Aa

Ngân hàng có vốn nhưng doanh nghiệp nhỏ vẫn rất khó tiếp cận

Thứ Năm, 16/03/2023 - 05:56

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho biết, ngành Ngân hàng khẳng định là có vốn nhưng DNNVV rất khó tiếp cận, nguyên nhân từ cả 2 phía.

Tại Hội nghị các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh diễn ra ngày 15/3, bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho biết: Ngành Ngân hàng khẳng định là có vốn nhưng DNNVV rất khó tiếp cận, nguyên nhân từ cả 2 phía.

Mở thêm cơ hội để DNNVV tiếp cận dòng tiền

Theo Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), hiện hầu hết các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tham gia cho vay đối với khu vực DNNVV, bình quân giai đoạn 2018 - 2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng DNNVV phần lớn tập trung vào khu vực thương mại và dịch vụ (56,29%); công nghiệp và xây dựng (40,85%). Các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước đang cho vay DNNVV chiếm 48,05%; khối NHTM cổ phần cho vay chiếm 47,43%; khối ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, công ty tài chính và ngân hàng hợp tác xã tham gia cho vay 4,52%.

Mặc dù DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng và được NHNN triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông, quy mô vốn tín dụng ngày càng lớn, vẫn còn nhiều doanh nghiệp phản ánh khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay đối  với DNNVV vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Nguyên do không đáp ứng được điều kiện cho vay của các ngân hàng về vốn, phương án kinh doanh không khả thi, thiếu tài sản bảo đảm...

Theo bà Bùi Thu Thủy, thông thường, năng lực của DNNVV hạn chế, kĩ năng quản lý dòng tiền thậm chí có những doanh nghiệp vay ngắn hạn, đầu tư vào dài hạn. “Có những chủ doanh nghiệp còn không thể đọc được bảng báo cáo tài chính vì thế họ rất lệ thuộc vào cán bộ tài chính. Nếu không có cán bộ tin cậy, có thể mất cân đối tài chính trong một khoảng thời gian, không kiểm soát được hoặc không minh bạch chứng từ, uy tín thấp nên quan hệ với ngân hàng cũng thấp”, đại diện Cục phát triển doanh nghiệp chia sẻ. 

Nếu như trước kia, nhiều ngân hàng có tâm lý e ngại cho vay trong khu vực DNNVV vì chi phí tài chính, quản lý rất mất công, mất chi phí quản lý trong khi cho các doanh nghiệp lớn, món vay ra tấm ra món và uy tín lớn hơn thì nay, hệ thống ngân hàng đã có nhiều hướng thay đổi để gỡ khó cho doanh nghiệp. Hiện, nhiều ngân hàng còn thành lập các bộ phận chuyên phục vụ cho DNNVV, có những ngân hàng đã thiết kế các khoản vay phù hợp cho quy mô của DNNVV. 

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Trong bối cảnh chuyển đổi số, nhiều mô hình cho vay, liên quan đến hệ thống thì có những sáng tạo trong các món vay để DNNVV có cơ hội tiếp cận nhiều hơn; nhiều tổ chức quốc tế có các dự án cho vay tập trung cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo… Đó là những cơ hội để DNNVV có thể tiếp cận.

Tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Từ cuối năm 2022 và bắt đầu từ năm nay, NHNN đã rất tích cực chỉ đạo, điều tiết tiền tệ, kêu gọi sự đồng thuận của các TCTD để giảm lãi suất. 

“Mới đây, NHNN đã giảm lãi suất điều hành; đồng thời cố gắng giảm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, giảm đến mức nào? các công cụ chính sách nào thì cũng cần cân nhắc cụ thể bởi vì nhiệm vụ của NHNN không chỉ kiềm chế lạm phát, điều hành để giảm mặt bằng lãi suất, NHNN còn có nhiệm vụ ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn thanh khoản cho hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đây cũng là những mục tiêu rất quan trọng, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam. Rất nhiều nhiệm vụ mà NHNN phải cân đối hài hòa, tạo điều kiện, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp”, Thống đốc NHNN cho biết.  

Khánh Hoà xuất khẩu cá ngừ đại dương giảm 30%.Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN

Ngành Ngân hàng tập trung nhiều giải pháp tháo gỡ

Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội kiến nghị: Để tạo thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn, các ngân hàng có thể linh hoạt cho DNNVV vay những gói tín dụng nhỏ.

“Chúng tôi đề xuất đưa ra những tiêu chuẩn cao về tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh, sổ sách lịch sử thì có thể nâng cao tín chấp thông qua phương án kinh doanh. Ngoài ra, cần có chỉ đạo từ phía NHNN về việc nâng cao tỷ lệ vay tín chấp dựa vào dòng tiền ra, vào của DNNVV, phương án sản xuất kinh doanh” bà Ngân đề xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, thời gian qua, NHNN và các NHTM đã có rất nhiều nỗ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. “Nên chăng NHNN đề nghị Chính phủ cho các điều kiện cho phép NHNN nới lỏng một số điều kiện cho vay đối với DNNVV. Thời gian qua, những chính sách giảm lãi, gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp... chúng ta đã làm hết rồi. Câu chuyện ở đây muốn giúp DNNVV, cần có sự đồng hành từ Chính phủ xuống, thông qua NHNN rồi mới đến các NHTM để làm sao giảm điều kiện cho vay xuống và phải được Chính phủ cho phép”, ông Nguyễn Văn Thân kiến nghị.

Để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho DNNVV trong thời gian tới, ngành Ngân hàng tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho người dân, doanh nghiệp.

Trong đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DNNVV tiếp cận vốn; phối hợp với các bộ, ngành trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV tại Luật Hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn thông qua Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương.

Ngành Ngân hàng cũng đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có đối tượng thụ hưởng là DNNVV; chỉ đạo các TCTD tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.

Đồng thời, tiếp tục triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh doanh theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ, trong đó đẩy mạnh triển khai với quyết tâm cao nhất chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ; đa dạng các hình thức triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc của DNNVV.

Ngành Ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng cần phải đặt trong tổng thể các chính sách hỗ trợ DNNVV, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan, bộ, ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đa số các DNNVV khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập, mới gia nhập các ngành, lĩnh vực kinh tế mới. Do đó, TCTD không có dữ liệu lịch sử hoạt động, không thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Các TCTD khó khăn trong việc quản lý dòng tiền do nhiều DNNVV chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng. DNNVV tthời gian qua đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn; mặc dù được các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định thông thường nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do bị chuyển nhóm nợ, nên khó tiếp cận vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh; hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn trong kho không xuất được; bị khách hàng chiếm dụng vốn, công nợ cao....

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top