Aa

TS. Nguyễn Trí Hiếu: “Lãi vay mua nhà ở xã hội vẫn cao đối với người lao động nghèo“

Thứ Tư, 05/04/2023 - 06:12

Đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành và giảm trần lãi suất huy động, TS. Nguyễn Trí Hiếu vẫn cho rằng cần cho thêm thời gian để khẳng định hiệu quả từ quyết định này.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố chỉ đạo điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành. Mặc dù cần thêm thời gian để có thể tác động đến mặt bằng lãi suất cho vay đối với người dân và doanh nghiệp, nhưng đây cũng là tin vui cho các thành phần kinh tế đang chịu áp lực lãi suất cao thời gian qua.

Theo đó, lãi suất tái cấp vốn sẽ giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1,0%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.

Trước đó, các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành từ ngày 15/3. Như vậy, đây là đợt giảm lãi suất lớn thứ hai chỉ trong vòng 2 tuần qua, cho thấy nỗ lực hỗ trợ các thành phần trong nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay nhằm thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế Quốc hội và Chính phủ đặt ra. Qua đó, tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Chia sẻ với Reatimes, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, đây là lần thứ hai trong tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước tiến hành hạ lãi suất điều hành, tái khẳng định quan điểm các tổ chức tín dụng sẽ đồng hành với doanh nghiệp và người dân trong thời gian tới.

"Từ ngày 3/4, một mức lãi suất điều hành được điều chỉnh, tức lãi suất tái cấp vốn sẽ giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm. Còn lãi suất thương mại huy động từ 1 tháng đến dưới 6 tháng cũng giảm 0,5%. Như vậy lần này Ngân hàng Nhà nước không chỉ hạ lãi suất điều hành mà còn giảm cả trần lãi suất huy động xuống, nên có thể xem đây là một chính sách nới lỏng tiền tệ và động thái này dĩ nhiên sẽ có ít nhiều tác động tích cực tới các thành phần kinh tế".

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất, doanh nghiệp và người dân thuận lợi hơn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Ảnh: Ngọc Thắng/Thanh Niên

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, vẫn cần thời gian để lãi suất điều hành tác động đến lãi suất cho vay. Cũng cần lưu ý, lãi suất điều hành trên thị trường là lãi suất liên ngân hàng chứ không phải lãi suất trên thị trường huy động vốn và cho vay.

"Từ đó, việc tác động đến mặt bằng lãi suất cho vay đối với người dân và doanh nghiệp sẽ có độ trễ nhất định, phải qua thêm một số công đoạn nữa, thành ra động thái này mới chỉ gián tiếp chứ không trực tiếp tác động đến mặt bằng lãi suất cho vay. Hơn nữa, mức giảm không nhiều như trước đây nên theo tôi sẽ không có tác động nhiều lắm. Hiện một số ngân hàng vẫn cần vốn nên sẽ giữ lãi suất huy động cao, dẫn tới lãi suất cho vay thời gian tới khả năng vẫn cao", ông Hiếu nói.

Trước những diễn biến mới, các chuyên gia vẫn đồng tình, phía Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã nỗ lực điều hành lãi suất linh hoạt, giảm lãi suất, hiện thực hóa cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là những động thái hỗ trợ thị trường bất động sản.

Trước đó, tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản chính thức hướng dẫn triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo bắt đầu triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ảnh: Toàn Thắng/VGP

Chỉ 2 ngày sau (1/4), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 1/4/2023 hướng dẫn và yêu cầu triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP.

Đối tượng vay vốn là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định.

Về nguyên tắc cho vay: Khách hàng phải đáp ứng các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng; đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật.

Mỗi người mua nhà chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại chương trình này 01 lần để mua 01 căn hộ tại dự án thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định, mỗi dự án của chủ đầu tư chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại Chương trình này 1 lần.

Thời gian triển khai: Thời hạn giải ngân của chương trình đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng nhưng không quá ngày 31 tháng 12 năm 2030.

Thời gian ưu đãi: Đối với chủ đầu tư: áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu.

Đối với người mua nhà: áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 5 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu.

Lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi: Lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm; Lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với người mua nhà là 8,2%/năm.

Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 6 tháng, NHNN thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia chương trình.

Lãi suất cho vay khi hết thời gian ưu đãi: Ngân hàng thương mại và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và được xác định rõ hoặc nêu rõ cách xác định tại thỏa thuận cho vay ký kết giữa ngân hàng và khách hàng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh, người mua nhà trong gói 120.000 tỷ đồng ngoài lãi suất ưu đãi sẽ còn được hưởng cơ chế linh hoạt, thông thoáng. Ngân hàng không đặt ra các điều kiện gì khác nhưng yêu cầu đối tượng vay vốn phải thuộc các phân khúc hỗ trợ mà gói tín dụng đặt ra. Phía ngân hàng sẽ có biện pháp để tránh tình trạng trục lợi và mỗi người chỉ được vay một lần cho một căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã và đang nghiên cứu, đề xuất để có một cơ chế chính sách về việc giãn, hoãn nợ cho những đối tượng, doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền xuất phát từ lý do khách quan. Nếu có thêm nguồn vốn hỗ trợ tương tự có thể sẽ hỗ trợ được các doanh nghiệp vượt qua.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trong tình hình hiện tại, tạm thời có thể chấp nhận được mức lãi suất khởi đầu 8,7%/năm cho chủ đầu tư, 8,2%/năm cho người mua nhà và cứ 6 tháng một lần điều chỉnh lãi suất. Mức lãi suất này có thể hỗ trợ thị trường trong bối cảnh lãi suất cho vay rất cao hiện nay.

Tuy nhiên, mức 8,2%/năm vẫn cao đối với người thu nhập thấp, lao động nghèo, hơn nữa nếu thời hạn cho vay ngắn thì có lẽ chỉ người thu nhập trung bình trở lên mới chi trả được.

"Mức hợp lý theo tôi phải là 5% - 7%/năm, nhưng các ngân hàng rất khó để cho vay ở mức ưu đãi này. Có lẽ nên xem xét trở lại với cách làm như gói 30.000 tỷ đồng đã áp dụng trước đây, đó là Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng với lãi suất thấp 3% để các ngân hàng thương mại cho vay ra 5%/năm.

Bên cạnh đó, lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng 5 năm, sau đó ngân hàng sẽ thỏa thuận lãi suất mới, thì rất rủi ro cho người đi vay nếu lãi suất ở tương lai cao. Gói này có thể hỗ trợ tốt cho người mua nhà nhưng khi lãi suất tương lai đang để mở, thậm chí 6 tháng điều chỉnh một lần thì chưa có gì bảo đảm giữ được như cũ. Ngân hàng cần có cam kết rõ ràng hơn thông qua việc đặt ra trần lãi suất cho vay cố định và không được vượt quá 10% trong suốt thời gian cho vay. Đồng thời, cần nêu rõ thời gian cho vay là 10 - 15 hay 20 năm?", TS. Hiếu cho biết thêm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top