Báo cáo JLL chỉ ra rằng, sự tăng trưởng mạnh mẽ này có được nhờ định hướng của Việt Nam trong việc: xây dựng kinh tế tập trung vào xuất khẩu, thành lập các KCN và khu kinh tế trọng điểm, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp.
Theo báo cáo này, 25 tỉnh thành của miền Bắc, có tổng diện tích đất 18.900ha, diện tích nhà xưởng lên tới 2,7 triệu m2, giá thuê trung bình 4,1 USD/m2/tháng, tỷ lệ lấp đầy khoảng 82%. Đa phần các KCN hoạt động được phát triển bởi các tập đoàn trong nước. Tại khu vực này tập trung các KCN lớn tầm cỡ, thu hút nhiều dự án FDI lớn, như: KCN Thăng Long, KCN Sài Đồng, KCN Đại An, KCN Quế Võ, KCN Nomura, KCN Đình Vũ... Các ngành công nghiệp chủ chốt: sản xuất xi măng (Hải Dương, Hải Phòng), đóng tàu (Hải Phòng và Quảng Ninh), ô tô, xe máy (Vĩnh Phúc, Hải Dương), điện tử, chế tạo máy, ô tô (Hưng Yên, Bắc Ninh)...
Ngoài ra, dẫn đầu vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh có lợi thế công nghệ cao tiên tiến hơn. Khu vực này cũng đã phát triển đáng kể trong vòng 5 - 10 năm qua và ngày càng trở nên hiện đại hơn.
Cũng theo báo cáo này, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh/thành, phần lớn các KCN đang hoạt động trong khu vực miền Trung được phát triển bởi các tập đoàn trong nước, một số KCN ở Huế và Quảng Ngãi được phát triển bởi Ban Quản lý KCN của tỉnh. Các ngành công nghiệp trọng điểm trong khu vực chủ yếu tập trung vào nhóm ngành công nghiệp nhẹ như công nghiệp chế biến thực phẩm. Tổng diện tích đất phát triển 17.600ha với tổng diện tích nhà xưởng 229.500m2, giá thuê bình quân 2,9 USD/m2/tháng.
Tại vùng kinh tế trọng điểm miền Nam gồm 8 tỉnh/thành. Tổng diện tích KCN tại đây 44.700ha với diện tích nhà xưởng lên tới hơn 3 triệu m2, giá thuê trung bình 3,1 USD/m2/tháng. Đây là nơi tập trung số lượng các KCN lớn và thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất của cả nước. Tại đây có Khu công nghệ cao, 2 khu chế xuất Tân Thuận và Linh Trung, Công viên phần mềm Quang Trung và hàng chục KCN thu hút khác như: Biên Hòa, Nhơn Trạch, Loteco, Amata (Đồng Nai), Sóng Thần, Việt Nam - Singapore, Việt Hương, Nam Tân Uyên, Mỹ Phước, Đồng An (Bình Dương), Tân Tạo, Vĩnh Lộc, Tân Bình (TP.Hồ Chí Minh)...
Các ngành công nghiệp quan trọng nhất của Vùng gồm: Dầu khí, dày da, dệt may, điện tử, cơ khí, hóa chất, phân bón, cán thép... Ngoài ra còn có một số KCN tập trung ở Long An (Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ Thừa, Đức Hòa và Tân An) Mỹ Tho (Tiền Giang Bao gồm)Khu Công nghiệp Mỹ Tho (79.14 ha), KCN Tân Hương (197 ha), KCN Long Giang (600 ha), KCN Dịch vụ Dầu Khí (1000 ha), Cụm Trung An (17 ha), Cụm Tân Mỹ Chánh (23,57 ha).
Nhìn chung, khu vực phía Nam tập trung xung quanh TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, được coi là khu kinh tế sôi động nhất toàn quốc. Với lợi thế trung tâm phát triển công nghiệp đầu tiên, miền Nam luôn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng, cũng như sự hấp dẫn của thị trường này đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.