Càng buồn hơn khi vào công cụ tìm kiếm "google", gõ từ khóa "sập giàn giáo ở Việt Nam", chỉ trong vài giây phần mềm này đã cho ra cả ngàn kết quả.
Tại sao chuyện "sập giàn giáo" lại diễn ra như một lẽ "tự nhiên", năm nào cũng có vài vụ?
Trò chuyện với một anh bạn làm cho một tập đoàn xây dựng nước ngoài, được biết, ngay từ khi dự án được triển khai, mặc dù mới chỉ là khâu đổ móng, tất cả các công nhân, khách đến làm việc đều phải mang mặc đầy đủ các đồ, trang cụ bảo hộ lao động, tuyệt đối tuân thủ theo nội quy của công trường. An toàn đối với họ luôn là điều tiên quyết!
Ở ta thì sao? Đi dạo một vòng qua các khu dự án đang xây dựng, không khó để bắt gặp cảnh những chàng công nhân treo lơ lửng lưng chừng trời, đầu trần, chân đất. Hoặc trên các giàn giáo xiêu vẹo, những công nhân trang phục bảo hộ mặc chỉ để... cho có, vừa làm vừa cười đùa, trêu chọc nhau. Nhìn những cảnh đó, người dũng cảm đến đâu cũng phải thấy "thót tim", hoảng hốt, lo sợ.
Tai nạn xảy ra, lỗi không chỉ ở các công nhân, mà phải kể đến trách nhiệm của những người quản lý, giám sát thi công, bộ phận duy trì nội quy công trường và cả cơ quan chức năng về trật tự xây dựng, an toàn lao động.
Nhưng, xét đến cùng, người chịu hậu quả trực tiếp, bị thiệt thòi nhất vẫn là các nạn nhân. Trong khi, những cơ quan phải chịu trách nhiệm cho những tai nạn, sự cố, thương vong kia hầu như thường... liên đới?!?.
Vì vậy, để giảm những vụ tai nạn đáng tiếc, chính những người công nhân cần phải tự bảo vệ tính mạng của mình, nếu không muốn bản thân lại là nạn nhân của chính mình?!?