Aa

Ngân hàng tối ưu chi phí, tìm cách duy trì lợi nhuận

Chủ Nhật, 20/08/2023 - 06:10

Tỷ lệ chi phí/tổng thu nhập hoạt động (CIR) tại nhiều ngân hàng trong nửa đầu năm đã có sự cải thiện rõ rệt.

Đây là một trong các chỉ số phản ánh hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. Tỷ lệ CIR càng thấp càng cho thấy ngân hàng tốn ít chi phí hơn khi tạo ra mỗi đồng doanh thu, từ đó góp phần gia tăng lợi nhuận. 

Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2023, có 11 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CIR giảm so với cùng kỳ. Trong đó, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) ghi nhận tốc độ cải thiện ấn tượng khi giảm hơn 32 điểm % so với cùng kỳ năm trước, đưa tỷ lệ CIR xuống còn 49% khi kết thúc quý II/2023.

Có được sự cải thiện này là nhờ vào tổng thu nhập hoạt động của BaoVietBank trong 6 tháng đầu năm đã tăng mạnh gần 85%, trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng ở mức 11,7% nên CIR giảm sâu.

Ngoài ra, nhóm các ngân hàng có tốc độ cải thiện CIR mạnh mẽ nhất trong nửa đầu năm còn phải kể tới Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB).

Cùng ghi nhận chi phí hoạt động giảm trong nửa đầu năm, trong khi tổng thu nhập lại tăng trưởng trên 15%, 3 ngân hàng này ghi nhận tỷ lệ CIR lần lượt là 31,92 - 31,32 và 30,41%, giảm 7,8 - 5,1 và 4,2 điểm % so với cùng kỳ năm trước.

Dù cải thiện như vậy nhưng đây lại chưa phải những ngân hàng có tỷ lệ CIR thấp nhất toàn ngành.

Nếu như trong nửa đầu năm 2022, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đứng top đầu về tỷ lệ CIR thấp nhất với 20,65% thì sang đến năm nay, vị trí này đã phải nhường lại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Báo cáo tài chính quý II/2023 của SHB cho thấy mặc dù chi phí hoạt động tăng đến 19,8% so với cùng kỳ nhưng thu nhập hoạt động cũng tăng gần 21%. Mẫu số tăng nhanh hơn tử số nên CIR của SHB vẫn ghi nhận sự cải thiện, giảm 0,2 điểm % so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 20,56%.

Tương tự tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), tốc độ tăng trưởng của tổng thu nhập hoạt động trong 6 tháng đầu năm đạt gần 16%, tăng nhanh hơn tốc độ 11,9% của chi phí hoạt động. Nhờ đó, tỷ lệ CIR giảm 0,94 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước xuống còn 26,03%, đưa VietinBank vào nhóm ngân hàng có tỷ lệ CIR thấp nhất toàn ngành, chỉ sau SHB.

Trong khi đó, tỷ lệ CIR tại VPBank lại tăng từ 20,65% hồi cuối quý II/2022 lên mức 28,25% tại thời điểm kết thúc quý II năm nay. Theo báo cáo tài chính riêng lẻ, tổng thu nhập hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 của ngân hàng mẹ VPBank đạt 17.485 tỷ đồng, giảm 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này phần nào đã khiến CIR của VPBank tụt hạng, xuống vị trí thứ 3.

Dù vậy tỷ lệ CIR cũng đang có sự phân hóa mạnh giữa các ngân hàng. Có 13 ngân hàng ghi nhận CIR dưới 40%; 11 ngân hàng có CIR từ 40-50% và 5 ngân hàng có CIR trên 50%.

Đáng chú ý, tỷ lệ CIR tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) lên tới 91% tức chi phí hoạt động gần ngang với tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng. Tỷ lệ này tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) cũng lên tới 83%.

Về lý thuyết, tỷ lệ CIR càng cao càng cho thấy gánh nặng của chi phí hoạt động lên khả năng sinh lời của ngân hàng. Để giảm CIR, ngân hàng có thể lựa chọn giảm chi phí hoạt động hoặc tăng thu nhập để tối ưu chỉ số này. Trong đó, tiết giảm chi phí là cách mà hầu hết các ngân hàng hướng đến. 

Nhưng theo chia sẻ của một lãnh đạo ngân hàng, CIR ở mức cao đôi khi không hẳn mang tính tiêu cực. Bởi trong một số giai đoạn nhất định, ngân hàng cần dồn lực đầu tư cho các dự án công nghệ, chuyển đổi số... dẫn tới chi phí tăng mạnh. CIR lúc này có thể không phải là tối ưu nhất, không thấp nhất nhưng năng suất lao động của nhân viên và hiệu quả kinh doanh được nâng cao, giá trị tối ưu sẽ có độ trễ và phản ánh lên các kết quả khác.

Khách hàng giao dịch tại VietinBank Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Điều này có thể nhìn qua thực tế tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) khi tỷ lệ CIR từng có giai đoạn lên tới hơn 40% nhưng đã liên tiếp giảm trong 2 năm qua và đến hết quý II/2023 dừng ở mức gần 35%.

Theo ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank, tỷ lệ CIR ở mức cao nằm trong giai đoạn HDBank đầu tư chi phí cho các dự án công nghệ, triển khai toàn diện Basel III. Đến nay khi các dự án đã đi vào vận hành, triển khai toàn diện, hiệu quả hoạt động cải thiện, giúp CIR dần tối ưu.

"Song CIR của HDBank còn có độ trễ khi đang và sẽ tăng cường đầu tư mở rộng loạt chi nhánh mới trên cả nước để phục vụ cho chiến lược phát triển trục nông nghiệp và nông thôn, các thị trường đô thị loại hai", ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) mới đây cũng chia sẻ kế hoạch nghiên cứu số hóa toàn bộ quy trình cho vay khách hàng cá nhân nhỏ lẻ để rút giảm đáng kể thời gian xét duyệt và thẩm định cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thuận lợi nguồn vốn ngân hàng. Đồng thời, Vietcombank cũng tích cực thực hiện chuyển đổi số với nhiều sản phẩm, dịch vụ khác, đẩy mạnh dịch chuyển khách hàng lên kênh số. 

Các dự án này đòi hỏi chi phí đầu tư không nhỏ nhưng sẽ giúp ngân hàng giảm bớt chi phí vận hành kéo theo tỷ lệ CIR giảm thấp trong tương lai. Hiện tại, CIR của Vietcombank đang ở mức 30,37%, nằm trong top 5 ngân hàng dẫn đầu về tối ưu CIR.

Còn tại MSB, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết trong 6 tháng cuối năm, MSB định hướng gia tăng nguồn thu ngoài lãi bên cạnh việc duy trì mảng kinh doanh cốt lõi; tối ưu hóa nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng như dịch vụ thẻ, thanh toán, kinh doanh ngoại tệ, dịch vụ ngân hàng đầu tư… Việc sở hữu cơ cấu thu nhập có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao sẽ giúp ngân hàng tăng trưởng ổn định hơn trong dài hạn.

Thực tế báo cáo tài chính quý II vừa qua cho thấy, không phải cứ ngân hàng có CIR thấp nhất thì lợi nhuận thu về tương ứng cao nhất. Dù vậy, một tỷ lệ CIR thấp phản ánh ngân hàng có khả năng quản lý chi phí tốt hơn, sử dụng chi phí hiệu quả hơn và giúp tối ưu hóa lợi nhuận. Từ đó giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường tài chính.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top