Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch đầu tuần với sự tích cực. Các chỉ số thị trường ngay đầu phiên đã được kéo lên trên mốc tham chiếu với đà tăng mạnh của nhiều cổ phiếu trụ cột. Tuy nhiên, sức “nóng” của các chỉ số nhanh chóng bị giảm bớt do một vài mã lớn gặp áp lực bán mạnh.
Diễn biến giằng co duy trì được đến gần cuối phiên sáng, sau đó, lực cầu bất ngờ dâng cao đã giúp hàng loạt cổ phiếu trụ cột bứt phá, đà tăng của các chỉ số nhanh chóng được nới rộng và duy trì tốt trong suốt phiên chiều.
Tâm điểm của thị trường phiên đầu tuần là nhóm cổ phiếu ngành tài chính bao gồm ngân hàng và chứng khoán. Tại nhóm ngân hàng, các cổ phiếu như STB, LPB, CTG, VPB, BID, ACB, TCB… đều tăng giá mạnh. Trong đó, STB tăng đến 5% lên 11.550 đồng/cp và khớp lệnh 16,3 triệu cổ phiếu, CTG tăng 3,4% lên 23.050 đồng/cp và khớp lệnh 4,8 triệu cổ phiếu, BID tăng 2,6% lên 40.100 đồng/cp, ACB tăng 2,6% lên 23.600 đồng/cp.
Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, “ông lớn” SSI tăng 3% lên 15.600 đồng/cp. Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) mới đây đã công bố thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm, theo đó, SSI tiếp tục dẫn đầu danh sách này với thị phần 14,13%, bỏ xa các đơn vị đứng sau. HCM tăng 2,6% lên 19.500 đồng/cp bất chấp việc bị VCI chiếm vị trí thứ 2 về thị phần môi giới trên HoSE. Cụ thể, HCM có thị phần 8,77% còn VCI là 8,84%. Chốt phiên, VCI tăng 2,2% lên 22.850 đồng/cp.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu trụ cột như SAB, GAS, MWG, VNM… cũng tăng giá rất tốt góp phần củng cố vững sắc xanh của các chỉ số.
Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, 4 “ông lớn” bao gồm VIC, VHM, NVL và VRE đều giao dịch rất tích cực. VIC tăng 1,3% lên 91.400 đồng/cp, VHM tăng đến 3,9% lên 80.800 đồng/cp, NVL tăng 2,9% lên 64.200 đồng/cp và VRE tăng 2,3% lên 27.100 đồng/cp.
Sự tích cực của thị trường chung cũng tác động tốt đến các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ. PPI, BII, RCL hay UNI đều được kéo lên mức giá trần. C21 tăng 13,5%, CCL tăng 6,5%, CLG tăng 4%, CRE tăng 3,1%, VPH tăng 2,8%.
Chiều ngược lại, một vài mã bất động sản khác đi ngược xu hướng chung và giảm giá trong phiên 6/7. Trong đó, FIT giảm 2,1%, PDR giảm 1,4%, HQC giảm 1,2%.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 13,55 điểm (1,6%) lên 861,16 điểm. Toàn sàn có 251 mã tăng, 116 mã giảm và 66 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,52 điểm (1,36%) lên 113,07 điểm. Toàn sàn có 91 mã tăng, 48 mã giảm và 68 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,22 điểm (0,39%) lên 56,48 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn tăng nhẹ so với phiên cuối tuần trước nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 4.556 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch là 248 triệu cổ phiếu, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 889 tỷ đồng. Các cổ phiếu bất động sản gồm HQC, ITA, FLC và VHM lọt vào top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường, trong đó, HQC khớp lệnh 11,3 triệu cổ phiếu, ITA là 6,6 triệu cổ phiếu, FLC và VHM khớp lệnh lần lượt 4,89 triệu cổ phiếu và 4,3 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng nhưng giá trị giảm đáng kể với phiên cuối tuần trước và chỉ ở mức 22 tỷ đồng. Riêng ở sàn HoSE, khối ngoại mua ròng 25 tỷ đồng, giảm 84,28% so với phiên trước. VHM đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với 153 tỷ đồng. DXG và KDH cũng là 2 cổ phiếu bất động sản lọt vào top 10 mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với lần lượt 2,5 tỷ đồng và 2 tỷ đồng. Chiều ngược lại, HPG bị bán ròng mạnh nhất với 63 tỷ đồng. VIC và KBC là 2 mã bất động sản bị bán ròng mạnh với lần lượt 12 tỷ đồng và 8 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), trên góc nhìn kỹ thuật, phiên tăng ngày 6/7 giúp cho tín hiệu của VN-Index được cải thiện khi chỉ số này đã vượt qua được ngưỡng 855 điểm (MA20) và đây sẽ là hỗ trợ của thị trường trong các phiên tiếp theo.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 7 tăng mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó thu hẹp mức basis âm xuống còn 5,16 điểm, điều này cho thấy nhà đầu tư phái sinh bớt tiêu cực hơn với xu hướng hiện tại.
SHS dự báo trong phiên giao dịch tiếp theo 7/7, VN-Index có thể sẽ giảm điểm trở lại với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 855 điểm (MA20). Nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu nên quan sát thị trường trong phiên tới và có thể bán giảm tỷ trọng nếu như VN-Index đánh mất ngưỡng 855 điểm (MA20). Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cầm tiền mặt nên tiếp tục đứng ngoài thị trường và có thể giải ngân trở lại nếu VN-Index có nhịp giảm về gần ngưỡng 805 điểm (fibonacci retracement 38,2%).
Tâm lý nhà đầu tư cũng tỏ ra khá tốt trước những diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán châu Á phiên 6/7. Tăng mạnh nhất khu vực là cổ phiếu Trung Quốc với Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 5,7% và 4%. Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc lần lượt tăng 1,8% và 1,6%. ASX 200 của Australia giảm 0,7% trong khi NZX 50 của New Zealand tăng 0,8%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore tăng 1,4%, Jakarta Composite của Indonesia tăng 0,3%, KLCI của Malaysia tăng 1,5%.