Không lạc quan như những nhận định của các chuyên gia về số vốn FDI đổ vào lĩnh vực nhà đất Việt Nam, lĩnh vực kinh doanh BĐS dường như đang có dấu hiệu kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoại khi dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài không còn “chảy xiết” như năm ngoái, theo Vietnanet Bridge.
Dẫn số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn đăng ký mới và mở rộng nguồn vốn trong ngành BĐS Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2015.
Mặc dù chính phủ đã phê duyệt cấp phép cho 2.061 dự án đăng ký mới FDI và 967 dự án mở rộng nguồn vốn này với tổng giá trị tương ứng lần lượt là 12,26 tỷ USD và 5,35 tỷ USD, tuy nhiên những con số này chỉ chiếm khoảng 98,7% và 77,9% so với số liệu thống kê năm ngoái.
Không riêng gì BĐS, các khu vực khác của nền kinh tế cũng đang nhìn thấy sự “yếu ớt” của dòng vốn FDI. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 10 năm nay, tổng số vốn FDI đăng ký mới và mở rộng tại trên tất cả các lĩnh vực là vào khoảng 16,43 tỷ USD, đây là con số được đánh giá là khá khiêm tốn khi chỉ chiếm 91,3% lượng vốn FDI đã thực hiện trong năm 2015.
BĐS vẫn bị lu mờ về khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài so với khu vực sản xuất và chế biến. Theo số liệu thống kê, tính từ đầu năm đến nay, dòng vốn FDI chảy vào khu vực sản xuất và chế biến chiếm tới 72,9% toàn lượng vốn FDI tại Việt Nam với 842 dự án đăng ký mới và 691 dự án mở rộng, tổng giá trị lên đến 12,84 tỷ USD. Còn khu vực BĐS, với chỉ 42 dự án, giá trị ước tính 982,59 triệu USD, đang cho thấy một sự ảm đạm và không mấy triển vọng về các dòng vốn nước ngoài.
Trong số 65 quốc gia “bơm” vốn vào nền kinh tế Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản được coi là những quốc gia có lượng vốn đổ vào nhiều nhất với tổng số vốn lần lượt là 5,62 tỷ USD và 1,92 tỷ USD.