Aa

Thực thi tốt chính sách vĩ mô, thị trường bất động sản sẽ chuyển động tích cực

Thứ Ba, 28/03/2023 - 07:39

"Nếu những chính sách vĩ mô mà Chính phủ đưa ra được thực thi kịp thời và hiệu quả, thị trường sẽ có sự chuyển động tích cực từ cuối năm 2023 và phục hồi, phát triển trong năm 2024", ông Nguyễn Thế Điệp nhận định.

Sau thời gian ảm đạm, thị trường địa ốc đã đón nhận những tín hiệu tích cực hơn. Ngày 11/3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33 về thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Ngay sau đó, ngày 14/3, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm lãi suất điều hành từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm, theo Quyết định số 313/QĐ-NHNN và Quyết định số 314/QĐ-NHNN về việc điều chỉnh một số hệ số điều hành. Từ đó lãi suất cho vay dự báo sẽ giảm theo, hy vọng tác động tích cực hơn tới thị trường nhà đất thời gian tới.

Tuy nhiên, trước mắt thị trường bất động sản vẫn rất khó khăn và trông chờ các chính sách vĩ mô được thực thi quyết liệt trong thực tiễn.

Trong báo cáo gửi cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá quý I ngày 24/3, Bộ Tài chính cho biết, từ giữa quý III đến hết quý IV/2022, tình hình thị trường bất động sản có dấu hiệu khó khăn, thanh khoản giảm và kéo dài sang quý I/2023, đặc biệt các dự án bất động sản nghỉ dưỡng gần như không có thanh khoản. Bộ Tài chính dự báo thị trường bất động sản vẫn tiếp tục xu hướng ảm đạm cả về giá, nhu cầu và sức mua trong quý II,III/2023.

Trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết, đúng là thị trường bất động sản đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách.

“Hiện điểm nghẽn lớn nhất của thị trường bất động sản vẫn nằm ở câu chuyện nguồn vốn và pháp lý. Cả ba dòng vốn huy động từ cổ phiếu, trái phiếu và tín dụng ngân hàng đều khó tiếp cận, đất không bán được nên đa phần các doanh nghiệp đều cầm cự nhờ tích lũy. Về pháp lý, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ, nhưng vẫn cần có những giải pháp đồng bộ, tránh trường hợp manh mún, gỡ được chỗ này nhưng lại khó chỗ khác. Vẫn có nhiều dự án chưa thể thực hiện vì thiếu vốn hay vướng mắc pháp lý”, ông Điệp nói.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội (Ảnh: Tùng Dương/Reatimes)

Trước những khó khăn ấy, ông Nguyễn Thế Điệp tin tưởng thị trường sẽ có sự chuyển động tích cực từ giai đoạn cuối năm 2023 và phục hồi, phát triển trong năm 2024, nếu những chính sách vĩ mô mà Chính phủ đưa ra được triển khai quyết liệt.

“Thị trường bất động sản Việt Nam sẽ còn phát triển, bởi chúng ta đang ở trong giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ. Nhu cầu sở hữu nhà ở, an cư của các gia đình trẻ rất lớn, đặc biệt là ở những đô thị lớn. Nhu cầu đầu tư của thị trường cũng rất lớn, đặc biệt là xu hướng mua nhà cho thuê sẽ là xu hướng tất yếu khi vừa được hưởng lợi nếu thị trường đi lên, vừa có dòng tiền thụ động hàng tháng.

Vừa qua, thị trường đón nhận Nghị quyết 33/NQ-CP nhằm tháo gỡ toàn diện, từ trái phiếu, chứng khoán cho đến nguồn vốn tín dụng cho ngành bất động sản. Đây là những chỉ đạo tháo gỡ rất kịp thời và đứng trước một loạt chính sách vĩ mô như thế, tâm lý của thị trường cũng được xoa dịu. Nhưng quan trọng là có cơ chế thúc đẩy việc thực thi trong thực tế.

Có thể khẳng định, nếu có những cơ chế chính sách mang tính đồng bộ và thực thi tốt thì thị trường sẽ hồi phục rất nhanh chứ không như chúng ta đang lo lắng”, ông Điệp nêu quan điểm.

Thông tin các ngân hàng giảm lãi suất cũng là tín hiệu tích cực của thị trường địa ốc. Mới đây, việc các ngân hàng giảm mặt bằng lãi suất tiền gửi về dưới 7%/năm được các chuyên gia tài chính đánh giá là sẽ kéo lãi suất cho vay về mức 10%/năm và hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư hay cá nhân vay mua bất động sản để ở.

“Nghị quyết 33 cũng nhắc đến mục tiêu giảm lãi suất và tôi cho đây là chính sách vĩ mô rất kịp thời. Khi giá vốn giảm, chắc chắn giá thành bất động sản cũng sẽ giảm theo”, ông Điệp nói.

Những chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển cân đối hơn. (Ảnh: Người Lao động)

Bên cạnh đó, hiện phân khúc chung cư trung bình, nhà ở xã hội rất khan hiếm ở các đô thị lớn. Ngay trong giai đoạn thăng trầm nhất hiện nay, cung vẫn không đủ cầu. Tại sao nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nhưng doanh nghiệp không có động lực để làm?

Theo ông Điệp, nên để hoạt động đầu tư xây dựng vận hành theo cơ chế thị trường thì doanh nghiệp mới có động lực phát triển. Chẳng hạn ở Hà Nội và TP.HCM, có thể quy định nhà dưới 20tr/m2 được coi là nhà ở xã hội, còn lại để doanh nghiệp tự cân đối và có chiến lược phát triển rõ ràng. Nhà nước chỉ cần tạo điều kiện về cơ chế, chính sách đất đai và tháo gỡ pháp lý để khuyến khích, thúc đẩy phân khúc này phát triển, còn các phân khúc khác có thể để thị trường điều tiết.

Hãy để hoạt động của doanh nghiệp được vận hành theo cơ chế thị trường, chịu trách nhiệm từ khi xây dựng cho đến khi bán được hàng. Người dân được chọn căn, chọn tầng… chứ không phải bốc thăm như hiện nay.

Mặt khác, chất lượng nhà ở xã hội nhiều chỗ chưa cao, là vì chúng ta vẫn tồn tại cơ chế xin - cho, nên doanh nghiệp xây dựng xong, bàn giao cho địa phương là hết trách nhiệm. Cuối cùng, trách nhiệm cũng không phải của Nhà nước, chính quyền địa phương hay chủ đầu tư. Chúng ta phải thay đổi cơ chế này và dành cho doanh nghiệp quyền chủ động hơn.

Ngoài ra, ông Điệp nhấn mạnh, ngành bất động sản phụ thuộc nhiều vào cơ chế chính sách. Doanh nghiệp rất mong được tháo gỡ pháp lý, để có thể đẩy nhanh tiến độ, vì thời gian thực hiện càng ngắn, giá vốn càng giảm, đồng thời có thêm nguồn cung đáp ứng nhu cầu của thị trường thì tự thị trường bất động sản sẽ tự điều tiết để giảm về giá phù hợp.

“Đến giờ phút này thì không thể chần chừ, các cấp chính quyền phải thực sự vào cuộc, sâu sát tới từng doanh nghiệp cụ thể, nhằm tháo gỡ cho những doanh nghiệp tốt nhưng đang gặp những vướng mắc khách quan.

Chúng ta đã có những chính sách vĩ mô rất tốt, nhưng cần rút ngắn khoảng cách giữa cơ chế chính sách với thực tiễn. Chính sách tốt kết hợp với những con người thực thi sâu sát thì cơ hội để thị trường bất động sản hồi phục là rất lớn”, ông Điệp khẳng định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top