1. Bình tĩnh đối diện và đón nhận
Dịch bệnh Covid chắc chắn đã làm đảo lộn cuộc sống của rất nhiều người. Tôi biết có những nghề nghiệp đã từng có mức thu nhập rất tốt, như hướng dẫn viên du lịch hay tiếp viên hàng không chẳng hạn, nhưng “cú hích” của dịch bệnh buộc họ phải tạm thời rẽ hướng sang một con đường mới, phải học tập những kỹ năng mới vốn không phải sở trường của họ.
Tôi đây đó có nghe các bạn trẻ tâm sự rằng trước dịch tiêu “hoang” quá, khi dịch bệnh xảy đến trở tay không kịp. Cá nhân tôi khi đó là giảng viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch. Những người đang công tác trong lĩnh vực giáo dục chúng tôi có lẽ thuộc nhóm ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch lần này, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn trong công việc. Các bạn trẻ còn đỡ, thế hệ cuối 7x đầu 8x như tôi quả thật lúng túng. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu thật, nhưng việc thực hiện chuyển đổi số diễn ra đột ngột quá. Đó là chưa kể đâu phải bất cứ nội dung dạy học nào cũng đưa lên dạy trực tuyến được? Vô số thắc mắc nảy sinh, rồi mọi người cũng phải bắt tay vào thực hiện.
Lúc đầu cũng… khớp lắm, việc trao đổi với người học qua màn hình máy tính đôi khi chẳng khác gì độc thoại, nhưng rồi tôi cũng tìm ra cách điều tiết và quản lý lớp học. Người học phản ánh rằng tín hiệu mạng không ổn định, tôi liền đăng ký nâng cấp đường truyền. Người học phàn nàn rằng hình giảng viên bị mờ nhòe, tôi mua một webcam mới để quay hình cho rõ nét. Có khi trước giờ dạy phần mềm gặp sự cố, tôi cũng phải tự mày mò khắc phục cho kịp giờ dạy.
Hiện giờ không thể khẳng định tôi đã hoàn toàn thành thạo quy trình thao tác khi dạy học trực tuyến, nhưng dám chắc rằng tôi đã xoay xở để việc dạy học diễn ra tương đối thuận lợi và đạt được hiệu quả tốt nhất trong khả năng của mình. Đôi lúc tôi vẫn có những trải nghiệm khá tệ khi quá trình dạy học của mình phát sinh trục trặc hệ thống; nhưng tôi nghĩ rằng một hệ thống muốn chuyển đổi trong thời gian ngắn không thể tránh khỏi những lúng túng và sai sót. Nên chăng chúng ta bình tĩnh hơn, thể tất cho nhau trước những sai sót đó và thảo luận cùng tìm cách khắc phục? Góp ý thì vẫn nên làm, nhưng làm sao để sự góp ý đó mang tính xây dựng nhiều nhất?
2. Chuyện gì cũng có cách giải quyết…
Hai vợ chồng tôi xa nhau đã nhiều năm. Ông xã xa nhà, xa gia đình làm việc ở Lào Cai từ lâu. Mọi người khi đó đều hỏi chúng tôi liệu có chắc chắn về quyết định của mình, và rằng sẽ rất khó khăn để duy trì gắn kết trong hoàn cảnh vì công việc mà phải xa cách trong thời gian dài như thế. Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn quyết định tạm xa cách để theo đuổi sự nghiệp riêng, ở những môi trường phù hợp với năng lực của mình. Chuyện riêng như vợ chồng sum họp tạm gác lại, đợi cuộc sống ổn định rồi tính tiếp.
Nhiều năm qua đi, đến thời điểm hiện tại, khi mọi thứ bắt đầu ổn định, gia đình bắt đầu suy nghĩ về chuyện dự định hợp về một mối. Hoặc anh từ Lào Cai trở về Yên Bái sum họp với vợ con, hoặc tôi và các con chuyển từ Yên Bái lên Lào Cai, và tôi làm lại từ đầu ở tuổi 40, cả hai đều không phải những lựa chọn dễ dàng. Chúng tôi chần chừ. Dù sao khoảng cách giữa hai vợ chồng cũng chỉ cần một chuyến xe liên tỉnh Lào Cai – Yên Bái là được nối liền. Hơn nữa, cá nhân tôi trong những ngày tháng làm việc và sinh sống tại Yên Bái cũng đã có một vài mối quan hệ vô cùng thân thiết với bạn bè và đồng nghiệp.
Covid chỉ khiến cho khoảng cách giữa hai tỉnh thành vốn có thể được nối liền bằng một chuyến xe giờ xa gấp bội. Việc gia đình gặp mặt nhau trở nên khó khăn hơn. Nói chuyện qua điện thoại, cả tôi và anh đều không giấu được cảm giác lo âu khi nghĩ đến tình hình dịch bệnh vẫn đang căng thẳng, sự an nguy của người thân bị đe dọa mà việc duy nhất mình có thể làm là lo lắng suông. Chỉ cần một cơn húng hắng ho nhẹ của anh qua điện thoại cũng khiến tôi không yên tâm, mặc dù anh luôn trấn an chúng tôi rằng mọi thứ vẫn ổn, sức khỏe anh vẫn tốt.
Bỗng dưng tôi cảm thấy có lỗi vì để anh một thân một mình trong những ngày khó khăn này. Bỗng dưng tôi cảm thấy ngay lúc này, không có gì quan trọng bằng việc cả nhà đoàn tụ, mọi người có thời gian ở bên nhau. Cuộc sống này rất ngắn ngủi, và hai chúng tôi đã đi qua một nửa cuộc đời mà thiếu nhau.
Vậy là anh và tôi đưa ra quyết định: đã đến lúc gia đình tôi sum họp. Tôi và các con sửa soạn cho một chuyến đi dài. Chúng tôi sẽ chuyển đến sinh sống và làm việc ở Lào Cai, nơi chồng tôi vẫn sinh sống và làm việc nhiều năm nay. Tôi sẽ bắt đầu lại ở tuổi 46, môi trường mới, cương vị công tác mới, làm quen với những người bạn, người đồng nghiệp mới. Tôi xác định cho mình một tâm thế sẵn sàng đối mặt với thử thách, giống như tôi từ trước đến nay vẫn làm.
3. Những thói quen mới
Người ta thường nhận xét rằng nghề giáo viên hay giảng viên gắn liền với hai chữ “ổn định”. Sự ổn định đó không chỉ nằm ở tính chất công việc mà còn nằm ở cách sống và cách quản lý gia đình của những người làm nghề giáo: có xu hướng lo xa, sống tiết kiệm, sinh hoạt điều độ, quản lý thu chi chặt chẽ. Trong nhiều năm qua, bất kể khoản thu nhập của gia đình hằng tháng là bao nhiêu và chi tiêu ra sao, chúng tôi vẫn rất kỷ luật trong việc để dành tiền. Tôi không khẳng định lối sống đó là đúng hay sai, nên làm hay không, nhưng ít nhất trong đại dịch lần này những khoản tiết kiệm đã cứu chúng tôi nhiều hơn một lần.
Nhờ dự phòng trước mà việc chuyển nhà và chuyển công tác của tôi diễn ra thuận lợi. Nhờ dự phòng mà gia đình chúng tôi vẫn duy trì được cuộc sống sinh hoạt bình thường dù mọi thứ tạm thời đóng băng. Những khoản dự phòng của gia đình tôi tuy không nhiều nhưng tôi biết ơn chúng, vì chính nhờ những khoản tiền nho nhỏ phòng thân đó mà tôi còn ở đây và có cơ hội được chiêm nghiệm về một năm đã qua.
Tôi đã chiêm nghiệm ra nhiều điều sau một năm 2021 nhiều biến động với dịch bệnh: về chuyện phải bình tâm thế nào để tìm ra phương hướng cho mọi vấn đề, về tầm quan trọng ra sao của gia đình và những người yêu thương; nhưng tất cả sẽ là vô nghĩa nếu chúng ta không thể tồn tại và cùng thích nghi với trạng thái “bình thường mới” của xã hội vì thiếu sự dự phòng.
Tôi không chắc đại dịch lần này sẽ kéo dài hai năm, ba năm hay lâu hơn nữa, cũng không biết liệu tiếp theo chúng ta còn phải đón nhận biến cố nào nữa, nhưng tôi tin rằng dù cho tương lai ra sao thì sự chuẩn bị luôn mang đến kết quả tốt hơn việc phải ứng phó một cách bị động. Quan trọng hơn hết, tôi bình tâm hơn khi biết rằng, nhờ sự chuẩn bị tốt của ngày hôm nay, ngày mai khi tôi tỉnh giấc mọi thứ sẽ có thêm cơ hội để được diễn ra theo đúng hẹn./.