Tính đến nay, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đạt gần 350 tỷ USD, bình quân tăng 20%/ năm trong 30 năm qua. Đây cũng là khu vực tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế.
Nhận định về dòng vốn FDI, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh đây là một nhân tố quan trong cho sự phát triển của nền kinh tế 96 triệu dân. "Chúng ta đã trở thành một quốc gia thu hút vốn FDI thành công trên thế giới và trong khu vực", ông nói.
Dù vậy, ông thừa nhận hiệu quả của dòng vốn chưa tương xứng cới số lượng của mức đầu tư. "Trong chừng mực nào đó, đầu tư FDI không có sự lựa chọn không những không kết nối được với DNNVV trong nước mà còn có hiện tượng chèn lấn khu vực doanh nghiệp này", ông nói.
Theo ông, số liên doanh với doanh nghiệp nội địa chỉ chiếm 2/10 phần của FDI. Giá trị gia tăng các dự án FDI tạo ra cho nền kinh tế trong nước cũng tương đối thấp.
"Trong các FDI cũng có sự chuyển giá, có hiện tượng gian lận thương mại, chúng ta phải có những biện pháp rất chuyên nghiệp, quyết liệt để có thể khắc phục trong thời gian tới", ông nói thêm.
Bình luận về vấn đề này, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ KHĐT nhận xét: "Nếu chúng ta chỉ nhìn những con số để quy chụp đầu tư nước ngoài lấn át trong nước thì chúng ta cần phải cân nhắc. Thay vì việc phê phán, chúng ta cần thúc đẩy chính các doanh nghiệp trong nước phát triển".
Ông Thắng nói rằng việc kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI là vấn đề đã được nhìn nhận từ lâu. "Chúng ta đã có nhiều yêu cầu, nhưng thực chất vẫn chưa làm được", ông nói.
Do vậy, với Nghị quyết 50 được Bộ Chính trị phê duyệt hôm 20/8 vừa qua đã đề cập đến vấn đề đảm bảo tính kết nối liên thông giữa đầu tư nước ngoài với thị trường trong nước như là một yêu cầu bắt buộc. Nghị quyết cũng chỉ ra những định hướng rất rõ ràng.
Cụ thể, Nghị quyết số 50 định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nghị quyết đưa ra các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài, những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp có thể sử dụng các dịch vụ, dịch vụ mua sắm nguyên, nhiên vật liệu từ các doanh nghiệp nội địa, cung ứng dịch vụ cho họ.
Nhưng ngược trở lại, ông Thắng nói rằng với các doanh nghiệp trong nước, Việt Nam phải có chính sách để hỗ trợ họ để nâng tầm sản phẩm, đáp ứng chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để có thể tham gia vào chuỗi giá trị đó.
"Đây là biện pháp chúng tôi cho rằng vừa kéo vừa đẩy", ông Vũ Đại Thắng cho biết.