Đúng như dự báo trong báo cáo tháng 11, giá trị nhập khẩu tháng 12 tiếp tục tăng 2.55% theo tháng. Trong khi xuất khẩu giảm 1.68% khiến nhập siêu xuất hiện trở lại nhưng với giá trị nhỏ 233 triệu USD.
Đây là giá trị nhập siêu thấp nhất trong 5 tháng có nhập siêu của năm 2017. Xuất khẩu điện thoại và sản phẩm điện tử cùng giảm là nguyên nhân của nhập siêu trong tháng 12. Tuy vậy nhập khẩu linh kiện điện thoại đã tăng trở lại, hứa hẹn xuất khẩu điện thoại sẽ khả quan hơn trong những tháng đầu năm 2018, từ đó kéo lại xuất siêu.
Tính chung cả năm 2017, tổng xuất khẩu của Việt nam đạt 214 tỷ USD, tăng 21.37% theo năm. Trong đó, khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu 61.9 tỷ USD, tăng 17.6% theo năm và khối FDI xuất khẩu 152 tỷ USD, tăng 22.9% theo năm.
Tổng giá trị nhập khẩu là 211 tỷ USD, tăng 21% theo năm trong đó khối trong nước nhập khẩu 81.7 tỷ USD, tăng 13% theo năm và khối FDI nhập khẩu 129 tỷ USD, tăng 26.6% theo năm. Kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm tăng 21% lên 425 tỷ USD, trong đó khối FDI tăng 25% và khối trong nước tăng 15% cho thấy tầm quan trọng của khối FDI trong thúc đẩy thương mại và kinh tế Việt nam.
Xuất khẩu điện thoại năm 2017 đạt 45.2 tỷ USD, tăng 32% theo năm và xuất khẩu sản phẩm điện tử đạt 25.9 tỷ USD, tăng 37% theo năm. Hai mặt hàng điện thoại và điện tử chiếm tới 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu và đều mang dấu ấn đậm nét của khối FDI.
Nhập khẩu linh kiện điện thoại và linh kiện điện tử trong năm 2017 cũng chiếm tới 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu. Nên đằng sau con số ấn tượng 425 tỷ tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 không gì khác ngoài sản phẩm điện tử và điện thoại của khối FDI.
Nếu không tính 2 sản phẩm này, xuất khẩu chỉ đạt 143 tỷ USD, tăng 12% theo năm và nhập khẩu là 157 tỷ USD, tăng 16%. Việc thu hút FDI đã mang lại thành công cho tăng trưởng kinh tế nhưng cũng có thể thấy tỷ trọng quá lớn của điện thoại và điện tử đang tiềm ẩn những rủi ro nhất định.
Điều này đặt ra nhu cầu cần phải nhân rộng mô hình thu hút FDI như đã thực hiện với Samsung để nhanh chóng đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, từ đó tạo sự ổn định và bền vững hơn cho tăng trưởng kinh tế. Nhờ xuất khẩu khởi sắc nửa cuối năm mà cả năm 2017 xuất siêu đạt 2.91 tỷ USD.
Nước tạo xuất siêu nhiều nhất cho Việt nam là Mỹ với giá trị xuất siêu 32.6 tỷ USD, tăng 9% theo năm, đứng thứ 2 là Hà Lan, 6.4 tỷ USD, tăng 21%.
Về phía nhập siêu, Hàn Quốc đứng đầu với 32 tỷ USD, tăng 55% theo năm do nhiều linh kiện và máy móc phải nhập khẩu từ Hàn Quốc. Đứng thứ 2 là Trung Quốc, 23 tỷ USD, giảm 18% theo năm.
Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh 62% (năm 2016 là 29%) đã giúp co hẹp nhập siêu. Những mặt hàng tạo đột biến xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn là điện thoại và điện tử với tăng trưởng xuất khẩu lên tới 793% và 72%.
Xuất khẩu điện thoại sang Trung Quốc năm 2017 đạt 7.1 tỷ USD, chiếm gần 1/6 tổng xuất khẩu điện thoại của Việt nam, một tỷ lệ khá tương đồng với tỷ lệ dân số Trung Quốc. Ngược lại, quốc gia đông dân khác là Ấn độ chỉ nhập 545 triệu USD điện thoại và tổng giá trị xuất khẩu sang Ấn độ năm 2017 chỉ là 3.7 tỷ USD.
Theo đánh giá của SSI Research, trong khu vực ASEAN, hầu hết các nước đều xuất siêu sang Việt nam với tổng xuất siêu 7 tỷ USD trong đó Thái lan xuất siêu 5.1 tỷ USD. Nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Thái lan có giá trị lớn như xăng dầu, máy móc, điện gia dụng, rau quả, ô tô nguyên chiếc, trong đó Rau quả tăng mạnh 156% so với năm 2016 lên 857 triệu USD.
Ngược lại, xuất khẩu Rau quả của Việt nam sang Thailand chỉ là 36.5 triệu USD, giảm 9.6%. Việc gia nhập hiệp định thương mại tự do trong khối ASEAN đang tạo bất lợi cho hàng hóa Việt nam bởi sản phẩm của các nước phát triển hơn trong khu vực như Singapore, Thailand, Malaysia, Indonesia có tính cạnh tranh cao hơn trong khi Việt nam đã không tận dụng được lợi thế dân số đông để đàm phán, nhất là với các nước nhỏ.
Việt nam chỉ duy trì được xuất siêu sang các nước có trình độ phát triển thấp là Cambodia, Lào hay Philippines. Với Philippines, ngoài điện thoại và máy móc, các sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao là sắt thép, xi măng và gạo.