Tỷ giá trung tâm liên tục được NHNN điều chỉnh tăng kể từ đầu tháng 12 đến nay, tuy nhiên mức tăng mỗi lần là khá nhẹ. Đơn cử ngày 26/12/2018, tỷ giá trung tâm đã được tăng thêm 5 đồng lên 22.795 đồng/USD.
So với thời điểm cuối tháng 11, tỷ giá trung tâm đã tăng 45 đồng. Trong khi đó, đồng USD trên thị trường thế giới lại có xu hướng giảm nhẹ. Trong phiên giao dịch ngày 26/12, chỉ số USD so với giỏ 6 đồng tiền chủ chốt xoay quanh 96,60 điểm, thấp hơn 0,7% so với thời điểm cuối tháng 11.
Nếu nhìn trong ngắn hạn, không ít người có thể thắc mắc về sự chuyển động trái chiều này. Tuy nhiên nếu nhìn vào diễn biến tỷ giá và thị trường ngoại hối trong suốt năm qua, sẽ thấy động thái trên của NHNN là hoàn toàn hợp lý.
Quả vậy đồng USD trên thị trường thế giới đã tăng giá khá mạnh trong năm qua nhờ sự hỗ trợ của đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ và động thái tăng lãi suất của Fed. Tính chung chỉ số đồng USD đã tăng khoảng 5,2% kể từ đầu năm. Đồng USD tăng mạnh cộng thêm nỗi lo về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã nhấn chìm nhiều đồng tiền trong khu vực châu Á, kể cả đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Trong khi đó, Việt Nam đồng (VND) vẫn được duy trì khá ổn định, chỉ mất giá nhẹ so với USD. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ giá trung tâm mới tăng khoảng 1,5% so với đầu năm, tỷ giá NHTM tăng khoảng 2,8% so với đầu năm. Tỷ giá ổn định đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và qua đó góp phần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế.
Thế nhưng cái giá để giữ cho VND chỉ mất giá nhẹ so với USD cũng khá lớn, đó là mặt bằng lãi suất VND có xu hướng tăng lên; thậm chí có thời điểm NHNN đã phải chấp nhận bán ra ngoại tệ để can thiệp. Trong khi việc níu giữ quá lâu tình trạng này cũng giống như một chiếc lò xo bị nén chặt, áp lực sẽ càng lớn và đến khi không níu được nữa, nó sẽ bật tăng mạnh, gây bất ổn cho thị trường.
Bên cạnh đó, việc chỉ mất giá nhẹ so với USD vô hình trung cũng khiến cho VND tăng giá so với nhiều đồng tiền trong khu vực, đặc biệt là nhân dân tệ, từ đó gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu và có thể khiến tình trạng nhập siêu với Trung Quốc thêm trầm trọng.
Tuy nhiên, thời gian trước do đồng USD trên thị trường thế giới đang trong xu hướng tăng liên tục, việc điều chỉnh mạnh tỷ giá trong nước có thể tạo ra hiệu ứng tâm lý kỳ vọng, gây thêm nhiều khó khăn cho công tác điều hành. Việc điều chỉnh quá mạnh tỷ giá cũng tạo thêm sức ép đến lạm phát trong nước, từ đó ảnh hưởng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát tăng sẽ lại tạo áp lực đến tỷ giá. Tỷ giá biến động mạnh cũng làm xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài… Có lẽ chính vì thế nên cơ quan quản lý đã chọn giải pháp chỉ điều chỉnh nhẹ tỷ giá, kết hợp với các công cụ chính sách tiền tệ để duy trì ổn định thị trường ngoại hối.
Hiện đồng USD đang có xu hướng điều chỉnh nhẹ trở lại, trong khi giá dầu thế giới giảm mạnh cũng giảm bớt áp lực đến lạm phát trong nước. Đó chính là cơ hội để NHNN giải tỏa bớt áp lực lên tỷ giá, không để dồn tích sang năm 2019, nhất là khi sức ép lên tỷ giá năm tới vẫn còn rất lớn do lãi suất đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên cho dù tốc độ có thể chậm hơn. Việc làm này cũng sẽ giảm bớt áp lực lên mặt bằng lãi suất tiền đồng. Đồng thời giảm bớt độ chênh giữa VND với các đồng tiền trong khu vực, qua đó góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Thực tế cũng đã chứng minh về sự điều hành hết sức linh hoạt, khôn khéo của NHNN. Đặc biệt, việc chọn đúng thời điểm để giải tỏa dần áp lực của NHNN không hề gây ra bất kỳ sự biến động nào trên thị trường. Theo đó giá mua – bán USD tại các ngân hàng thương mại chẳng những không tăng mà thậm chí còn giảm khá mạnh so với thời điểm cuối tháng 11. Hiện giá bán ra USD của các ngân hàng dao động từ 23.310 – 23.330 đồng/USD, còn giá mua vào khoảng 23.210 – 23.230 đồng/USD, giảm khoảng 50 đồng/USD ở cả hai chiều mua và bán so với cuối tháng 11.