Aa

Nếu là quy định bất hợp lý thì cần phải cho hồi tố, thể hiện trách nhiệm sửa sai

Thứ Sáu, 13/03/2020 - 14:48

Việc cho hồi tố tính lại chi phí của năm 2017 - 2018 và kể cả 2019 hay không, không bắt buộc. Việc này chỉ là sự thể hiện thái độ của cơ quan quản lý đối với quy định này và cách xử lý khó khăn đối với doanh nghiệp.

Nghị định 20 và 3 điều bất hợp lý

Đánh giá về căn cứ pháp lý của Nghị định 20, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, vấn đề này mới được quy định trong Luật Quản lý thuế năm 2019 nhưng chưa có hiệu lực (đến 01/07/2020 mới có hiệu lực), mà chưa được quy định trong Luật Quản lý thuế năm 2006, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012 và 2016 cũng như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013 và 2014.

“Đây không phải là quy định nhằm khống chế giới hạn chi phí lãi phục vụ sản xuất, kinh doanh một cách bình thường mà là quy định nhằm tới việc chống chuyển giá. Vì vậy, nếu không vì mục đích này thì giới hạn trở thành vô lý, trái ngược với bản chất vấn đề, thậm chí vi phạm quyền tự do huy động vốn và tự do lựa chọn phương án, cách thức kinh doanh của doanh nghiệp không thuộc trường hợp bị cấm theo luật”.

Theo LS Đức, sở dĩ phải đặt ra giới hạn này là để đối phó với tình trạng doanh nghiệp chuyển giá, nhất là liên quan đến các giao dịch công ty mẹ con, công ty liên kết ở nước ngoài.

“Do gần như không kiểm soát được chính xác các chí phí hợp lý, hợp lệ liên quan đến phía nước ngoài, nên pháp luật các nước nói chung, Việt Nam nói riêng buộc phải đặt ra giới hạn để kiểm soát, tránh gian lận, dẫn đến thất thu thuế của nước sở tại. Tuy nhiên, ngay cả việc đã đặt ra giới hạn này, cũng vẫn còn phải thực hiện nhiều giải pháp khác thì quy định này mới có ý nghĩa trên thực tế”, luật sư Đức phân tích.

Trước đó, tại Hội thảo "Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ" do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức diễn ra vào tháng 12/2018, luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ: “Mặc dù Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đi tiên phong lên tiếng, kiến nghị và tổ chức hội thảo nhưng vẫn là rất chậm khi mà nhiều doanh nghiệp đã đã phải nộp thuế oan một năm và sắp phải nộp năm thứ hai”.

Chia sẻ thêm, luật sư Đức cho hay, tại thời điểm Nghị định 20 chuẩn bị được ban hành, ông đã có cảnh báo: Quy định không hợp lý, sẽ khiến doanh nghiệp mất tính chủ động và mất đi cơ hội trong phát triển kinh doanh, mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh.

“Tôi thấy có ba vấn đề bất hợp lý trong Nghị định 20 như sau: Thứ nhất, không đủ cơ sở pháp lý; Thứ hai, quy định không hợp lý; Thứ ba, áp dụng không hợp lý”, ông nhấn mạnh.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội bày tỏ quan điểm: Cần phải bãi bỏ khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20.

“Nghị định 20 là trái với quy định của luật. Nếu trái quy định Hiến pháp thì chắc chắn phải bãi bỏ và phải thay thế bằng một văn bản khác. Theo quy định thì có thể bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần, không thể nói trái luật mà không bãi bỏ được. Chúng ta sẽ trả lời thế nào nếu Chính phủ ban hành một văn bản sai luật?

Thứ hai, về phạm vi, đối tượng điều chỉnh quy định, mục đích ban đầu của Nghị định này là chống chuyển giá, chống chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, áp dụng với các giao dịch liên kết. Và theo như thông lệ quốc tế, đó là xuyên biên giới, khi sửa lại Nghị định cũng cần xem lại phạm vi đối tượng áp dụng", ông Phúc phân tích.

Luật sư Trương Thanh Đức

Nếu là quy định sai, thì cần cho hồi tố để tránh gây khó khăn không đáng có cho doanh nghiệp

Đó là câu chuyện của hai năm trước và nay, các nội dung của Nghị định 20, đặc biệt là các sửa đổi của khoản 3 Điều 8 lại nóng lên khi “thuế oan” mà doanh nghiệp phải nộp đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng sau gần ba năm. Trong khi ấy, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục giữ quan điểm “vắt kiệt” doanh nghiệp, bỏ mặc hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế rơi vào sự bất hợp lý trong cái hợp lý theo quan điểm của Bộ.

Mới đây nhất, tại Tờ trình số 17/TTr-BTC, Bộ Tài chính đã gạt bỏ quy định cho phép hồi tố, khiến doanh nghiệp nghe tin như “sét đánh ngang tai”, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chung đang phải gắng gượng do những tác động của dịch bệnh Covid-19.

Đối với giải trình về quy định cho phép hồi tố, Bộ Tài chính cho rằng:

"Khi dự thảo Nghị định sửa đổi, một số ý kiến cho phép hồi tố (tức là áp dụng quy định mới tại dự thảo Nghị định từ năm 2017, 2018), dự thảo Nghị định lấy ý kiến Bộ Tư pháp có nêu nội dung này. Tuy nhiên, qua rà soát Bộ Tài chính thấy có nhiều bất cập, vì vậy, tại tờ trình số 17/TTr-BTC Bộ Tài chính đã trình Chính phủ không áp dụng hồi tố vì các lý do sau:

Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 152 Luật Ban hành văn bản pháp luật năm 2015, hiệu lực trở về trước (hồi tố) của văn bản quy phạm pháp luật được quy định: “1. Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để đảm bảo lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước”.

Qua rà soát, Bộ Tài chính thấy rằng Dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8 chỉ điều chỉnh đối với một nhóm đối tượng có chi phí lãi vay vượt mức khống chế, không phải là lợi ích chung của cả xã hội. Vì vậy việc áp dụng hồi tố cần được cân nhắc".

Tại nhiều phân tích trước đây, các chuyên gia đã chỉ ra: Với mục đích chống chuyển giá thì nhóm đối tượng mà Nghị định 20 hướng đến là những doanh nghiệp có vốn FDI, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, có giao dịch liên kết, nhưng trên thực tế thì kể từ khi có hiệu lực, Nghị định 20 đã tác động tới hầu hết các doanh nghiệp Việt vì tính chất của doanh nghiệp cần vay vốn, huy động vốn hay các tập đoàn, công ty mẹ con.

Có thể kể tới trường hợp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi mà mức thuế tập đoàn này phải nộp đã tăng lên hàng trăm tỷ đồng từ khi áp dụng Nghị định 20, hay như CTCP Eurowindow Holding, Hoàng Anh Gia Lai… đều phải chịu phát sinh thêm khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hàng trăm tỷ đồng và lỗ lũy kế gia tăng.

Nếu Bộ Tài chính cho rằng “Dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8 chỉ điều chỉnh đối với một nhóm đối tượng có chi phí lãi vay vượt mức khống chế, không phải là lợi ích chung của cả xã hội” mà bỏ quy định về “hồi tố” thì xin hãy bình tĩnh và nhìn ra xa hơn câu chuyện áp trần thuế của doanh nghiệp, bởi từ những con số gia tăng về nộp thuế, dẫn đến doanh nghiệp báo lỗ trong hoạt động kinh doanh và theo Luật sư Trương Thanh Đức, như trường hợp của Tập đoàn Điện lực - diễn biến tiếp theo có thể là doanh nghiệp bắt buộc phải tăng giá điện để bù lỗ và duy trì hoạt động.

Khi ấy, ai sẽ là người chịu tác động? Không ai khác chính là người dân nói chung và là xã hội, lợi ích của xã hội sẽ bị suy chuyển.

Do đó, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc cho hồi hay không chính là thể hiện thái độ của cơ quan quản lý đối với các vấn đề còn tồn tại của Nghị định này cũng như cách xử lý khó khăn của doanh nghiệp.

"Nếu đó là quy định đúng, là hợp lý thì không cho hồi tố, trừ trường hợp Nhà nước muốn tạo thêm điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp khó khăn. Ngược lại, nếu đó là quy định sai, là bất hợp lý thì cần phải cho hồi tố để thể hiện trách nhiệm sửa sai, gây khó khăn không đáng có cho doanh nghiệp", ông Đức cho hay.

Và đúng hay sai thì thị trường, doanh nghiệp và các chuyên gia đều đã rõ, khi mà Nghị định từ khi chưa đưa vào áp dụng đã tạo nên những xung đột về quan điểm để rồi khi có hiệu lực, những điều khoản bất hợp lý đã trở thành "sợi dây vô hình" trói chặt sự phát triển của doanh nghiệp.

Xin trích dẫn lại ý kiến của TS. Nguyễn Minh Phong: "Nếu cứ theo logic của Bộ Tài chính, thì phải chăng ngành thuế đã, đang và sẽ không bao giờ đủ năng lực quản lý tiêu cực khi thực hiện hồi tố các luật định về thuế?! Cũng tức là các doanh nghiệp và đối tượng nộp thuế đành phải hy sinh lợi ích để giúp ngành thuế bảo đảm giữ mình trong sạch và không phải đau đầu, bận bịu tính toán cách thức trả lại tiền thu phức tạp ?!"

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top