Aa

"Nếu quản lý không tốt, rất có thể sẽ phản tác dụng"

Thứ Sáu, 15/09/2017 - 06:00

Đó là quan điểm của PGS.TS Phạm Ngọc Trung, Nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khi trao đổi với Reatimes xoay quanh câu chuyện làm thế nào để xây dựng, vận hành cáp treo ở vùng di sản nhưng vẫn đảm bảo tính hài hòa giữa thiên nhiên và lợi ích kinh tế.

Tạo điểm đến hấp dẫn níu chân du khách

PV: Vừa qua, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương xây cáp treo ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Với vai trò là một nhà nghiên cứu văn hóa, quan điểm của ông về chủ trương này như thế nào?

PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Xu hướng chung hiện nay để phát triển kinh tế là hiện đại hóa hoạt động kinh tế - du lịch tại các địa phương. Thử so sánh tại các địa điểm như Chùa Hương, Yên Tử... nếu cứ để hành hương trẩy hội theo kiểu cũ thì chỉ có một lượng người nhất định đến được thôi chứ người lớn tuổi không thể thăm quan, khám phá được những địa điểm này.

Tôi đã khảo sát nhiều cáp treo trong nước, trong đó có cáp treo lên Chùa Hương, Yên Tử, nhận thấy rằng người ta không làm cáp treo từ dưới lên trên mà chỉ làm 3/4, nghĩa là những đoạn đầu, đoạn cuối, con người vẫn có thể hòa mình vào thiên nhiên, vẫn có thể chinh phục tự nhiên theo kiểu hành hương trẩy hội. Đấy là 2 địa điểm mang tính chất tâm linh, tôn giáo.

Riêng Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận. Hệ thống hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng rất rộng và sâu, đặc biệt là hang Sơn Đoòng mới phát hiện. Nhu cầu của người dân Việt Nam và cả khách quốc tế là được khám phá nhiều cái hay, cái đẹp, cái tốt ở đây.

Trong khi hệ thống hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng rất hiểm trở, không có những bậc thang đi lên như Yên Tử, Chùa Hương nên chủ trương xây cáp treo vào Phong Nha - Kẻ Bàng tôi cho là chủ trương đúng đắn, hợp với thời đại, đồng thời tạo điểm nhấn và cơ hội để khách du lịch tiếp cận với di sản thiên nhiên, tạo ra việc làm, thu nhập cho người dân, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế cho tỉnh Quảng Bình.

PV: Thưa ông, điều gì sẽ xảy ra khi Quảng Bình có cáp treo vào Phong Nha – Kẻ Bàng mà ở đây là cáp treo nhánh đông đến Hang Én – hang động lớn thứ ba thế giới?

PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều xoay quanh vấn đề này, thậm chí cũng có dư luận cho rằng, Quảng Bình là một tỉnh nghèo, việc xây dựng cáp treo vào di sản Phong Nha – Kẻ Bàng của tỉnh dường như là một việc gây lãng phí tiền của.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, càng nghèo càng phải nghĩ cách để tìm đường ra, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân. Muốn thế, một là phải có công nghệ, hai là phải có vốn, ba là phải khai thác tài nguyên thiên nhiên của địa phương như bãi tắm, núi đồi, sông biển.... mới có tiền để đóng thuế cho nhà nước, nuôi sống người dân.

Nếu có cáp treo vào Phong Nha – Kẻ Bàng, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển, song vẫn đảm bảo được nét nguyên sơ của cảnh quan sẽ là một việc tốt, bởi Quảng Bình là tỉnh có khí hậu khắc nghiệt, người dân đông, việc làm thì thiếu. Việc tìm ra được một lối thoát không phải là điều dễ dàng. Chỉ có điều khi đã tìm ra thì phải kiểm soát được, nếu không cẩn thận sẽ đi chệch mục tiêu đã đề ra.

PGS.TS - Nhà báo Phạm Ngọc Trung.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung.

Sức hấp dẫn của Quảng Bình, giá trị của Quảng Bình để thu hút du khách trong và ngoài nước là Phong Nha - Kẻ Bàng, nếu không kiểm soát tốt, để xảy ra tình trạng quá đông người đến thì cảnh quan bị phá vỡ, lúc đó, du khách không đến nữa thì cả mục đích kinh tế lẫn mục đích bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới đều không đạt được.

PV: Vậy theo ông, do đâu dư luận thường có những ý kiến trái chiều mỗi khi có chủ trương xây cáp treo vào các vùng di tích, di sản?

PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Những người dân, nhà khoa học, nhà quản lý về văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới e ngại sự quá tải. Nếu giữ nguyên bản, thì lượng người đến với các di sản, danh lam thắng cảnh sẽ ít nhưng lại đảm bảo sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên.

Ở Phong Nha – Kẻ Bàng hiện nay cũng đã có tình trạng khách đến du lịch vứt rác làm mất mỹ quan nhưng vẫn trong khả năng kiểm soát được vì lượng người đang ít (1- 2 nghìn người/ngày).

Nếu có cáp treo thì có thể có vài chục nghìn người/ngày. Cho nên, người ta lo ngại việc hiện đại hóa các khu di sản, văn hóa thiên nhiên sẽ phá vỡ cảnh quan do ý đồ của nhà đầu tư là lợi nhuận, không chú ý đến bảo tồn.

Còn nếu như có cam kết chặt chẽ về việc xây cáp treo nhưng vẫn giữ được nét nguyên sơ của di sản, đảm bảo sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, giữa công nghiệp và môi trường văn hóa, tự nhiên thì đó là điều quá tốt, cũng là mơ ước của nhiều người vì ai cũng mong cho quê hương, đất nước mình giàu có, tươi đẹp lên. Nếu chỉ khai thác nhanh chóng trong những năm đầu để hoàn vốn, hủy diệt môi sinh ở đó thì địa phương mất đi một thế mạnh về kinh tế, người dân mất đi nguồn sống.

PV: Du khách không thể dùng cáp treo chỉ để đến một địa điểm, ngắm cỏ cây, hoa lá hay sông núi rồi đi về. Vậy thì theo ông, điểm đến cáp treo nói chung, tại Phong Nha – Kẻ Bàng nói riêng phải có điều gì mới có thể níu chân du khách?

PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Dân đến đó không chỉ ngắm cảnh, thư giãn mà còn phải ăn uống, giải trí, nghỉ ngơi. Do đó, chắc chắn sẽ phải có những điểm vui chơi, giải trí hấp dẫn, có nhà hàng, quán ăn.

Phía ngoài Phong Nha - Kẻ Bàng hiện nay đã có nhiều hệ thống quán ăn, ki-ốt phục vụ nhu cầu này. Khi làm cáp treo, lượng du khách sẽ nhiều hơn, do đó chắc chắn điểm đến cũng phải được tăng cường, xây dựng nhiều hơn các địa điểm vui chơi, ăn uống để phục vụ.

Khi có cáp treo, mỗi điểm dừng của cáp treo có thể cho kinh doanh, những ga dừng tỏa ra các điểm lưng chưng núi, ở đó có thể mở ra các ki ốt, nhà hàng. Điều này liên quan đến công tác quản lý địa điểm du lịch, đặc biệt công tác quản lý phải thống nhất, chặt chẽ khi đây là địa điểm nằm trong hệ thống di sản thế giới.

 “Không cốt nhanh, cốt nhiều, chỉ cốt hài hòa để bền vững”

PV: Để xóa bỏ tâm lý e ngại đó của dư luận, nhà đầu tư và các chuyên gia đầu ngành liên quan (chuyên gia quy hoạch, chuyên gia kiến trúc...) cần phải tính đến những phương án nào, thưa ông?

Vẻ đẹp của Hang Én.

Vẻ đẹp của Hang Én.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Khi làm cáp treo ở vùng di sản phải cân nhắc, phải tính toán kỹ nếu không di sản thiên nhiên đang phát triển yên bình, tự nhiên, bây giờ có cáp treo sẽ có nhiều người đi lại hơn, lượng người đến có thể lên tới vài chục nghìn người trong một ngày nhất là vào các dịp lễ, tết.

Họ không chỉ thăm quan dưới các hang động mà còn khám phá phần trên của các hang động thì rất có thể dẫn đến việc cảnh quan, môi trường tự nhiên, nguyên thủy vốn có bị phá vỡ. Nếu quản lý không tốt, rất có thể sẽ phản tác dụng. Đó là điều cần lưu ý. 

Đây là một công trình có tính chất ảnh hưởng lâu dài đến cả một di sản thiên nhiên thế giới. Tránh tình trạng chỉ giao cho nhà quản lý địa phương hoặc ông chủ thầu làm cáp treo, hai đơn vị chỉ nhìn ở góc độ kinh tế và hành chính thì rõ ràng việc xây dựng, quản lý, vận hành sẽ có nhiều điều bất hợp lý, phản cảm.

Tôi chỉ phân vân một điều nếu như lưu lượng khách đông, thì sẽ làm cho di sản thiên nhiên không còn hoang sơ, tự nhiên nữa mà sẽ bị tác động xấu bởi con người. Ví dụ chỉ cần du khách lên rồi vứt rác bừa bãi thôi, về mặt mỹ quan gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Nghiêm trọng hơn về mặt sinh thái, khi rác rưởi nhiều sẽ lấn át lớp cỏ cây, hoa lá.

Theo tôi, nếu mở cáp treo phải có quy định, quy chế rõ ràng về sử dụng cáp treo và các nguyên tắc, quy định khi con người đến thăm quan Phong Nha - Kẻ Bàng.

Tại Bhutan hay Myanmar, có rất nhiều di tích không cho quá nhiều người vào mà phải có lịch đặt trước. Các nước ấy quy định mỗi ngày, chỉ tiếp khoảng 300 khách tùy theo quy mô của từng di tích. Nhiều người sẽ chỉ trích rằng tại sao họ lại dại thế khi bao nhiêu người có nhu cầu, phải mua vé thắng cảnh... một nguồn thu rất lớn nhưng theo quan điểm của họ, mỗi di tích chỉ có đủ sức phục vụ một lượng người nhất định thì mới giữ được sự bền vững, ổn định.

Nếu bây giờ một di tích một ngày chỉ tiếp được 300 khách du lịch nhưng lại cho tận 3.000 khách vào thăm quan thì sẽ dẫn đến tình trạng quá tải. Có thể, trong một 2 tháng đầu vẫn duy trì được nhưng chỉ cần 5 - 7 tháng, môi trường sinh thái bị hủy diệt do con người đi lại vô ý, vứt rác bừa bãi, hơi người, tiếng nói, tiếng ồn... tất cả những điều này đều có thể tác động đến môi trường xung quanh.

PV: Vậy cần có phương án quản lý thế nào để giảm những tác động tiêu cực đến di sản, thưa ông?

PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Vấn đề này, trên thế giới người ta làm rất chặt nhưng liệu mình có làm được hay không dưới sức ép của nền kinh tế thị trường, của đơn vị đầu tư. Đó là câu hỏi cần được giải đáp. Nhu cầu của nhà đầu tư là phải thu hồi vốn, nếu mình khống chế lượng khách thì có được không? Mà nếu cứ để các công ty du lịch, nhà đầu tư khai thác tối đa để thu hồi vốn nhanh, nhiều thì chắc chắn sẽ phá vỡ hết sự cân đối của cảnh quan.

Phong Nha - Kẻ Bàng rất yên tĩnh, ở đó có khu rừng già, cây cối, cỏ cây hoa lá gần như nguyên sơ chưa có sự tác động của con người, nên cảnh quan vẫn phát triển theo đúng quy luật của tự nhiên. Nếu mình không lường trước được vấn đề đó mà cho đầu tư theo hợp đồng, không ký kết rõ ràng về tất cả các điều khoản thì rất đáng lo ngại.

Quy trình, kế hoạch, thiết kế xây cáp treo ở Phong Nha - Kẻ Bàng cũng nên cần có những hội thảo cấp quốc gia, quốc tế để lấy ý kiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước, lấy ý kiến người dân địa phương, nhà quản lý địa phương, nhà địa lý địa chất, ngành du lịch... để từ đó có cái nhìn toàn cảnh, đưa ra được những ý tưởng và những quy định cụ thể để quá trình vận hành cáp treo sau này đi vào nền nếp.

 Đây là một công trình có tính chất ảnh hưởng lâu dài đến cả một di sản thiên nhiên thế giới. Tránh tình trạng chỉ giao cho nhà quản lý địa phương hoặc ông chủ thầu làm cáp treo, hai đơn vị chỉ nhìn ở góc độ kinh tế và hành chính thì rõ ràng việc xây dựng, quản lý, vận hành sẽ có nhiều điều bất hợp lý, phản cảm.

Lúc làm rồi mà gây phản cảm thì sửa chữa rất khó, rất tốn kém. Người làm kinh tế thì họ muốn khai thác triệt để những vị trí, giá trị của hệ thống hang động, những người bảo vệ môi trường thiên nhiên, văn hóa lại muốn bảo vệ cảnh quan. Hoặc như lãnh đạo địa phương có nhiệm kỳ 5 năm chỉ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, khai thác tối đa, khách đến càng nhiều thì càng nhiều thành tích. Đến khi hết nhiệm kỳ sẽ để lại những vấn đề mà người sau phải giải quyết, di tích, di sản, danh lam cũng không còn điều kiện để hoạt động.

Do đó, để hài hoà giữa những điều này cần thiết có tọa đàm trao đổi và tham mưu cho lãnh đạo nhà nước các cấp để đưa ra được mô hình hợp lý nhất, cũng như có những quy định chặt chẽ trong quá trình khai thác, sử dụng. Rừng tự nhiên ở Phong Nha - Kẻ Bàng đã có từ hàng trăm năm rồi. Chỉ cần sai một ly, có muốn sửa lại cũng không được. Bởi rừng tự nhiên có 3 -5 tầng cây cối. Dù có trồng lại rừng nhân tạo cũng chỉ có 1 tầng cây, lớp cây này giữ đất không tốt, cũng không có sức hấp dẫn để thu hút những vị khách muốn thăm quan rừng già nhiệt đới.

PV: Từ các công trình cáp treo ở Yên Tử, Phanxipang..., chúng ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm nào cho việc xây cáp treo vào Phong Nha Kẻ Bàng, thưa ông?

PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Nhiều công trình cáp treo chỉ làm 1 đoạn, từ đó lên tới điểm đến còn 1 đoạn dài là những bậc đá. Một số hệ thống cáp treo ở di tích, danh lam thắng cảnh ở Việt Nam nhìn chung rất tốt, vì giúp cho con người tham gia vào các hoạt động sinh hoạt văn hóa một cách thuận lợi, nhanh chóng hơn, tạo điều kiện cho nhiều du khách có cơ hội tiếp cận những di sản thiên nhiên.

Tuy nhiên, quá trình làm cáp treo cần có những cân nhắc tính toán ví dụ như điểm ga đầu tiên dưới mặt đất làm sao bố trí tương đối rộng rãi, thoáng mát, tránh tình trạng quá chật chội. Như ga lên Yên Tử, có lúc người lên chen nhau không còn chỗ. Tất nhiên các nhà kỹ thuật sẽ biết chọn vị trí có kết cấu đảm bảo như nền đá cứng, độ dốc thế nào, có đủ chiều nghiêng đi lên của cáp treo hay không. Thế nhưng cũng cần không gian đủ thoáng.

Làm sao hạn chế tối đa việc tác động đến môi trường tự nhiên. Giữa đầu tư hệ thống cáp treo và bảo tồn di tích văn hóa phải hết sức lưu ý. Tính toán lượng người, phải có dự kiến trước. Ngọn núi cũng có lịch sử của nó. Không vì việc xây dựng những ga cáp treo mà phá vỡ cảnh quan, cần tận dụng núi đá, vách đá để làm chứ không nên chặt cây, san rừng, san núi.

Đầu tư hệ thống cáp treo vừa với lưu lượng người đến thăm quan thì tốt hơn. Tránh tình trạng quá tải, đặc biệt trong những ngày hội, như cáp treo lên Yên Tử, do đầu tư cabin 15 người, dồn dập chục cabin đưa du khách lên sẽ khiến lượng người trở nên rất đông. Cho nên phải tính toán kỹ lưỡng, không cốt nhiều, nhanh, đông mà cốt sự hài hòa thì mới có thể bảo tồn di tích, đồng thời có thể hấp dẫn người dân mãi mãi.

 Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top