Aa

Ngân hàng nội đối mặt với nguy cơ thiếu vốn

Thứ Ba, 12/05/2020 - 17:15

Nợ quá hạn tăng trong mùa Covid-19 sẽ gây ảnh hưởng xấu tới kết quả kinh doanh và khả năng tăng trưởng vốn của nhiều ngân hàng tại Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế đang lao đao vì dịch bệnh.

Fitch Ratings: Nợ quá hạn sẽ tăng

Nhận định nói trên được hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đưa ra trong bối cảnh nhiều ngân hàng tại Việt Nam đang tham gia vào quá trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19. Hoạt động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng mà không giới hạn ngành nghề, loại hình theo quy định của Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ làm gia tăng các khoản nợ quá hạn trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Trước đó, tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp hôm 9/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết đến tính đến ngày 8/5, hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng. Đồng thời, các ngân hàng đã miễn, giảm và hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng với dư nợ 1,08 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt khoảng 630.000 tỷ đồng cho khoảng 182.000 khách hàng. Mức lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch; miễn, giảm phí thanh toán khoảng 1.004 tỷ đồng.

Fitch đánh giá các ngân hàng Việt Nam có mức tăng trưởng nợ quá hạn trong quý 1 ở mức 45% so với cuối năm 2019. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Fitch Ratings, các ngân hàng Việt Nam được hãng này đánh giá tín nhiệm đã có mức tăng trưởng các khoản nợ quá hạn trong quý 1 ở mức 45% so với cuối năm 2019, trong bối cảnh nền kinh tế đang bị đình trệ, chỉ tăng trưởng ở mức 3,8% trong quý 1 (mức thấp nhất kể từ năm 2013). Các khoản nợ quá hạn này được dự báo sẽ còn tăng mạnh hơn nữa khi triển vọng kinh tế vẫn ảm đạm do nhu cầu toàn cầu yếu. Fitch trước đó đưa ra dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 3,3% vào năm 2020, so với mức 7,0% trong năm 2019, trước khi phục hồi tăng tốc lên 7,3% vào năm 2021.

Gần 5 triệu người, tương đương gần 10% dân số trong độ tuổi lao động, được cho là đã chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch dẫn tới mất việc làm. Fitch cho rằng điều này báo hiệu rủi ro suy giảm các khoản cho vay bán lẻ - vốn đóng góp tới 40% trong tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng.

Tỷ trọng cho vay bán lẻ đã tăng gần gấp đôi, từ 23% hồi cuối năm 2014 tới 40% vào cuối năm ngoái. Các khoản vay này chủ yếu bao gồm các khoản cho vay thế chấp và cho vay kinh doanh cá nhân được đảm bảo bằng tài sản. Trong trường hợp người đi vay không còn khả năng trả nợ, các tài sản này có thể được đem bán để thu hồi vốn. Tuy nhiên, quá trình xử lý nợ có thể kéo dài và gặp cản trở bởi khung pháp lý xử lý nợ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Tăng cường các khoản dự phòng rủi ro

Giống như nhiều ngân hàng trong khu vực, một số ngân hàng Việt Nam đã áp dụng các biện pháp cần thiết để tăng cường các khoản dự phòng rủi ro nhằm bảo vệ bảng cân đối kế toán. Các biện pháp này vẫn được thực hiện dù các chính sách hỗ trợ của NHNN trong mùa dịch cho phép các ngân hàng này giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Fitch cho rằng nếu các ngân hàng tiếp tục áp dụng các biện pháp dự phòng lên các khoản vay mới có nguy cơ trở thành nợ xấu, các ngân hàng này có thể sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt vốn lên tới 2,5 tỷ đô la (tương đương 27% vốn chủ sở hữu cuối năm 2019), nhằm đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Basel II là 8%. Trong đó, các ngân hàng quốc doanh sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt vốn lớn nhất.

Trên toàn hệ thống, tình trạng thiếu vốn sẽ còn cao hơn nhiều, vì các ngân hàng được Fitch xếp hạng chỉ chiếm 27% cho vay trên toàn hệ thống.

Tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng Việt, theo một bài kiểm tra sức chịu đựng của Fitch, được giả định có thể tăng thêm từ 6 - 9%, so với mức tăng 0,5 - 1,2% vào cuối năm 2019, với biên lợi nhuận giảm 70 - 80 điểm cơ bản. Biên lợi nhuận giảm sẽ xảy ra nếu NHNN tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ và yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục hạ lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, Fitch cho rằng tác động của đại dịch đối với lợi nhuận của các ngân hàng sẽ ở mức vừa phải vì các ngân hàng có thể tận dụng các chính sách hỗ trợ của NHNN để giảm sự biến động về doanh thu nếu các căng thẳng kinh tế trở nên rõ nét hơn. Một số ngân hàng còn có thể tiếp tục bán nợ xấu cho VAMC, cho phép khấu hao chi phí dự phòng trong vòng năm năm nhằm hạn chế hơn nữa tác động trong ngắn hạn đối với doanh thu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top