Doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng
Tại Diễn đàn cấp cao cố vấn tài chính Việt Nam 2023 với chủ đề "Bơi trong vòng xoáy" diễn ra ngày 8/8, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dù đã có những tín hiệu khả quan song tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm mới ước đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và điều này đặt ra áp lực nặng nề về việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay.
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế toàn cầu đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: Lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ bị thắt chặt, lãi suất tăng cao và kéo dài, dẫn đến suy giảm tăng trưởng và cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia… Cùng với đó, tăng trưởng đầu tư và thương mại toàn cầu thấp; nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, 52 quốc gia đang đối mặt khủng hoảng nợ, thậm chí đứng trước nguy cơ vỡ nợ; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế và nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực… ngày càng gia tăng.
Việt Nam hiện đang là một nền kinh tế có độ mở lớn, nhưng khả năng thích ứng, sức chống chịu đối với các cú sốc bên ngoài cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế đã dẫn tới việc nền kinh tế Việt Nam liên tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới.
“Chúng ta đã chịu “tác động kép”, không chỉ từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài, mà còn từ những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm qua.
Cụ thể đó là tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài; các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp, dự án thua lỗ, chậm tiến độ dù đang được xử lý nhưng chưa thực sự dứt điểm và hiệu quả; các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều bất cập”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận.
Hiện nay, điều đáng quan ngại là hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch Covid-19, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng… Do đó, ông Trần Quốc Phương đánh giá, các thách thức lớn hiện nay là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp.
“Chi phí vốn vẫn ở mức cao, tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chào bán chứng khoán còn khó khăn… Dư nợ tín dụng đến hết tháng 6 chỉ tăng 4,28%, thấp hơn so với con số 9,44% của cùng kỳ năm 2022.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư buộc phải chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản, dự án đầu tư trong bối cảnh thị trường mua bán sáp nhập (M&A) không thuận lợi, hoặc chưa muốn vay do sản xuất kinh doanh đình trệ, không có lãi. Việc duy trì hoạt động và tranh thủ cơ hội thị trường gặp nhiều thách thức”, Thứ trưởng phân tích thêm.
Đưa ra nhận định về những khó khăn mà các doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải, ông Trần Quốc Phương cho biết, các doanh nghiệp nói riêng, cả nền kinh tế nói chung đang “bơi trong dòng xoáy khó khăn”.
“Và thị trường tài chính Việt Nam cũng vậy. Không chỉ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mà còn cả thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… đang đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Áp lực đè nặng lên mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh “gam màu xám” trong bức tranh thị trường thì vẫn có những điểm sáng tích cực khi xu thế kinh tế đang dần khả quan hơn.
Các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công… đều cho thấy điều đó. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 đã tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước… Tính chung 7 tháng, thu hút đầu tư nước ngoài đã lần đầu tiên trong năm tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 16,24 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 195,4 tỷ USD, vẫn giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng xuất siêu trên 16,5 tỷ USD…
“Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Kể từ đầu năm tới nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Chính phủ cũng đã tiếp tục tập trung tháo gỡ các vấn đề tồn đọng, vướng mắc, nhất là về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dự án đầu tư…, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, giúp khơi thông dòng tiền, nguồn lực của nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Trong đó có thể kể đến Nghị định số 08/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; Nghị quyết số 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành để giảm mặt bằng lãi suất tiền gửi phù hợp với diễn biến lạm phát, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, điều hành tỷ giá linh hoạt, bảo đảm ổn định thị trường ngoại hối và cân đối cung - cầu ngoại tệ.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các biện pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng… đã và đang được Chính phủ triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng lưu ý: “Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, bởi nếu năm nay, tăng trưởng không đạt mục tiêu, sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược 10 năm 2021 - 2030, thậm chí xa hơn là các mục tiêu 2030 - 2045 như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra”.
Cụ thể, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay cả khi năm 2023 đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thì bình quân hai năm 2024 và 2025 tăng trưởng GDP phải đạt 7,76%/năm thì mới có thể đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,5%, cận dưới mục tiêu 5 năm là 6,5 - 7%, theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Còn nếu tăng trưởng năm 2023 chỉ là 6%, thì bình quân hai năm 2024 - 2025 phải tăng trưởng 8%/năm.
Có thể nói, đây là những mức tăng trưởng rất cao, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn quá nhiều yếu tố bất định, kinh tế trong nước vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay.
“Rất khó để đạt được các con số này, nếu như không có thêm những cơ chế, chính sách đột phá”, ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Vì vậy, Thứ trưởng cho biết, bên cạnh việc thực hiện các chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, chủ động, kịp thời và hiệu quả, cũng như các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là với các dự án trọng điểm, tăng cường xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng, thu hút đầu tư nước ngoài... thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị về việc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất kinh doanh và đầu tư.
Đưa ra dự báo trong những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, Thứ trưởng nhận định, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ cả tình hình thế giới, khu vực biến động khó lường và những hạn chế, khó khăn trong nội tại của nền kinh tế.
“Do đó, để kinh tế Việt Nam có thể trụ vững và tiếp tục tăng trưởng và phát triển, để khu vực doanh nghiệp được tiếp sức vượt qua khó khăn thì sự vững mạnh của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có ý nghĩa vô cùng quan trọng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định./.