Aa

Ngấn lụt miền Trung

Thứ Ba, 31/05/2022 - 06:09

Ngấn lụt miền Trung chắt chiu từ câu ca điệu dặm, từ nhịp hò khoan những luyến láy mênh mang ngỡ như cứ lang thang chìm nổi vớt lên từ sông...

Miền Trung quê tôi, miền quê gió Lào cát trắng, miền quê rốn bão túi mưa. Một miền Trung mà nhà thơ Hoàng Trần Cương đã từng đau đáu nhận diện với bao cảm thông chia sẻ:

Mảnh đất quê anh một thời ngún lửa

Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa

Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam”.

Một miền Trung mà:

Tấm lưng trần đen sạm

Những đốt sóng lưng Trường Sơn lởm chởm dăng màn”.

Rồi lại một miền Trung: “Đã bao đời núi với bể kề đôi”. Và tôi, một đứa con miền Trung với giọng nói pha rừng, pha biển. Đó là tiếng quê, hồn quê, khí chất quê. Tôi ăn cái nắng, cái gió ngấm vị biển, vị rừng đã chắt lọc cho mình cái trọ trẹ giọng quê mộc mạc ân tình như củ khoai, hạt lúa. Một cái “tiếng quê” thuần hậu, đắm đuối mà da diết cứ đeo đẳng không pha không nhạt mà bền bỉ mang theo như một “căn cước văn hóa”Và tôi đã viết:

Tiếng quê chênh vênh hỏi, ngã

Giọng trầm nằng nặng miền Trung

Gió Lào bào mòn gốc rạ

Hai đầu đòn gánh uốn cong

Ta nhớ gừng cay, muối mặn

Mỗi khi xuống bể lên rừng

Ai sinh câu hò ví giặm

Mà sông mà biển đa mang

Cây lúa mở ra bát ngát

Áo tơi chằm lợp nắng mưa

Củ khoai trằn mình trong cát

Li ti hạt xốp bơ phờ...”.

Miền Trung với bao cơn bão từ biển khơi vào, bao lũ lụt từ rừng tràn xuống. Sông suối miền Trung nhiều nhưng chiều dài các sông đa số ngắn, có độ dốc lớn. Lưu vực các sông thường là đồi núi nên nước mưa đổ xuống rất nhanh. Các cửa sông lại hay bị bồi lấp làm cản trở thoát lũ cho đồng bằng. Các nhà khoa học cho rằng: Khác với sông Hồng ở miền Bắc và sông Cửu Long ở miền Nam, các sông ngòi ở miền Trung ít có hệ thống đê ngăn lũ. Ngoài ra cũng ít có các hồ chứa nước lớn ở vùng thượng lưu để giảm thiểu lũ lụt ở vùng đồng bằng.

Miền Trung với bao cơn bão từ biển khơi vào, bao lũ lụt từ rừng tràn xuống... (Ảnh minh họa: Internet)

Cái dải đất thắt lại ở miền Trung như eo lưng của mẹ. Đó cũng là nơi thắt lại cái hầu bao để mẹ nhặt nhạnh, chắt chiu đồng tiền, bát gạo nuôi con khôn lớn, học hành giỏi giang. Ngấn lụt miền Trung cứ ám ảnh tôi ngay từ còn nhỏ. Tuổi thơ tôi đã dâng lên, lớn lên theo mực nước lụt nâng đẩy con thuyền gỗ nhỏ như cái phao cứu sinh hữu hiệu của người dân vùng quê hay lũ lụt. Và cái chạn gác kê sát mái nhà là nơi tôi thức trắng đêm với cơn ho rạc cổ của cha, nơi chong đèn suốt đêm ruột bấc héo dần của mẹ. Là nơi gói mỳ tôm nhai sống ăn tạm, chút nước mưa chắt đáy chai uống tạm. Nhưng con người tình làng, nghĩa nước thì không tạm bợ chút nào mà đầy dần lên những tấm lòng thơm thảo: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Lũ về thì phăng phăng cuốn đi tất cả nhưng lụt thì “trụ” lại dai dẳng cứ từng nấc, từng nấc bào mòn gặm nhấm...

Đi dọc miền Trung, đâu đâu ta cũng chỉ thấy một màu cát trắng. Trắng đến lóa mắt chỉ với cỏ lông chông xoáy tròn, không hoa, không sắc, xù như lông nhím, như chong chóng bơ phờ quăng quật gió Lào thổi trắng: “Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình” (Tố Hữu).

Đi dọc miền Trung, đâu đâu ta cũng chỉ thấy một màu cát trắng... (Ảnh minh họa: Internet)

Chạy suốt dọc bờ biển cong như vòng lưng của mẹ là những quả đồi bát úp, những đồi sim. Và chỉ có cây sim mọc cằn mới trụ lại được với nắng gió đá sỏi này. Nghe nói đến sim ta đã nghĩ đến sự chắt chiu tần tảo, sự kiên nhẫn vật vã xoắn chặt và sự bền bỉ hoang sơ. Sim như sinh ra để chín treo những túi mật không mỡ màng nhưng lại mòng mọng mật. Và trời ơi, hoa sim - loài hoa hình như sinh ra để tím thủy chung với màu ngăn ngắt thấm đậm. Sim âm thầm chịu đựng, âm thầm để neo chặt đất này. Và sim tự nở, tự chín như để hiện diện sự có mặt, sự trường tồn vĩnh cửu sức sống ở dải đất miền Trung. Tôi lại liên tưởng mẹ miền Trung với những đồi sim “Tím chiều hoang biền biệt” như trong thơ của Hữu Loan.

Ngấn lụt miền Trung chắt chiu từ câu ca điệu dặm, từ nhịp hò khoan những luyến láy mênh mang ngỡ như cứ lang thang chìm nổi vớt lên từ sông. Cứ như chập chùng qua những đồi truông, cứ như nghẹn thắt qua khúc đoạn trường. Không ít lần chùng xuống day dứt nhưng lại lập tức thăng hoa, phiêu diêu, mang một nỗi bát ngát với đồng quê dặt dìu trong phân vân cánh cò chân ruộng.

Mẹ miền Trung của tôi ít khi nói về sương gió, bởi gió sương đã ngấm vào trong đầm đậm miếng trầu, trong vị chát chè xanh, trong bữa tép kho đồng, trong gia vị “gừng cay muối mặn”. Và cả trong xốp giòn của kẹo cu đơ ép mỏng hai tấm bánh đa quyện chặt với lạc và mật giăng mắc nhau, quấn quýt nhau, giòn tan mà ngọt bùi, mà thấm thía. Rồi bát cháo lươn đồng quê xứ Nghệ cũng tất tả hơi cay, đưa cay cho ngấm dần ngầy ngậy lan tỏa vị ngon đặc trưng của loại đặc sản quen thuộc trong bùn ruộng, trong trơn tuột tay người mà sao níu kéo vị ẩm thực dân gian nhưng cũng thật cao sang muôn đời đến thế. Mẹ cũng đơn sơ mộc mạc, chân tình. Cũng chín từ ngọn lửa than, lửa rơm. Ít tỉa tót cầu kỳ nhưng bao giờ cũng có nhân có cạnh như chiếc bánh đúc bát xôi đều từ gạo mà ra, đều tự nặn nhào vuông tròn theo bàn tay mẹ.

Ngấn lụt miền Trung, tôi lại càng thương mẹ, người không chít khăn mỏ quạ hay choàng khăn rằn nhưng lại có áo tơi che chắn. Áo tơi đã dính chặt cả đời mẹ, bện chặt với đời mẹ. Áo tơi đã chằng lợp bao nhớ thương, bao tủi hờn. Cứ lớp lớp, đan xen, cứ nấc dần từng nút, cứ ngỡ buông buông mà kín đáo xoắn xuýt vào nhau khâu luồn kim se chỉ. Áo tơi như quà tặng của ruộng vườn chằm lợp nắng mưa, chằm lợp bao nỗi chìm thân phận, chằm lợp bao tháng ngày bươn chải. Mẹ cúi xuống để gieo mạ như gieo hy vọng. Cắm cây mạ non vào vàng bùn vừa qua trận lũ mà ngấn lũ còn nấc khít chặt vòng quanh cổ chân mẹ như một cái vòng định mệnh. Cứ thế mạ tiếp mạ xanh rờn, xanh non tơ, xanh run rẩy, xanh mảnh mai như hút hết sức xanh của mẹ để sàng sảy đời mẹ như mẹ từng sàng sảy đời lúa mà thành hạt gạo. Hạt gạo bấy giờ trắng như là cái trắng nhễ nhại mồ hôi, trắng của bụi cám nâu, trắng của vị bùi thơm thảo chất chứa...

Đi qua ngấn lụt miền Trung, con chưa bao giờ nghe mẹ ai oán, than thở một điều gì. Ru con mà cũng chính là để ru mình. Bao chất chứa mẹ lần theo tràng hạt. Sợi tràng hạt như để giải tỏa, để thu nhận những nhấn nhá đời mình cho nước bóng ánh lên soi bóng mẹ vào đó. Một sự thong thả biết mình biết người của chuỗi luân hồi đằng đẵng chỉ có mẹ là người thuộc từng canh gà báo thức, chỉ có mẹ mới biết trước lạnh về khi từng khớp xương người nhức nhối. “Nắng mưa đời mẹ đến giờ chưa tan”. Chỉ có mẹ mới thương cả từng sợi rơm con cúi, mẹ quen vun đắp quen gìn giữ từ cái nón mê đội chóp vại cà, từ cái nồi đất sứt mẻ để rang thính.

Cũng có lúc tôi thấy mẹ tôi buồn. Buồn từ trong mắt mẹ, nét buồn rạn chân chim, nét buồn lẫm chẫm như vạt nắng trên ô sân gạch rêu hẹp. Ở đó có cây cau ngấn từng đốt mỏi mòn, có vại nước mưa trong suốt quanh năm. Với mẹ cái gì cũng trong, cũng ấm, cũng ao ước vẹn tròn. Mẹ ít soi gương (và cũng chẳng gương nào soi thấu đời mẹ) như đáy giếng nước khơi đêm đêm đánh thức vòm trời.

Thương lắm mẹ miền Trung - mẹ tôi trong những ngày lũ lụt. Cái cột, cái kèo vẹo xiêu, cái thúng cái mủng nhẹ trôi chìm trong xoáy nước. Gia tài mẹ có gì nhiều nhặn đâu, tất cả đã dồn vào cho đàn con, tất cả đều chỉ ở cây cối quanh trong vườn. Những dây bầu dây bí, những cây chanh cây bưởi, những luống rau khóm hành và rộng ra hơn là những vạt lúa uốn câu đang đòng đòng bén sữa - sữa mẹ hay sữa lúa?

Gia tài mẹ có gì đâu, là mớ tép riu là con cá bống quẫy đuôi lách chách búng vào chiều lạnh để ăn cái đậm đà phù sa chân ruộng. Mẹ bòn mót chắt lọc để bữa cơm có thêm tiếng xuýt xoa hôi hổi nóng của bát canh rau tập tàng, để được mời lên đặt xuống.

Gia tài của mẹ có gì đâu, là sợi dây trầu bền bỉ leo từng ngấn thân cau giờ như ngấn lụt, ngấn của bàng hoàng, ngấn riết vào ký ức trí nhớ như vân gỗ thân cây xoắn vào nhau bện thừng, bện lũ, bện cả bao món nợ chất chồng. Chạn bếp, chạn gỗ có cao được thêm nữa đâu. Mái tranh ngấm mưa thì đã mục, mái ngói ngấm nước cũng đã bục rồi. Và mái trời đâu chỉ còn chở che mà xé toang mái rách, mà rạch đêm sấm chớp. Chỉ còn lại mái ấm cuộc đời, mái ấm tình người là muôn đời muôn thuở bền chặt…

Thương lắm mẹ miền Trung khi lũ lụt tràn về và tôi viết:

Cánh đồng nước ngập mênh mông

Cây lúa ngậm phù sa sương

 Bóng mẹ miền Trung lội ruộng

 Hắt lên mây trắng cuối chiều…”. 

Núi thì cứ dăng màn, dãy Trường Sơn như sống lưng gập vào nhau. Trước mặt là biển Đông nghìn trùng trắc trở. Sau lưng là bão lũ hoành hành nhưng miền Trung vẫn neo giữ như mẹ miền Trung đã neo giữ.

Mẹ chính là điểm tựa của miền Trung!

                                                                          Hà Tĩnh, tháng 05/2022

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top