Trong công văn này, ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng trong suốt thời gian là tâm dịch từ cuối tháng 7/2020, TP. Đà Nẵng bị phong tỏa nên mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn bị đóng băng.
Mặc dù ngành ngân hàng thành phố đã hết sức nỗ lực chia sẻ khó khăn với khách hàng, tuy nhiên trong điều kiện dịch bệnh còn kéo dài và diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức tín dụng trên địa bàn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Đặc biệt, Đà Nẵng là thị trường trọng điểm của ngành du lịch, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, bất động sản, xây dựng... do đó, khi dịch bệnh xảy ra từ đầu năm và âm ỉ bùng phát đến lúc này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng về doanh thu của doanh nghiệp cũng như thu nhập của người lao động do giảm giờ làm, giảm lương thậm chí là thất nghiệp.
Tính đến giữa tháng 8/2020, toàn thành phố có hơn 56.000 lao động bị mất việc, trong đó có 44.000 lao động ở khối ngành du lịch, dịch vụ. Trong tháng 8/2020 có gần 3.500 lao động phải cách ly tập trung; 1.800 lao động bị cách ly tại nhà do liên quan đến dịch bệnh Covid-19.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Đà Nẵng, tính sơ bộ trong tháng 8/2020, tổng lượt khách lưu trú ước đạt 2.843 lượt, giảm 99,5% so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 15,4 tỷ đồng, giảm 97,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tháng 8/2020, tất cả các tour du lịch đều bị hủy, doanh thu du lịch lữ hành không phát sinh. Cộng dồn 8 tháng đầu năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt gần 9.136 tỷ đồng, bằng 68,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với hoạt động lưu trú, ăn uống, hoạt động vận tải cũng gặp rất nhiều khó khăn, các dịch vụ liên quan như kho bãi, khai thác cảng biển chịu nhiều ảnh hưởng. Tổng doanh thu ngành vận tải 8 tháng đầu năm ước đạt 10.635 tỷ đồng, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP trên địa bàn ước giảm 10,8% so với cùng kỳ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đạt 1.719 triệu USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Để hỗ trợ toàn diện cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn theo tinh thần của UBND TP. Đà Nẵng, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quan tâm, có cơ chế riêng về giải pháp hỗ trợ các khách hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Đà Nẵng bị ảnh hưởng trong giai đoạn này.
Ông Võ Minh cho biết thêm: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng đã tổng hợp các ý kiến của các tổ chức tín dụng trên địa bàn về nhu cầu cần được hỗ trợ và xin đề xuất cụ thể cho khách hàng trên địa bàn TP. Đà Nẵng như sau:
- Xem xét điều chỉnh mở rộng thêm đối tượng được áp dụng Thông tư 01 cho các khoản giải ngân sau ngày 23/01/2020 và phát sinh nghĩa vụ trả nợ từ 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 6 đến 12 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch.
- Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Hội sở tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phần nào trong dịch Covid-19 và giữ nguyên nhóm nợ của tất cả các khoản vay đến hạn.
- Đối với khoản cho vay mới: Có sản phẩm, cơ chế đặc thù riêng cho khu vực Đà Nẵng với lãi suất ưu đãi để đẩy mạnh việc phát triển kinh tế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Hiện, dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. Đà Nẵng là 175.000 tỷ đồng, trong số này có 56.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng do ảnh hưởng từ 2 đợt dịch Covid-19. Đến cuối tháng 7/2020, ngành ngân hàng ở TP. Đà Nẵng đã tiến hành cơ cấu lại nợ và tiến hành miễn giảm lãi cho khách hàng với tổng số tiền khoảng 11.500 tỷ đồng. Đã có 3.710 khách hàng được cơ cấu lại nợ và thực hiện miễn, giảm lãi suất 26 tỷ đồng cho khách hàng…