Aa

Ngân hàng sẵn sàng tái cơ cấu nợ, tiếp sức doanh nghiệp phục hồi

Thứ Ba, 02/07/2024 - 13:47

Các chuyên gia đánh giá việc Thông tư 02 được gia hạn đến hết 31/12/2024 sẽ tiếp tục góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp khách hàng giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện quay vòng vốn.

Ngân hàng sẵn sàng tái cơ cấu nợ, tiếp sức doanh nghiệp phục hồi- Ảnh 1.

Ngân hàng sẵn sàng tái cơ cấu nợ, tiếp sức doanh nghiệp phục hồi. (Ảnh: Vietnam+)

Ngân hàng Nhà nước vừa đồng ý gia hạn thời gian triển khai Thông tư 02 gia hạn nợ cho doanh nghiệp đến hết năm nay.

Theo các chuyên gia, động thái này của nhà quản lý sẽ giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian cơ cấu lại sẽ có chọn lọc.

Ngân hàng và doanh nghiệp dễ thở hơn

Trong thời gian qua, áp lực nợ xấu ngân hàng ngày càng tăng, đến từ khó khăn trả nợ của khách hàng. Dù ngân hàng đã nỗ lực xử lý, nhưng do thanh khoản của thị trường bất động sản yếu nên việc thanh lý tài sản đảm bảo giai đoạn này rất khó khăn.

Chính vì vậy, các chuyên gia đánh giá, việc kéo dài thời gian thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 đến hết 31/12/2024 sẽ tiếp tục góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, giúp khách hàng giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới, có thêm nguồn lực đầu tư, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dung.

Tiến sỹ Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia đánh giá, việc tiếp tục gia hạn thời gian cơ cấu nợ là hoàn toàn đúng đắn. Tuy đơn hàng của doanh nghiệp đã cải thiện hơn, nhưng chưa đồng đều ở các ngành nghề. Nhiều doanh nghiệp sức khỏe còn yếu cần hỗ trợ về vốn. Song nếu chỉ giảm lãi suất là chưa đủ mà phải tạo điều kiện thuận lợi để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và giãn, hoãn nợ là giải pháp phù hợp cải thiện vấn đề này.

Là người trong cuộc, ông Đỗ Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ngân hàng VietinBank cho hay: "Việc kéo dài Thông tư 02 là cần thiết trong bối cảnh rất nhiều khách hàng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong giai đoạn 2024-2025. Người đi vay có thêm thời gian để thực hiện các nghĩa vụ nợ trong khi chờ nền kinh tế phục hồi hoàn toàn vào thời điểm thích hợp. Với việc gia hạn Thông tư 02, cũng có thể giúp giảm áp lực xử lý nợ xấu cho phía ngân hàng và tạo điều kiện thuận lợi cho phía các doanh nghiệp cho dù chỉ kéo dài thêm 6 tháng."

Còn ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB) cho rằng quyết định kéo dài Thông tư 02 giải quyết được cơ bản các khó khăn của doanh nghiệp đã và đang có nhu cầu cơ cấu trong giai đoạn tới. Lãnh đạo MB hy vọng đến hết năm, kinh tế trong nước và thế giới có chuyển biến tích cực, đi vào ổn định cùng với giải pháp của ngân hàng khả năng phục hồi của doanh nghiệp sẽ tốt hơn.

Theo ông Ánh, khi thực hiện cơ cấu nợ, ngân hàng vẫn trích dự phòng như bình thường, chỉ khác là nhóm nợ của khách hàng vẫn được giữ để đảm bảo được quan hệ tín dụng đối với các ngân hàng.

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Bảo Toàn - lãnh đạo chuỗi doanh nghiệp Hảo An Phát, Phú An Phát và Bảo An Phát cũng chia sẻ áp lực lãi suất và trả nợ ngân hàng luôn là mối lo đè chặt trên vai doanh nghiệp. Hậu quả của dịch COVID-19 làm ‘tê liệt’ nền kinh tế vẫn là những thách thức, khó khăn chưa được giải quyết đối với hầu hết doanh nghiệp, nay tiếp tục là những tác động tiêu cực từ tình hình kinh tế toàn cầu đối với thị trường tiêu thụ khiến cho doanh nghiệp đau đầu đối diện với tình cảnh tồn kho thép, nợ đọng do khách hàng của chính mình cũng khó khăn tài chính.

Ngân hàng sẵn sàng tái cơ cấu nợ, tiếp sức doanh nghiệp phục hồi- Ảnh 2.

Thông tư 02 được gia hạn giải quyết được cơ bản các khó khăn của doanh nghiệp đã và đang có nhu cầu cơ cấu trong giai đoạn tới. (Ảnh: Vietnam+)

“Hiện nay doanh nghiệp đang xoay xở, tìm kiếm nhiều nguồn lực tài chính, kể cả từ các quỹ tín dụng đầu tư, nhưng đi vay để trả nợ là điều bần cùng bất đắc dĩ. Do đó, việc giãn, hoãn thời hạn trả nợ vay mà Ngân hàng Nhà nước mới công bố chắc chắn sẽ rất hữu ích giúp doanh nghiệp có thêm thời gian tìm kiếm đơn hàng, mang lại doanh thu về cho công ty và có thêm tài chính để trang trải các khoản nợ,” ông Toàn nhấn mạnh.

Sẽ có chọn lọc

Thực tế, việc kéo dài hiệu lực Thông tư 02 là nguyện vọng của cả ngân hàng và doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, cầu tín dụng yếu, việc đưa ra giải pháp mang tính đặc thù như kéo dài thời gian cơ cấu nợ là cần thiết để giãn áp lực tài chính cho khách hàng, giúp họ có thêm thời gian phục hồi kinh doanh, cải thiện năng lực trả nợ trong tương lai.

Tuy nhiên những chính sách như Thông tư 02 mang tính chất đặc thù, thời điểm, không nên duy trì quá lâu sẽ ảnh hưởng đến thông lệ, quy chuẩn của ngân hàng. Cụ thể ở đây là tiềm ẩn rủi ro hệ thống khi nợ xấu không được phản ánh một cách chính xác do nợ xấu được tạm thời “ẩn đi”, nên tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ thấp hơn thực tế.

Rất đồng tình với quyết định kéo dài thời gian cơ cấu nợ, nhưng Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đề nghị các ngân hàng cần đánh giá thật kỹ phân loại đối tượng được áp dụng theo hướng doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi thì tìm mọi giải pháp tháo gỡ. Còn với các doanh nghiệp yếu kém rơi vào trạng thái "chết lâm sàng" thì mạnh dạn xử lý, không cơ cấu nợ mà chuyển về nợ xấu. Nếu cố gắng cơ cấu những doanh nghiệp như vậy, đến khi Thông tư hết hiệu lực, doanh nghiệp không phục hồi, rủi ro nợ xấu tăng cao, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.

Ngân hàng sẵn sàng tái cơ cấu nợ, tiếp sức doanh nghiệp phục hồi- Ảnh 3.

“Thông tư 02 giống như việc làm mát một động cơ đang quá nóng bằng cách tắt đồng hồ đo nhiệt độ của nó. Điều này giúp cho chúng ta có cảm giác là động cơ không còn nóng nữa, vì không biết nhiệt độ của nó là bao nhiêu, nhưng thực tế thì nó vẫn nóng và ngày càng nóng hơn,” ông Huân lưu ý thêm cần phải minh bạch, rõ ràng đối với việc cơ cấu nợ của các ngân hàng.

Cùng quan điểm, Tổng giám đốc MB cũng phân tích khi thực hiện cơ cấu nợ ngân hàng vẫn trích dự phòng như bình thường, chỉ khác là nhóm nợ của khách hàng vẫn được giữ để đảm bảo được quan hệ tín dụng đối với các ngân hàng. Sau thời gian gia hạn nợ phải thể hiện đúng bản chất khoản nợ để có những điều hành phù hợp hơn, đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn.

Cũng theo ông Ánh, sự cẩn trọng đó là cần thiết, sức khỏe hệ thống ngân hàng chưa đồng đều nên không phải ngân hàng nào cũng có tài chính “dư dả” để trích đầy đủ ngay các khoản nợ cơ cấu. Các ngân hàng phải đánh giá đúng doanh nghiệp có khả năng hồi phục, có khả năng trả nợ, đồng thời kiểm tra, giám sát cẩn thận doanh nghiệp trong quá trình được cơ cấu…

Một chuyên gia tài chính cũng đưa ra quan điểm cái khó của các ngân hàng là xử lý dứt điểm nợ xấu. Việc gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng hay 1 năm thực chất là kiểu che đi con số thực tế. Hết thời gian gia hạn, nợ xấu của ngân hàng cũng sẽ trở lại nếu khách hàng không trả được nợ.

Theo ông, hiện nay, các ngân hàng khó khăn trong việc xử lý nợ xấu như thế nào, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực đồng thời phần lớn các nội dung của Nghị quyết 42 không được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 vừa được ban hành.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top