Aa

Năm Covid

Chủ Nhật, 31/01/2021 - 07:00

Cuối năm Canh Tý ngồi nghĩ lại, thấy quả thực cả năm qua, ấn tượng sâu sắc vĩnh viễn không phai mờ về một mốc thời gian 365 ngày này chỉ có thể là đại dịch Covid-19.

Năm 2020 vừa kết thúc với bao nhiêu sự kiện bộn bề. Xung đột nóng, thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, khủng hoảng… trong nước và trên toàn thế giới. Thế nhưng ngay lúc này chứ chưa cần đến độ lùi của thời gian và không gian, chúng ta có thể khẳng định, nói đến năm 2020, ấn tượng sâu sắc nhất để lại trong mỗi người, mỗi gia đình, cả xã hội trên phạm vi toàn cầu chính là cái đại dịch do con viruscorona biến thể quái ác, được định danh mới là Sars- Covi-2 gây nên: đại dịch Covid-19!

Chính xác thì đại dịch Covid bắt đầu từ cuối năm 2019 với điểm khởi phát là thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Nên người ta mới định danh nó là Covid-19. Nhưng trong năm 2020, đại dịch này mới lan ra toàn cầu và gây ra cho nhân loại nhiều thảm cảnh khủng khiếp, tang thương. Chết chóc. Những thành phố bị lockdown - cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội. Rồi cả một quốc gia cùng lockdown. Quang cảnh nhiều nơi như những thành phố ma trong các bộ phim về ngày tận thế của Hollywood!

Vốn là một người đã từng được học những kiến thức cơ bản về dịch bệnh, vi trùng, virus trong trường đại học mà trong những ngày đầu đại dịch, tôi cũng thật sự thấy bàng hoàng, hoang mang. Có lúc gần như là hoảng loạn. Chả lẽ ngày tận thế của nhân loại trong truyền thuyết đang hiện hữu thật? Tôi chợt nghĩ, mình là người được học hành tử tế, lại chăm đọc sách khoa học, đào sâu suy nghĩ về những vấn đề chuyên môn mà còn hoang mang sợ hãi, không biết sự thể rồi sẽ đi về đâu như vậy, huống hồ là đa số người dân hầu như không biết gì mấy về cái sự sinh sôi nảy nở phát tán của cái con vius quái ác kia. Nên có lúc nhiều nơi, người ta hầu như rơi vào trạng thái mất kiểm soát cũng không lấy gì làm lạ.

Đường phố Hà Nội vắng vẻ trong những ngày giãn cách xã hội năm 2020 (Ảnh sưu tầm)

Nhớ lại cái thời kỳ phải trải qua những lệnh “giãn cách xã hội” đầu tiên, thật kinh khủng. Nó đem lại cho ta cảm giác mọi thứ đều ngưng trệ. Nhìn tất cả những người thân quen, những vật dụng hàng ngày, bỗng nhiên có cảm giác rờn rợn: Biết đâu đây đang là một đối tượng chứa đầy những con virus bệnh tật kia. Đi ra khỏi nhà, trót động tay vào đồ gì lạ, về rửa ráy muốn bong da tay luôn mà vẫn chưa thấy yên tâm. Đến nỗi, có lúc tôi có hình dung như là bầu khí quyển của chúng ta đang thở, cũng đã bị bọn virus tràn ngập!

Loài virus, thậm chí có khi các nhà khoa học coi nó chưa phải là một sự sống hoàn chỉnh, gọi là “bên rìa sự sống”! Họ luôn coi sự sống của của loài người mới là trung tâm, là “cái rốn của vũ trụ”! Một cơ thể hoàn chỉnh của con người được cấu tạo nên bởi khoảng 75 ngàn tỷ tế bào các kiểu. Một con số khổng lồ mà triển khai ra giấy sẽ thành một dãy số dài dằng dặc. Cấu tạo của mỗi tế bào hoàn chỉnh như một bộ máy sinh hóa tinh vi, điều khiển mọi chức năng sống của con người. Nhưng loài virus nhỏ bé kia cấu tạo của nó thậm chí, còn xa mới được coi là một tế bào hoàn chỉnh.

Nó mới chỉ có một cái nhân ADN hoặc ARN, thêm một lớp vỏ mong manh bằng lipoprotein bên ngoài nữa, thế thôi. Thế nên nó cực kỳ nhạy cảm với điều kiện môi trường. Ra ngoài môi trường tự nhiên, nó nhanh chóng bị bất hoạt ngay. Bị chết ngay. Vậy mà tại sao khi nó xâm nhập được vào cơ thể con người lại làm chúng ta điêu đứng làm vậy?

Đó là một câu hỏi khó mà giải đáp cho cặn kẽ. Nhiều lúc tôi nghĩ lẩn thẩn, có khi Thượng đế lúc sáng tạo ra loài người, ông chỉ chú tâm vào các sản phẩm chủ chốt của ngài là con người cùng thế giới tự nhiên núi rừng cây cối, sao cho đẹp đẽ. Còn loài virus kia, nó như là cái sản phẩm phụ, như là những cái bụi bay ra từ tay người nghệ sĩ Thượng đế đục đẽo nên bức tượng mang tên sự sống muôn loài. Ngài đã lơ đãng mặc kệ cho những cái bụi đó bay tứ tung. Ngài cũng không ngờ rằng cái thứ phế phẩm của sự sống, cái thứ “bên rìa cuộc sống” ấy nó lại có sức sống mãnh liệt không ngờ.

Tranh vẽ về đại dịch Covid của nữ sinh trường Tiểu học Nam Thành Công - Nguyễn Đới Chung Anh, từng gây "bão" cộng đồng mạng (Ảnh sưu tầm)

Một con virus chưa có bộ máy hoàn chỉnh để tự sinh sôi này nở, phải nhiễm vào tế bào của chúng ta, rồi nó tự biết phá tung chuỗi ADN hoặc ARN của chúng thành những mảnh nhỏ, lấy vật chất trong tế bào của chúng ta, tổng hợp thành những chuỗi AND hay ARN mới nên các virus hoàn chỉnh khác. Chúng cứ nhân lên như thế với cấp số nhân, cho đến lúc lấy hết mọi nguồn lực vật chất trong tế bào, chật ních bên trong. Chúng bèn phá tung màng tế bào ra, tung tăng kéo đàn kéo lũ đi xâm nhập vào các tế bào lành xung quanh. Và chu kỳ hủy diệt cả chúng lại bắt đầu, hàng loạt tế bào của chúng ta bị tiêu diệt. Sự suy sụp và tiêu vong nhìn thấy ngay…

Thật kinh hoàng khi cứ ngồi nghĩ về cái vòng hủy diệt chết chóc của con virus quái ác này. Mà trên thế giới tự nhiên, trong cơ thể con người chúng ta có biết bao nhiêu con virus đang lẩn quẩn sinh sống trong đó. Nghĩ mà kinh! Và cũng qua cái sự trải nghiệm trong dịch covid vừa rồi, ta bỗng thấy con người yếu ớt làm sao, thấy cuộc sống của cả thế giới loài người càng hiện đại thực ra càng rất mong manh dễ đổ vỡ. Cũng bỗng thấy những trò hào nhoáng xa xỉ điên cuồng tiêu dùng, hưởng thụ, chiếm đoạt, tranh giành…thật vô nghĩa. Chỉ còn mong ước sớm có vaccine, có thuốc để tạm thời đẩy lùi covid, cho thế giới tạm yên.

Nhưng chúng ta cũng cần phải xác định, cuộc chiến chống lại virus là không bao giờ kết thúc. Con virus nó sẽ song hành vĩnh viễn với cuộc sống loài người. Bởi nhìn vào cái tính chất sinh sôi phát triển của nó, thì chuyện virus biến thể là diễn ra hàng ngày. Từ virus cúm thường thành cúm ác tính rồi chính nó đã biến thành Sars. Từ virus Sars nó lại biến thành loại có độc tính hơn hẳn là Sars-Covi-2! Và giờ đây, nó vẫn đang biến đổi hàng ngày hàng giờ trong chính cơ thể chúng ta! Cuộc chiến của con người chống lại virus hầu như sẽ không bao giờ kết thúc. Như cuộc đấu giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ma quỷ và con người.

Chừng nào còn sự sống trên trái đất này thì con virus nó vẫn cứ tồn tại, quấy nhiễu sự sống của chúng ta. Và có lẽ sau khi tạm vượt qua được vấn nạn này, loài người cần phải nhận thức lại thế giới tự nhiên và lối sống của chính mình. Thay đổi nhận thức và thay đổi lối sống, đó là tất yếu. Hay như một ai đó nói, đại dịch Covid-19 là cái tát cảnh cáo của Thượng đế dành cho loài người đang có phần kiêu căng hỗn xược với ngài chăng?

Cuối năm Canh Tý ngồi nghĩ lại, thấy quả thực cả năm qua, ấn tượng sâu sắc vĩnh viễn không phai mờ về một mốc thời gian 365 ngày này chỉ có thể là đại dịch Covid-19. Con virus corona biến thể quái ác đã thay đổi cả thế giới. Từ vi mô đến vĩ mô. Từ tư duy đến hành động. Từ thói quen sinh hoạt của từng cá nhân đến nếp sống của cả loài người. Không một ai, không một quốc gia nào dám lơ là chủ quan với những đòn đánh ác hiểm của một kẻ thù tưởng như vô cùng yếu đuối, mong manh nhất trong thế giới tự nhiên là những con virus kia. Thế nhưng, những kẻ “bên rìa cuộc sống” ấy nó đã để lại dấu ấn vĩnh viễn không phai mờ lịch sử loài người suốt cả năm 2020!

Cầu mong rằng năm 2021, chúng ta sẽ vượt qua và bước vào một trang sử mới, với những hy vọng mới. Đại dịch Covid-19 sẽ qua đi!./

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top