Aa

Nâng hạng thị trường chứng khoán để thu hút vốn ngoại

Thứ Tư, 09/08/2023 - 14:30

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, đơn vị đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để tạo ra sự minh bạch trên TTCK, cũng như nỗ lực để thu hút các dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Nhờ những chính sách rất tích cực của Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; cùng với đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giảm lãi suất; các chính sách hỗ trợ về tài khóa… thị trường chứng khoán (TTCK) gần đây đã có sự phục hồi, thanh khoản trên thị trường đã được cải thiện rõ rệt.

Theo số liệu tính toán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), thanh khoản trên thị trường tháng 7 đã tăng 16,5% so với cuối năm 2022 và vốn hóa trên TTCK đã đạt 64% của GDP. Đây là điều rất đáng mừng trong bối cảnh còn nhiều thách thức, khó khăn. TTCK đang ngày càng được xem là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, bên cạnh kênh dẫn vốn của các ngân hàng thương mại.

Đồng tình với các chuyên gia cho rằng bên cạnh dòng vốn của ngân hàng, kênh từ các dòng vốn khác cũng cần phải phát huy, đặc biệt là từ các dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài, bà Phương cho rằng, cơ quan quản lý đã thực hiện nhiều giải pháp để tạo ra sự minh bạch trên thị trường cũng như nỗ lực để thu hút các dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài thông qua TTCK.

Liên quan đến việc nâng hạng TTCK Việt Nam đang được dư luận quan tâm, Chủ tịch UBCKNN cho biết, đây cũng là vấn đề mà UBCKNN rất chú trọng và đã đưa ra những giải pháp tích cực cũng như nỗ lực để đáp ứng những tiêu chí mà các cơ quan xếp hạng định mức tín nhiệm TTCK đưa ra.

Nâng hạng thị trường giúp tăng cường các nhà đầu tư có tổ chức, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK Việt Nam.

Về thời gian nâng hạng, theo lộ trình đã đề ra, Chính phủ đặt mục tiêu là tới năm 2025, thị trường sẽ được nâng hạng. Hiện các cơ quan quản lý đang nỗ lực cao nhất, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, tổ chức liên quan để chủ động tháo gỡ các vướng mắc theo các tiêu chí chung đề ra để hỗ trợ TTCK Việt Nam sớm được nâng hạng.

Xung quanh vấn đề này, bà Phương cho biết theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 70% quyết định phân bổ vốn đầu tư vào TTCK của các nhà đầu tư quốc tế chịu ảnh hưởng từ việc xếp hạng TTCK và phân loại chỉ số tham chiếu cho TTCK. Chính vì vậy việc phân loại TTCK của các tổ chức xếp hạng như MSCI hay FTSE Russell đề ra có ảnh hưởng rất lớn đến việc dẫn dắt nguồn vốn đầu tư toàn cầu, trong đó có nguồn đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Theo báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), việc nâng hạng TTCK dự kiến sẽ giúp Việt Nam thu hút được dòng vốn ngoại ròng khoảng 7,2 tỷ USD mỗi năm.

Một lợi ích nữa là khả năng định giá cổ phiếu được cải thiện sẽ ảnh hưởng tích cực đến công tác cổ phần hóa cũng như thoái vốn DNNN. Ngoài ra, việc nâng cấp thị trường sẽ giúp cho nhà đầu tư có nhiều cơ sở đa dạng hơn.

“Mục tiêu của chúng ta hiện nay phải cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư. Lợi ích từ việc nâng hạng thị trường sẽ giúp cải tạo, cải tiến được cơ sở nhà đầu tư, giúp tăng cường các nhà đầu tư có tổ chức, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK Việt Nam”, bà Phương cho biết.

Mặc dù còn nhiều điểm phải cố gắng phấn đấu và việc nâng hạng phụ thuộc lớn vào quyết định của các tổ chức xếp hạng, nhưng theo UBCKNN, cũng có một điểm đáng mừng là trong báo cáo gần nhất, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Russell đã công bố, Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi khả năng nâng hạng thị trường mới nổi và về cơ bản, Việt Nam đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí xếp hạng của thị trường mới nổi.

“Thời gian qua, UBCKNN đã tổ chức rất nhiều cuộc làm việc với các tổ chức và các bên liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến tiêu chí xếp hạng. Cuối tháng 8 này, UBCKNN sẽ tổ chức hội thảo, tọa đàm tại Hong Kong (Trung Quốc), làm việc với các tổ chức xếp hạng quốc tế và Hiệp hội Thị trường tài chính, TTCK của châu Á Thái Bình Dương để đánh giá khả năng, tiềm năng có thể nâng hạng thị trường”, bà Phương cho biết thêm.

Theo đại diện UBCKNN, hiện còn hai nhóm vấn đề trọng yếu mà trước mắt chúng ta cần phải cải thiện và cần sự phối hợp của các bên có liên quan để sớm đạt được kế hoạch để nâng hạng thị trường.

Thứ nhất là yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch. Hiện nay Việt Nam vẫn có quy định phải đảm bảo đủ tiền, đủ chứng khoán trước khi giao dịch theo quy định tại Thông tư 120/2020/TT-BTC. Trong khi đó các tổ chức xếp hạng thì không yêu cầu điều này.

Do vậy, để tháo gỡ, UBCKNN sẽ triển khai phương án đối tác bù trừ trung tâm cho thị trường cơ sở. Đầu tiên là giảm việc ký quỹ dần đến mức tối đa 10% giao dịch phải ký quỹ.

Thứ hai, liên quan đến vấn đề về giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Bà Phương cho biết hiện có rất nhiều giải pháp được đặt ra, nhưng UNCKNN đề xuất các bộ, ngành rà soát các hạn chế về sở hữu nhà đầu tư nước ngoài theo hướng rút gọn, chỉ áp dụng giới hạn sở hữu đối với những lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, an ninh hoặc lĩnh vực nhạy cảm, bảo hộ thương mại…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top