Aa

Nếp xưa

Thứ Bảy, 05/06/2021 - 07:00

Trong tâm thức của người Việt Nam ta, ai ai cũng đều có một đức tin rất lớn, đó là tin vào tổ tiên. Tổ tiên là cách gọi khác của hai chữ nguồn cội.

Người Việt, chúng ta đến nay vẫn còn tiếp nối một nếp xưa của cha ông để lại. Tôi được sinh ra ở miền trung Quảng Trị, nơi gia đình ba mẹ tôi sinh sống là ngôi làng Thi Ông, có tuổi thọ tính từ vị tổ tiên, ngài Võ Trạng Đầu, người đầu tiên vào đây khai canh lập làng đã hơn 500 năm. Đó là tổ tiên xa hơn và tổ tiên chung của cả ngôi làng Thi Ông thuộc xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng. 

Ngôi miếu thiêng và quan trọng nhất của làng tôi là Ba Miếu, nơi thờ Ngài Võ là Tiền hiền khai khẩn cùng với hai ngài họ Nguyễn và Hồ thuộc hậu khai canh. Ba họ: Võ, Nguyễn và Hồ đứng đầu làng có 3 nhà thờ Họ lớn thờ con và cháu của các ngài. Tiếc thay, đền miếu còn, nhà thờ họ tộc còn, nhưng tộc phả ghi lịch sử ngài Võ Trạng Đầu từ đâu đến, đến cụ thể vào ngày tháng năm nào thì đã thất lạc.

Tuy vậy, dân làng con cháu Ngài tồn tại đến ngày nay là một thực tế. Các thế hệ kế thừa nối dài liên tục không đứt đoạn hơn 500 năm qua. Chính bởi vậy, tục thờ cúng, tên tuổi cùng lăng mộ và ngày giỗ của các ngài vẫn còn hiện hữu rất sống động. Con dân trong làng sinh ra, lớn lên, đi xa rồi trở về vẫn được thấy, được dạy và tự nhiên tiếp nối những nếp xưa thành kính, thiêng liêng ấy.

Hải Lăng
Huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (Ảnh sưu tầm)

Nhà ta ở nếu trên ta mà còn ông thì ông là người lớn, còn cha thì cha lớn nên việc thừa tự cúng bái tổ tiên và cầm đọc đến được cuốn gia phả bản thân ta phải ở vào cái tuổi “Lục thập nhĩ thuận”. Còn ở làng, để cầm được đến cuốn tộc phả của họ tộc, ta phải trên tuổi 70 và chỉ khi được bầu vào làm Trưởng tộc. Và ngay cả khi được bầu vào làm Trưởng họ, không phải một mình Trưởng họ là có quyền mở xem được tộc phả của Họ. Và không phải lúc nào cũng có thể mở được cuốn tộc phả của Họ để xem.

Bao nhiêu năm một lần, khi cần tu chỉnh bổ sung phần con cháu vào tộc phả, hoặc tộc phả ấy do giấy bị xuống cấp cần tu chỉnh hoặc sao chép mới lại thì toàn tộc họ họp bàn đi đến thống nhất mới chọn ngày lành tháng tốt để tu chỉnh. Tôi năm nay bước qua tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, cũng chỉ mới biết đến và cầm đọc được gia phả của nhà mình. 

Nhà có gia phả chính là gia sử của gia đình. Ngoài nhà thì có Họ. Họ có tộc phả chính là tộc sử của họ tộc nơi ngôi làng ta sinh sống. Làng miền Trung của tôi có ngôi miếu thiêng Ba Miếu thờ ngài Võ Trạng Đầu và 2 ngài hậu khai khẩn. Làng tôi không có ngọc phả hay thần tích của các ngài ở đền miếu vì tuổi lập làng vùng đất miền Trung chỉ mấy trăm năm trở lại. 

Làng xã ở Bắc bộ nơi tổ tiên dân tộc Việt tồn tại sinh sống qua nhiều ngàn năm lịch sử khác làng ở miền Trung. Làng Bắc bộ, ngoài gia phả là lịch sử của gia đình và tộc phả là lịch sử của một dòng họ, trong làng còn có ngọc phả. Ngọc phả cũng được gọi là thần phả hay thần tích chính là lai lịch của vị thần được thờ ở đền miếu trong làng. 

gia đình
Ảnh minh họa.

Những người là ông bà cha mẹ đã khuất, con cháu cho rằng các vị đã hóa sinh về nơi bất tử, đã nhập một vào nguồn cội gọi chung là tổ tiên. Cuốn gia phả nơi ghi lại lai lịch của tổ tiên tiền nhân trong một gia đình là để thờ.

Tộc phả càng khắt khe hơn vì là ghi chép về các đời tổ tiên chung của cả dòng họ và của nhiều đời. Nghĩa là nhiều đời tổ tiên tiền nhân của một dòng họ lớn đã được ghi lại trong cuốn tộc phả của họ. Tộc phả, cố nhiên cũng được thờ nơi nhà thờ chung của họ tộc. Xa hơn nữa, chúng ta có bản thần phả, cuốn sách ghi chép về vị thần linh cao nhất, cổ xưa nhất, linh hiển nhất được dân làng muôn đời thờ phụng làm vị thần Thành Hoàng che chở bảo hộ cho dân làng. 

Ngọc phả, như vậy là cuốn sách về lịch sử nhân vật của một làng nhất định, họ là các trang anh hùng, những hào kiệt đa mưu túc trí từng đổ đạt vinh hiển và nhất là có công đánh giặc cứu dân giúp nước nên được dân muôn đời nhớ ơn, thờ phụng và ghi lại. Đặc biệt, các vị thần linh là tổ tiên tiền nhân khai sáng lập làng có công này, được thờ theo điển lễ và được vua sắc ban phong thần cho các mỹ hiệu hàng năm để dân làng nhớ ơn phụng thờ hương hỏa không dứt. Cuốn ngọc phả được giữ thờ trong cung cấm của đình, miếu hoặc đền và tuyệt nhiên không ai là con dân làng ngang nhiên được phép đụng đến. 

Lịch sử của tổ tiên (dân tộc), rõ ràng là được ý thức rất cao để ghi chép, vì nó đi đôi với việc thừa tự cúng bái phụng thờ của con cháu, của hậu thế đối với tiền nhân đã khuất. Dân tộc Việt Nam ta quan niệm thấy như một trọng trách thiêng liêng cao cả cần gìn giữ lưu truyền, đó chính là đạo. Hiếu đạo với tổ tiên cội nguồn để giống nòi không mất gốc không đứt đoạn bằng việc hương hỏa.
Trong tâm thức của người Việt Nam ta, ai ai cũng đều có một đức tin rất lớn, đó là tin vào tổ tiên. Tổ tiên là cách gọi khác của hai chữ nguồn cội. Tin vào tổ tiên như vậy là một niềm tin thuộc về truyền thống, thuộc phạm trù đạo đức chứa đựng cả một nền đạo lý lớn của dân tộc ta trong đó, đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top