Ý niệm về tiền giọt dầu và tạo phước như sương.
Nơi để tiền công đức ở các chùa và đình đền trên miền Bắc gọi là hòm công đức. Ở miền Trung gọi là thùng phước sương. Ở miền Nam lại ghi là thùng công đức.
Từ nhỏ ở miền Trung tôi quen hai chữ phước sương - nghĩa là quá trình tạo phước được tích lũy nhỏ và nhẹ như những giọt sương. Nước của sương thì không ồ ạt và ồn ào lai láng như mưa. Như hình ảnh người đi trong sương đêm, ta không thấy mình bị ướt ngay, nhưng nó thấm lạnh dần dần và ta ướt hết lúc nào không hay. Trong Cảnh sách nói: "Như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y, thời thời hữu nhuận" - "Như người đi trong sương đêm, tuy không ướt áo ngay, nhưng từ từ thấm khắp". Ý niệm về tạo phước cũng như vậy.
Qua nội dung hòm công đức, tiền không nhất thiết phải nhiều, không cần ai biết, tất cả đều như nhau, không phân nhiều - ít - cao - thấp và được tích lũy hàng ngày. Đó là bình đẳng. Phước đó mới chắc thật. Vì nó là "vô tướng", không ai biết ngoài mình và Phật Thánh biết.
Nhưng quan trọng nhất, nó là bình đẳng. Nơi cửa thiêng của thế giới tâm linh là cánh cửa của số đông, của bá tính, của mọi tầng lớp xã hội, không phân biệt và thiên vị giàu nghèo, sang hèn, địa vị cao thấp. Nên, hòm (thùng) công đức đặt chung nơi cửa thiêng tâm linh là mang ý nghĩa đó. Đó là cơ hội tích phước cho người có tâm và tâm đó thường trực hiện hữu trên bề mặt đời sống.
Phước phải được tích lũy như sương, không phải đợi đến lúc "gặp hạn", gặp điều không may mới nghĩ đến làm phước. Đợi khát mới đào giếng thì không kịp nữa. Thùng phước sương - hòm công đức hiện hữu nơi cửa chùa cửa đình là nhắc ta chuyện đó: vì, đức năng thì thắng số.
Thủa tôi lớn lên, không thấy người ta đến đưa tiền mặt cúng Thầy tôi. Mà có đến cúng trong bì thư, Thầy cũng bảo lên đặt vào trong thùng phước sương. Không thấy tiền sẽ không khởi tâm nhận xét bên nhiều bên ít.
Chùa hiện hữu gần gũi giữa xóm làng, nên bà con lui tới hàng ngày, và đó là cơ hội tích lũy phúc đức cho người người mà không phải "đợi đến lúc giàu" mới làm phước.
Khi sinh hoạt nơi chùa miền Bắc tôi rất thích với cụm từ các cụ ra chùa dùng - tiền giọt dầu. Tiền giọt dầu chính là tiền lẻ, là tiền nhỏ giọt như sương.
Tôi hay nói với mọi người: "ở quê tôi, 5000 đồng người ta thấy ít, ngại ngùng không dám công đức, nhưng đủ 10.000 đồng thì họ lại nghĩ đến chai bia". (Tất nhiên không phải số đông).
Tôi thích văn hóa bề dày nơi đất Bắc là vậy, bất cứ làm điều gì liên quan đến chùa chiền người ta nghĩ ngay đến, phải có góp chút công đức.
Tôi có lần quan sát một người lấy tiền khi họ chở ga đến chùa, họ nhận tiền chẵn, còn mấy chục lẻ họ xin gởi lại công đức. Có người chở cát đến chùa, tôi biết họ không khá giả, nhưng kiểu gì cũng xin công đức một hai xe cát.
Chùa tôi cả hai nơi đều ở miền quê, quê nào cũng nghèo. Ở Chùa Ván, các cụ tuần rằm ra chùa bao giờ cũng có tiền giọt dầu - lúc 1.000 lúc 2.000 - 5.000. Bây giờ thì những đồng tiền giọt dầu đó đã lên đến thấp là 2.000 cao là 10.000 đồng. Tuy ít thế nhưng ngôi chùa ngoài này tôi hoàn toàn không phải lo tiền điện nước và hoa quả ngày 30 và ngày rằm. Và qua một dịp lễ nếu chỉ có dân làng với nhau cũng dành dụm được vài ba triệu.
Nhìn từ góc độ khác tôi thích cách người miền Bắc đặt thêm "tiền lẻ" vào mâm quả, mâm bánh khi cúng lễ. Tích tiểu thành đa mà. Cúng "tiền lẻ" trong dân gian là quan niệm thực tế và trực diện. Tiền là phương tiện trao đổi chính trong mua bán làm ăn, nên cầm tiền là cầm thứ có thể đổi ra được nhiều thứ.
Thời Bụt, Bụt cấm người ta trốn thuế chợ thuế đò. Bụt cũng cần tiền đò qua sông.
Người chết, trong dân gian quan niệm phải có "tiền đi đường". Tiền lẻ, nhưng không rẻ chút nào.
Nhiều người cho mình cái quyền lên án, họ lên án và chụp mũ tất cả. Nhớ năm 1996 lần đầu tiên đặt chân lên đắt Bắc, đi chùa tôi rất thích quan sát cách người miền Bắc đi lễ khấn vái và đặt tiền lên ban thờ, lên tượng.
Hãy nhìn mọi hiện tượng dưới cặp mắt văn hóa, quý vị thấy nó đẹp và thiêng liêng làm sao.
Hãy tích lũy phước đức như sương để làm "của" để dành, đừng đợi đến "hạn" mới đi "vay" hay tạo phước. Phúc đức là gia tài cần được tạo dựng thường xuyên và cần mẫn.
Cầu an đầu xuân, hay tết trẩy hội lễ chùa chính là người Việt đang tạo dựng phước đức, một gia tài quý báu không thể thiếu trong đời sống muốn được an ổn.
Cuộc sống là một hành trình tạo dựng phúc đức. Chúc quý vị thành công trên con đường tích lũy này để ai ai cũng "có đức mặc sức mà ăn"!