Mới đây, trong một hội thảo quốc tế về bảo tồn di sản và phát triển du lịch diễn ra tại Quảng Nam, GS. Jaques Barou, Nhà dân tộc học, Giám đốc Viện nghiên cứu CNRS (Pháp) cho rằng: “Chính phát triển bền vững đã đưa đến một khu vực kinh tế xanh, giúp bảo vệ môi sinh, chống ô nhiễm và tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm,… Đây chính là xu thế tất yếu và là một lựa chọn thông minh mà nhân loại đang hướng đến".
Thực tế, trên thế giới, rất nhiều nơi đã chứng minh cho quan điểm bảo tồn di sản, môi trường tự nhiên và phát triển khu du lịch, nghỉ dưỡng hoàn toàn có thể song hành.
Maldives là thiên đường nghĩ dưỡng mà bất cứ ai cũng ao ước được đặt chân đến. Để biến nơi đây thành địa điểm du lịch "vạn người mê", các nhà đầu tư BĐS đã bỏ ra không ít công sức để đầu tư và và thực hiện một cách nghiêm ngặt chính sách phát triển bền vững; hướng khu nghỉ dưỡng trở thành một phần của quang cảnh và sử dụng thiên nhiên như nguồn cảm hứng; cũng như giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng của việc xây dựng và quá trình vận hành của nó lên môi trường.
Tương tự, Jordan được đánh giá là một trong những quốc gia bảo tồn di sản tốt nhất thế giới, với cách làm thông minh và sự đầu tư bài bản, quốc gia này còn "phù phép" những di sản thành "cỗ máy hút tiền". Với tổng GDP là 38.67 tỷ USD, GDP trên đầu người lên tới 6000 USD, Jordan trở thành đất nước có GDP ngành du lịch – dịch vụ chiếm hơn nửa cấu trúc ngành (64.6%).
Tuy nhiên, để làm được như những ví dụ trên không hề đơn giản. TS. Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định, đầu tư BĐS nghỉ dưỡng không phải là phân khúc dành cho đa số nhà đầu tư. Các nhà phát triển BĐS không chỉ có tiền là có thể xây dựng các khu nghỉ dưỡng, những người đầu tư vào đây phải thực sự có tiềm lực rất mạnh về kinh tế, có tư duy chiến lược bài bản. Bên cạnh đó, phân khúc này còn đòi hỏi chủ đầu tư phải thực sự tâm huyết, không đơn thuần chỉ như xây dựng một tòa chung cư hay trung tâm thương mại, đây còn là câu chuyện của sự sáng tạo, yêu quý và tôn trọng thiên nhiên.
Dưới góc độ doanh nghiệp phát triển chuỗi BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, ông Lê Thành Vinh, Tổng giám đốc tập đoàn FLC bày tỏ quan điểm với Reatimes: “Tôi thấy có một câu nói vui nhưng không hề sai rằng, làm BĐS nghỉ dưỡng là “bỏ ra vàng thỏi để thu về bạc cắc”. Tức là đầu tư vào ngành này đồng nghĩa doanh nghiệp phải có một tiềm lực tài chính vững mạnh để rót vốn ban đầu cực lớn, sau đó vận hành quần thể và thu dần cả vốn lẫn lãi trong dài hạn”.
Theo Tổng giám đốc FLC, cần phải hiểu rằng đối với một sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng, đặc biệt là sản phẩm du lịch sinh thái như của FLC, vận mệnh của cảnh quan thiên nhiên cũng chính là vận mệnh của dự án. Nếu phong cảnh, môi trường xung quanh của dự án bị phá hủy, thì số phận của ngay chính quần thể cũng bị đe dọa.
Để xây dựng BĐS nghỉ dưỡng mang tính bền vững, bên ngoài, thiết kế của các quần thể hướng tới tránh tối đa việc làm gián đoạn, thay đổi cảnh quan tự nhiên. Bên trong, mọi nội thất, công nghệ được sử dụng thân thiện với môi trường.
“Tôi lấy một số ví dụ đơn giản để bạn có thể hình dung rõ hơn. Tại FLC Sầm Sơn, chúng tôi xây dựng bể bơi nước mặn lớn nhất Việt Nam, diện tích hơn 5100 mét vuông, nước dẫn trực tiếp từ biển vào, qua hệ thống lọc công nghệ tối tân nhất để đảm bảo sự tinh khiết. Bể bơi hầu như kín khách quanh năm, đã giảm tải đáng kể áp lực về số khách xuống tắm trực tiếp tại biển Sầm Sơn. Ven quần thể, chúng tôi đầu tư trồng và chăm sóc gần 10 hectare rừng để tạo cảnh quan môi trường và phòng hộ ven biển.
Tại Bình Định, Quảng Ninh, những dự án sân golf 18 hỗ liên hoàn mà chúng tôi thiết kế đều tận dụng khu vực trước đây là đồi cát, đất hoang hóa, vừa không ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên và sinh hoạt của con người, vừa tạo nên các chướng ngại tự nhiên thách thức golf thủ, một “đặc sản” của các sân golf mang thương hiệu FLC.
Các sân golf của FLC đều áp dụng hệ thống tưới tiêu tuần hoàn, lượng nước ngọt còn dư sau khi tưới cỏ sẽ được sẽ được thu hồi để tái sử dụng. FLC cũng sử dụng loại cỏ sân golf được lai tạo tiên tiến nhất trên thế giới có khả năng chịu mặn và chịu hạn để hạn chế sử dụng nước ngọt. Đây cũng là những giống cỏ có khả năng miễn dịch tốt nhất với các loài nấm, côn trùng, giúp hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật" - ông Vinh chia sẻ.
Nhìn nhận câu chuyện phát triển BĐS du lịch, nghỉ dưỡng của các doanh nghiệp, PGS. TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cũng cảnh báo, nếu khai thác mà để mất đi tính đặc hữu, mất đi hệ cân bằng sinh thái thì coi như mất hết. Bởi khi đó, khu du lịch này cũng không còn phát huy được giá trị của mình. Phát triển BĐS ở đây không phải là “cạo trọc” đi để xây dựng lại một thứ hoàn toàn mới, cái tài của người xây dựng là phải phát triển nương theo tự nhiên. Những dự án nào phát triển nhưng vẫn giữ nguyên được hiện trạng mới là dự án thành công. Và đó mới là cái làm nên tên tuổi, thương hiệu của nhà phát triển BĐS.