sở cũng sẽ chỉ đạo thanh tra xử lý nghiêm những quầy bán bánh dựng trái phép đó. “Chúng ta cứ nghĩ đơn giản cấp phép quầy bánh Trung thu chỉ trên một phần vỉa hè không ảnh hưởng. Tuy nhiên, hiện nay đi khảo sát trong giờ cao điểm chúng tôi thấy các quầy bánh mọc lên vỉa hè, người dân vào mua thường để xe chiếm hết vỉa hè, thậm chí nhiều tuyến phố vỉa hè nhỏ ô tô dừng dưới lòng đường để mua điều này không chỉ gây ùn tắc, còn mất ATGT do lưu lượng tham gia giao thông giờ cao điểm trong nội đô vốn rất lớn", đại diện Sở cho biết.

Sở Công thương cũng đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội không chấp thuận bố trí cho các doanh nghiệp được trưng bày và bán hàng trên vỉa hè. Thế nhưng, đến ngày 11/9, theo khảo sát của PV thì vỉa hè các tuyến phố vẫn nhan nhản những quầy bánh Trung thu sặc sỡ.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Nói về những quầy bánh Trung thu dựng trên vỉa hè, luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc này thuộc quyền quản lý của UBND xã phường. Muốn được cho phép dựng các ki-ốt, nhãn hàng phải ký hợp đồng với UBND xã phường, không thể tự ý mà dựng lên được.

Luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, ký hợp đồng với xã phường thì mới được buôn bán trên vỉa hè

“Việc sử dụng lòng đường, lề đường hay vỉa hè làm nơi buôn bán, kinh doanh là hành vi nghiêm cấm. Theo quy định tại Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008: Lòng đường và vỉa hè chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Trong một số trường hợp cho phép tổ chức một số hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác phải do UBND xã phường quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

Đặc biệt, nghiêm cấm các hành vi họp chợ, mua, bán hàng hóa trên lòng đường, lề đường hay vỉa hè đường bộ. Nếu như các ki-ốt tự ý dựng lên thì coi như vi phạm về an toàn giao thông vỉa hè đường phố. Các trường hợp này buộc phải dỡ bỏ và xử phạt hành chính theo quy định về lấn chiếm vỉa hè hay lòng đường. Mức phạt tương tự các gian hàng lấn chiếm lòng đường trên vỉa hè.

Thậm chí, nếu các gian hàng tạm dựng được cấp phép thì cũng phải tuân thủ quy định thời gian được dựng trên vỉa hè đó trong bao nhiêu ngày”.

Một vấn đề khác ngoài an toàn giao thông là mỹ quan đô thị. Cách đây không lâu, Hà Nội có chiến dịch “dẹp loạn” trả lại bình yên cho vỉa hè. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian thì vỉa hè lại bắt đầu nhộn nhịp đông đúc, nhất là vào mùa Trung thu.

Những ki-ốt bánh Trung thu được dựng lên ở sân chung cư

Anh Đăng ở một chung cư cao cấp tại Cầu Giấy cũng có thắc mắc, đến gần dịp Trung thu lại thấy dưới sân chung cư xuất hiện các quầy hàng bánh Trung thu, nhộn nhịp mua bán như hội chợ rất mất mỹ quan. Chưa kể đến các cửa hàng, quán cà phê dưới sảnh chung cư bị khuất lấp bởi những ki-ốt này đặt chình ình kém duyên.  

Với những quầy bánh Trung thu ở chung cư như trên, Luật sư Ứng cho rằng: "Phải được sự cho phép của BQL tòa nhà chứ không phải xin phép phường nữa. Tuy nhiên, nếu cư dân không đồng ý thì phải kêu lên BQL chung cư, để BQL chung cư có ý kiến với CĐT, sau đó CĐT làm việc với phường xã. Chứ không phải cứ nghĩ thuộc quyền quản lý của chung cư rồi thì tự tung tự tác được, bởi vì cư dân nào cũng là công dân của tổ dân phố"

Các đơn vị kinh doanh bánh Trung thu nên có cửa hàng, không thể lấy vỉa hè rồi dựng tạm các quầy hàng lên như vậy, rất mất mỹ quan đô thị mà ảnh hưởng đến người đi bộ.

Điều 12 Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng”; và cao nhất là: "Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các tổ chức thực hiện xây dựng trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ".


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top