Aa

Ngân hàng tăng vốn điều lệ: Khó tứ bề

Chủ Nhật, 17/09/2017 - 16:02

Thị trường tiền tệ đang chứng kiến cuộc đua tăng vốn mới mà nguyên nhân chủ yếu do các ngân hàng phải tăng năng lực tài chính để đáp ứng chuẩn Basel 2, đồng thời phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hiện nay. Kỳ vọng là vậy, thế nhưng việc thực hiện còn phải trông nhiều bề.

Ồ ạt tăng vốn

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chấp thuận việc Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) tăng vốn điều lệ từ 17.127 tỷ đồng lên 18.155 tỷ đồng theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông của MB thông qua.

Trước đó, tháng 6/2017, NHNN chấp thuận cho Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) tăng vốn điều lệ từ 4.000 tỷ đồng lên 4.195 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2016 theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua ngày 19/4/2017.

Đồng thời, chấp thuận chủ trương tăng vốn điều lệ thêm 805 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phần riêng lẻ. NHNN sẽ xem xét, có ý kiến sau khi OCB trình NHNN phương án cụ thể về đợt phát hành cổ phần riêng lẻ này.

Nhìn chung, hầu hết các ngân hàng đều đặt mục tiêu tăng khá mạnh vốn điều lệ trong năm nay, đặc biệt là 10 ngân hàng thuộc diện thí điểm thực hiện Basel 2. Theo lộ trình, sau 3 năm thực hiện, đến cuối năm 2018, 10 ngân hàng thí điểm sẽ phải đáp ứng các chuẩn mực vốn Basel 2 theo hướng nâng cao. Sau đó, NHNN sẽ triển khai áp dụng chuẩn mực này trên toàn hệ thống.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, việc các ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ không chỉ để đáp ứng các chuẩn mực khắt khe của Basel 2, mà còn bởi nguyên nhân khác. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: “Nếu không tăng vốn, làm sao các nhà băng có thể cho vay trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Chính phủ lên tới 21% trong năm 2017”.

Giải thích ý kiến này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ, để tăng trưởng tín dụng, đòi hỏi 2 loại vốn cần phải tăng. Thứ nhất, vốn huy động trên thị trường, nhưng hiện tại nguồn vốn này cũng bắt đầu khó khăn.

Thứ hai, vốn chủ sở hữu phải tăng để tuân thủ quy định tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có, cũng như quy định tỷ lệ cấp tín dụng trên tổng vốn huy động không vượt quá quy định 80%.

Đặc biệt, đối với những loại tín dụng đòi hỏi hệ số rủi ro như bất động sản hay chứng khoán trên 200%, ngân hàng cần phải có vốn điều lệ đủ để tăng trưởng tín dụng mới không vi phạm yêu cầu về an toàn vốn.

Phải trông nhiều bề

TS. Hiếu cho rằng, muốn vốn chủ sở hữu tăng chỉ còn cách tăng vốn điều lệ, song tăng vốn thời điểm này rất khó khăn. “Liệu rằng, các cổ đông tiềm năng và hiện hữu có sẵn sàng bỏ vốn hay không? Điều này còn tùy thuộc vào kết quả lợi nhuận từng ngân hàng và niềm tin của cổ đông vào khả năng hoạt động kinh doanh có khỏe mạnh hay không?”, TS. Hiếu nói.

Tình thế lại càng khó khăn hơn khi Chính phủ đang hối thúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn đẩy nhanh tiến độ thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng.

Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trong 8 tháng năm 2017, các doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn được 3.713 tỷ đồng, thu về 15.803 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng tài chính, bất động sản và quỹ đầu tư) thu về 105 tỷ đồng...

Tuy nhiên, Cục Tài chính doanh nghiệp nhận định, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, chưa đạt được tiến độ, kế hoạch đề ra. Trong kết luận về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước năm 2017 và giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung thực hiện nghiêm túc cổ phần hóa theo đúng tiến độ, lộ trình.

Bên cạnh đó, các tập đoàn tư nhân đang rất đắn đo khi đầu tư vào lĩnh vực được xem là đầy rủi ro này sau những đại án tại Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng Xây dựng.

Chưa kể, trong làn sóng tăng vốn những năm trước đây, nhiều ngân hàng tăng vốn điều lệ lên hàng nghìn tỷ đồng, nhưng nguồn tiền đó thực chất là ngân hàng nọ vay ngân hàng kia, lòng vòng sở hữu. Đây là lý do NHNN đang nỗ lực xử lý tình trạng sở hữu chéo, tình trạng nhóm cổ đông chi phối, vốn đã gây ra rất nhiều hệ lụy cho hệ thống ngân hàng.

Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm Thống đốc NHNN đặt ra đối với toàn ngành trong các tháng còn lại của năm và những năm tiếp theo đó là quyết liệt triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, Đề án đã bổ sung các quy định để tăng cường xử lý việc sở hữu chéo, ngăn ngừa lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng và các bất cập về pháp lý liên quan. Đề án còn sửa đổi bổ sung khái niệm “người có liên quan” để đảm bảo bao quát rộng hơn các trường hợp có cùng lợi ích.

Huy động từ các cổ đông nhỏ lẻ không dễ khi mà cổ phiếu ngân hàng không còn “hot” như nhiều năm trước đây, một phần cũng bởi tỷ lệ cổ tức không hấp dẫn, thậm chí nhiều ngân hàng còn không chia cổ tức cho cổ đông trong một thời gian khá dài.

Trong nước gặp khó, tìm nguồn vốn từ nước ngoài cũng không dễ dàng do vướng quy định về “room” sở hữu. Hơn nữa, các định chế tài chính nước ngoài hiện cũng không mặn mà bỏ vốn kinh doanh chung với các ngân hàng Việt khi họ có thể tự tay kinh doanh dưới hình thức chi nhánh hoặc ngân hàng con 100% vốn.

Đặc biệt, thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu năm 2017 chứng kiến giai đoạn bùng nổ hiếm hoi khi tăng trưởng 17%, xác lập cột mốc kỷ lục mới 780 điểm và đồng thời trở thành thị trường tăng điểm tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Giá trị giao dịch đạt 3.000 - 5.000 tỷ đồng, tăng đến 78% so với cùng kỳ năm 2016. Báo cáo về triển vọng thị trường nửa cuối năm 2017 của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, VN-Index sẽ tiếp tục dao động trong khoảng 750 - 820 điểm và lạc quan nhất có thể đạt được cột mốc kỷ lục mới 835 điểm nếu tình hình diễn biến thuận lợi.

“Chính phủ đang thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ và quan trọng hơn thị trường chứng khoán phái sinh được vận hành từ tháng 8, dự kiến sẽ mang đến một động lực tăng trưởng mới, sự khởi sắc cho thị trường. Do vậy, nếu dòng tiền chọn đổ vào chứng khoán của nhiều loại doanh nghiệp khác có thể sẽ khiến việc huy động vốn của hệ thống ngân hàng có những khó khăn”, Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nói.

10 ngân hàng thí điểm thực hiện Basel 2: Vietcombank, BIDV, VietinBank, ACB, MBB, Sacombank, Techcombank, VPBank, VIB và MaritimeBank.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top