Chỉ số hoạt động phi sản xuất của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) vào tháng 6 gần như đã trở về mốc trước đại dịch Covid-19, tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2 với 57,1 điểm từ mức 45,4 điểm hồi tháng 5.
Quincy Krosby, Giám đốc chiến lược thị trường tại Prudential Financial tại Newark, bang New Jersey cho biết: “Những con số này rất quan trọng và nó giúp giải thích sự gia tăng niềm tin của người tiêu dùng”.
Các nhà đầu tư còn đặt cược vào sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc và tác động của việc này đến tăng trưởng toàn cầu khi đồng Nhân dân tệ tăng giá so với USD. Trước đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng hơn 5%.
Một loạt số liệu lạc quan của Mỹ gần đây bao gồm số việc làm tăng kỷ lục đã giúp Nasdaq đạt mức cao nhất mọi thời đại và khiến S&P 500 tăng hơn 40% so với mức đóng cửa ngày 23/3. Diễn biến tăng của thị trường này bất chấp sự gia tăng kỷ lục của các ca nhiễm Covid-19 mới tại 16 bang của Mỹ trong tháng này, điều này có thể cản trở việc mở cửa và phục hồi của nền kinh tế.
Trong kỳ nghỉ lễ quốc khánh cuối tuần trước, một số bang đã có báo cáo về mức tăng kỷ lục số ca nhiễm mới, bang Florida thậm chí còn vượt qua mọi quốc gia châu Âu thời đỉnh dịch về số ca nhiễm hàng ngày.
Dow Jones tăng 459,67 điểm, tương đương 1,78%, lên 26.287,03 điểm. S&P 500 tăng 49,71 điểm, tương đương 1,59%, lên 3.179,72 điểm. Nasdaq tăng 226,02 điểm, tương đương 2,21%, lên 10.433,65 điểm.
Cổ phiếu của gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến Amazon lần đầu tiên vượt qua mốc 3.000 USD và đóng góp mức tăng lớn nhất cho S&P 500 và Nasdaq. Cổ phiếu này đóng cửa phiên giao dịch với mức tăng 5,8% lên 3.057,04 USD.
Cổ phiếu của Tesla tăng 13,5% khi JPMorgan tăng mục tiêu giá cho cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô điện này sau khi có doanh số bán hàng quý tốt hơn dự kiến.
Tổng khối lượng giao dịch ngày 6/7 đạt 10,91 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,9 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.