Khi các tên tuổi lớn như Uber và WeWork “chiếm sóng” trên các tít báo, mọi người có lẽ sẽ chỉ chú ý đến các công ty này và những thiệt hại hàng tỷ đô la của họ mà quên đi những lợi ích kinh tế to lớn của mô hình “chia sẻ mọi thứ”.
Ông Simon Smith, Trưởng bộ phận Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, Savills cho hay: Nền kinh tế chia sẻ thường được định nghĩa là: “Một hệ thống kinh tế trong đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ giữa các cá nhân, có thể miễn phí hoặc tính phí, thường là qua internet”. Các nhà đầu tư bất động sản chủ yếu sẽ quan tâm đến việc chia sẻ có tính phí. Những lợi ích then chốt của nền kinh tế chia sẻ là tính linh hoạt, tối đa hóa giá trị và yếu tố cộng tác của con người.
Tính linh hoạt của hình thức này chính là một trong những lợi ích hàng đầu cho người sử dụng. Đồng thời, chủ nhà cũng nhận được nhiều lợi ích từ việc cung cấp dịch vụ chia sẻ không gian. Chẳng hạn, một phần của tòa nhà có thể được sử dụng làm văn phòng linh hoạt, nhưng bản thân diện tích này cũng có thể được điều chỉnh linh hoạt, vì vậy mà các tòa nhà có thể thích ứng dễ dàng hơn với nhu cầu của thị trường.
Tối đa hóa doanh thu là mục tiêu của mọi doanh nghiệp và nền kinh tế chia sẻ cho phép chủ nhà gia tăng thu nhập từ cùng một không gian. Vì vậy, các cửa hàng pop-up có thể đem đến một làn gió mới và tăng doanh thu cho trung tâm thương mại, nhưng các cửa hàng này cũng có thể xuất hiện trong các văn phòng, hay khách sạn và biến mất khi sức hút đã giảm dần hoặc chủ nhà tìm được cách sử dụng không gian đó hiệu quả hơn.
Một lợi ích gián tiếp của văn phòng chia sẻ là tiềm năng hợp tác, cho dù theo sự sắp đặt hoặc do vô tình theo kiểu "gặp ai đó lúc lấy nước uống". Lợi ích này khó có thể đo lường; chủ nhà không thể đòi hỏi tính phí nếu hai khách thuê sáp nhập. "Tuy nhiên, yếu tố con người này rất quan trọng đối với tất cả chúng ta. Máy móc kỹ thuật số ngày nay đang chiếm hầu hết không gian làm việc. Chúng ta đi làm chủ yếu chỉ tương tác với máy tính xách tay và điện thoại. Nền kinh tế chia sẻ đang giúp chủ nhà cung cấp không gian cho con người, chứ không phải các công ty", ông Simon Smith thông tin.
Trưởng bộ phận Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương cho hay: “Với cửa hàng tại văn phòng, sự kiện tại trung tâm mua sắm và khách sạn trong gia đình, rõ ràng ràng nền kinh tế chia sẻ đang xóa nhòa ranh giới của các phân khúc bất động sản. Một nhiệm vụ quan trọng về vấn đề chính sách, pháp lý trong lĩnh vực bất động sản là cập nhật các mô hình bất động sản mới với các cơ quan quy hoạch (thường thiếu nhanh nhạy hơn thị trường), nếu không thì thị trường bất động sản sẽ không thể tận dụng triệt để được những lợi ích của mô hình kinh tế mới này”.
Văn phòng chia sẻ là một trong những mô hình bất động sản nhanh chóng phát triển và lan rộng khắp cả nước. Theo báo cáo của Savills, trong một năm qua, nguồn cung mặt bằng co-working tăng 64%. Trong cùng giai đoạn đó, 57% của tổng quy mô giao dịch văn phòng đến từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, 85% trong đó đến từ mặt bằng co-working.
Đà gia tăng số lượng cơ sở không gian làm việc chung đến từ sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp và nhu cầu tìm kiếm không gian làm việc mà chi phí hiệu quả. Với hoạt động mở rộng mạnh mẽ của cả đơn vị vận hành trong nước và quốc tế, co-working dự kiến tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong vài năm tới.
Một số đơn vị cung cấp mặt bằng co-working nổi bật tại tại Việt Nam là Toong, Dreamplex, Up và Regus... đã có kế hoạch mở thêm các cơ sở mới, thiết lập mạng lưới rộng lớn và gia tăng thị phần. Sự tham gia của các đơn vị vận hành quốc tế vào thị trường Việt Nam cũng được kỳ vọng mở ra giai đoạn phát triển mới cho co-working với nhiều thỏa thuận hợp tác. Đây cũng là xu hướng xuất hiện tại các thị trường khác trên khắp châu Á - Thái Bình Dương.
Đây là minh chứng rõ nhất cho thấy tác động của nền kinh tế chia sẻ đã vẽ thêm nét mới cho thị trường bất động sản. Trong tương lai, dòng vốn rót vào bất động sản cũng linh động, đa dạng với nhiều dòng sản phẩm, nhà đầu tư có thể thu về lợi nhuận ổn định và kéo dài.