Tôi đương làm một việc rất thú, cũng nhiều người mong và thích làm, sau khi về hưu, là lang thang trên đường.
Ấy là lái xe trên đường, đi xuyên Việt, hoặc "nửa Việt" cũng được, thăm lại những nơi mình từng sống, tìm lại bạn bè thuở ấu thơ, nhấm nháp cảm giác cô đơn khi một mình ôm vô lăng, và cả cảm giác hoàng đế khi thích đâu là dừng, khoái đâu là nghỉ, vừa đi vừa nghĩ ngợi lung tung, nói chuyện với cây cối, núi non, với con đường, và, với cả cái xe chạy đằng trước.
Một trong những cái thú là khám phá các... quán ăn trên đường.
Phải ngược thời gian một chút lên hơn chục năm trước, trên đường cũng có rất nhiều quán cơm, rất to rộng, nhộn nhịp và đấy là những quán cơm tù.
Tất cả các xe chở khách khi vào quán thì ngay lập tức hàng rào được kéo lại, có xe lại mở ra. Mục đích là để khách không thoát ra ngoài, không ăn cũng phải ngồi đấy, rửa tay chân, đi vệ sinh thì bắt buộc phải mua một thứ gì đấy, nếu không ăn cơm. Và cơm thì đúng là cơm tù, cũng như cái cách nhốt khách cũng chả khác gì tù, nên từ "cơm tù" ra đời như thế.
Và tất nhiên là chém. Khách kêu đắt, bị đánh, không ăn, bị đánh, lén ra ngoài mua bánh mì ăn, bị đánh... Đội ngũ bặm trợn được chủ quán nuôi, trần trùng trục, xăm trổ, sẵn sàng ra tay. Ai đi xe khách, mà chả cứ xe khách, xe con thời ấy chắc chắn còn nhớ. Tôi từng bị mấy lần, vừa ăn đĩa cơm vừa... căm thù nhưng vẫn phải ăn. Tài xế xe khách thì được ăn ở phòng riêng, đa phần là không phải trả tiền, hoặc nếu trả thì rất tượng trưng. Nó cứ ngang nhiên tồn tại ngày này sang năm khác, giữa thanh thiên bạch nhật trên đường thiên lý.
Cho đến một ngày, báo chí vào cuộc. Truyền hình có hẳn những phóng sự tươi roi rói, báo viết ảnh căng đét trang nhất. Đâu chừng 6 tháng thì các quán hết thời. Nó cũng như hồi ấy mỗi tỉnh có một "cung đường sung sướng", ai cũng biết, trừ chính quyền sở tại, phải khi báo chí vào cuộc quyết liệt thì mới... giảm. Giảm chứ mới đây cũng vẫn mấy nơi được bêu tệ nạn này.
Bây giờ đi qua những cái quán cơm tù ngày ấy, có khi vẫn thấy những cái quán trống huơ trống hoác "rêu phong mù mịt" chả biết chủ quán và đội ngũ bặm trợn phiêu dạt nơi nào?
Và cũng bây giờ, đi trên đường thấy các quán ăn rất thân thiện chứ không nơm nớp thành "tù nhân" như thuở nào? Thay những quán cơm tù là những trạm dừng nghỉ khá lịch sự, hiện đại. Nhiều hãng xe khách còn tự lập trạm nghỉ cho hãng mình, trong đấy phục vụ tất cả mọi thứ... Xe con thì ghé những quán nhỏ xinh ấm cúng...
Nếu biết quán từ trước rồi, có thể căn đường, căn thời gian để có thể đến thẳng quán ấy thì dừng xe ăn, nếu không thì cứ quán nào nhiều xe tải, xe con dừng thì mình cũng dừng, ta sẽ có những trải nghiệm thú vị của sự bất ngờ.
Là hôm từ Huế ra Nghệ An, qua Quảng Bình, nhẽ là rẽ vào Đồng Hới ăn trưa, nhưng thấy đang sớm bèn chạy thẳng, xác định gặp quán nhiều xe thì vào.
Và gặp một quán như thế, toàn xe container lừng lững, mấy cái xe con lọt thỏm. Nhìn địa danh thì biết đây là quê của hai ông nhà văn nổi tiếng họ Nguyễn Quang, ông Lập và ông Vinh. Ghé vào, một cu nhanh nhẹn chạy ra giới thiệu: Đặc sản của quán là gà, có gà rán, gà luộc, ngoài ra có mực tươi, cá thu sốt cà, vân vân. Gà thì hôm qua em dâu mới làm cho một trận tơi bời ở Huế, bèn kêu: Cơm nhé, canh, rau... Nó cắt ngang: Đấy là đương nhiên, kêu thêm mấy món kia thì kêu không thì cháu mang cơm canh... Ừ cho chú thêm mực luộc, cá thu rán sốt cà chua. Dạ rồi.
Thì thấy bê ra, ngoài món mình kêu là cá thu và mực, có một tô cơm, một bát nước luộc gà, một tô gà xáo kiểu Nghệ nhiều nước, mà nước này chan cơm ăn thì chết bỏ, rau dưa các loại. Tính tiền, hết... 80 ngàn. Thế tức là nếu không kêu thêm mấy món kia thì "combo" của quán là cơm, canh, gà xáo, rau dưa, chắc chỉ hết 30 ngàn, vì khúc cá thu rất dầy, đĩa mực ống tới chục con. Đi trên đường mà ăn thế là quá rẻ, và ngon. Tôi rất kén ăn, khó ăn, mà hôm ấy xơi hết thức ăn mang ra.
Xung quanh quán có nhiều võng, khách ăn xong có thể ngả lưng rồi tiếp tục hành trình.
Nếu đi đường Hồ Chí Minh thì có quán Quỳnh Thơ ngay đầu thị trấn Đăk Glay về phía Quảng Nam cũng rất thú vị.
Chủ quán là một phụ nữ mỏng mày hay hạt, giọng Nghệ đặc trưng, to và xởi lởi, nghe nói ngày xưa làm kiểm lâm rồi ra mở quán. Khách vào gọi mới nấu, tất cả như ăn ở nhà, rau luộc vớt ra ăn ngay, dưa cải muối xổi, cà nghệ muối, các loại cá đồng, có cả thịt nai, và đặc biệt có một món rất thú: Cá niên.
Là loại cá đặc trưng vùng suối cao Trường Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam, chả biết ngày xưa có tiến vua không, nhưng giờ dân Quảng Nam đi lên Trà My mà được thưởng thức món cá này thì không mang cảm giác vua cũng hoàng đế.
Nó là cá suối, và chỉ ăn rêu, ăn xong rồi bơi ngược, nên thịt chắc, ăn rêu nên sạch và ngọt thịt. Nấu thế nào, rất đơn giản: Nước sôi thả cà chua vào, nêm mắm muối vừa miệng thì thả cá vào, cá chín, cho ít rau răm nữa, rồi ăn. Nó ngon một cách... không thể tả được. Cái nước canh kia húp đến đâu tỉnh người đến đấy. Cái ruột cá hơi nhận nhận đắng, nhiều người bảo nó là... nhân sâm. Ở Trà My khi làm cá, người ta lấy ruột để riêng, rồi chưng với trứng gà, thành món đặc biệt, phải dân xịn mới được ăn. Và tất nhiên, món cá niên này khá đắt, hơn cá lăng cá vược cá chình... là các thứ cá nhà hàng hay để trang trọng trên đầu thực đơn, hoặc căng trên băng rôn trước quán.
Nhưng ở quán Quỳnh Thơ này, rất ngạc nhiên là, nó lại khá rẻ.
Vào quán tôi hay kêu: Rau lang luộc hoặc canh cua, cà và cải muối xổi, niêu cá suối kho và tô canh cá niên.
Quán nhỏ, ấm cúng, bà chủ đi loăng quang trong quán, sà bàn này hỏi vài câu, ghé bàn nọ châm thêm tí nước mắm... và chờ khách kêu tính tiền để cám ơn hẹn gặp lại, kiểu thân tình chứ không phải đẩy đưa quảng cáo.
Hết sức kỳ lạ, tôi ăn một mình, chưa bao giờ quá một trăm ngàn, hai người chưa bao giờ quá trăm rưỡi. Hình như bà chủ tính theo người chứ không tính món. Và nếu nhớ, với cá niên nếu ăn ở Quảng Nam phải tiền triệu, phải hết sức xông xênh mới dám gọi, thì ở đây, nó như cá lòng tong. Tất nhiên, ai cũng biết, không thể có cá niên tươi, mà là cá đông đá.
Nếu đi đường 19 nối Pleiku với Quy Nhơn, có cái quán ở giữa độ đường, ngay đầu vào thị xã An Khê chuyên cá đồng, cũng rất tươi, ngon và rẻ. Đặc biệt ở đây từng có món cá đá sông Ba. Nói từng có, vì từ khi có thủy điện An Khê Ka Nác, sông Ba bị bức tử thì cá cũng tử theo. Nó cũng là giống cá chỉ có ở sông Ba đoạn chảy qua An Khê. Và nó làm cho An Khê thêm phần nổi tiếng vì độ ngon của nó. Ngoài món cá đá sông Ba ấy, thì các món cá đồng ở đây chế biến đúng kiểu cơm mẹ nấu. Cá diếc nấu rau răm, món dành cho dân nhậu bị xỉn phục hồi năng lực. Cá trê nướng nước mắm gừng, các lòng tong kho nghệ, cá lóc kho tộ, cơm nồi đất... và một người ăn kềnh càng, tính tiền cũng chỉ trên dưới một trăm ngàn...
Một trong những bất ngờ thú vị trên đường chính là ở những... quán ăn. Nó luôn tạo cho ta những sự thú vị vượt ngoài mong đợi. Cũng bởi, đa phần, khi ăn trên đường, đa phần là dấn qua bữa chính một tí, nên vào bữa rất ngon. Qua mỗi địa phương có một đặc sản, ta liên tục được đổi món. Và quan trọng, qua những món ăn ấy, ta biết thêm một phần đất nước. Ai bảo ăn chỉ để mà ăn, nó là văn hóa, là lịch sử của mỗi vùng đất...
Nếu bài viết này được ủng hộ, tôi sẽ tiếp tục loạt bài trên đường này tới khi nào đọc chán ăn thì thôi.../.