Mặt nóng bừng, mồ hôi vã ra từng hột lăn lăn trên mặt chảy vào mắt cay xè, tôi ì ạch đẩy con ngựa sắt lúc này như nặng tựa ngàn cân, nhích từng bước lên con dốc đứng. Rồi, ngồi phịch xuống vệ đường mặc cho đám cỏ may đâm qua ống quần bò đau nhói, tôi phụng phịu: “Em mệt lắm rồi. Hết hơi rồi. Hu hu…”. Anh, vẫn đang mắm môi mắm lợi dìu con xe lên đường dốc, ngoái nhìn tôi, cười như mếu: “Cố lên em! Sắp ổn rồi, ổn ngay thôi”. Rồi, thấy cái bộ dạng xuôi xị của tôi, anh bảo: “Thôi cứ ngồi nghỉ tý. Lên qua con đèo này anh xuống đón”.
Nhìn anh căng tấm thân gầy, mặt sắt lại đẩy xe, mà vẫn dịu dàng với mình, tôi chợt thấy thương quá. Thế là lại phủi mông đứng lên chạy theo anh, cùng đẩy. Chả là chúng tôi đang đi du lịch ở một thắng cảnh nổi tiếng của vùng Tây Bắc. Để tăng trải nghiệm, chúng tôi thuê xe máy tự đi thăm bản Mông trên lưng chừng núi. Ai dè đúng lúc đến chân con đèo này thì xe chết máy. Tiến thoái lưỡng nan, chúng tôi quyết đi tiếp. Vả lại trời cũng đã ngả chiều.
Tới đỉnh dốc, chuẩn bị đổ sập người xuống vì quá mệt, chợt, tôi dụi mắt, tôi đang ở đâu đây? Thực hay là mơ? Nhìn sang anh, cũng đang chết sững như một bức tượng. Cả hai chúng tôi cùng bất động, lặng phắc không thốt nên lời. Rồi, quay sang nhìn nhau, hai gương mặt đỏ bừng mồ hôi nhễ nhại bất giác mỉm cười rồi cùng cười phá lên. Ha, ha, ha... Ha, ha, ha...! A, a, a… Vách núi đồng vọng tiếng chúng tôi.
Chúng tôi cùng lao như điên về phía trước. Cùng lăn ra, lăn, lăn, lăn… như điên cuồng trên một "thảm tím" mênh mông, bạt ngàn, một "thảm tím" rung rinh, dập dờn, mềm mại dưới ánh nắng huy hoàng của một mặt trời mùa xuân đang hồi rực rỡ nhất của ráng chiều.
Thế rồi, chúng tôi nằm bên nhau im lặng trên thảm hoa tím thơm thơm mùi cỏ dại tinh khiết. Để toàn thân lắng nghe cái diệu kỳ của thinh không, để chìm trong cái bao la của mẹ thiên nhiên.
Bỗng anh bật dậy, kéo tôi: “Đi thôi em! Đi ngay, nguy rồi”.
Lúc này tôi mới nhận ra, ráng chiều đã vụt tắt, trời bỗng tối sầm như buổi hồng hoang. Mây đen vần vũ ập đến, sà thấp như giơ tay là nắm được. Anh túm chặt tay tôi. Chạy ngay! Còn xe? Bỏ lại!
Trong chớp mắt, nước tuôn xối xả như một dòng thác. Chúng tôi nắm tay nhau chạy điên cuồng dưới dòng nước, ngược lên con dốc.
Chạy mải miết, bỗng, trong màn mưa, hình như có cái gì le lói. Ánh điện? Ánh lửa? Chúng tôi chạy ào tới nơi có ánh sáng phía trước.
Tấp thẳng tới căn phòng có ánh sáng, gõ gấp gáp vào cánh cửa gỗ. Ngay lập tức, một người đàn ông tầm hơn 30 tuổi hiện ra sau khung cửa mở. Không nói gì, anh kéo chúng tôi vào nhà. Chồng tôi nói trong hơi thở gấp gáp: “Chúng em gặp… gặp giông bất ngờ”.
Người đàn ông khẽ cười, có vẻ không mấy ngạc nhiên. Anh đi nhanh vào buồng, trở ra đưa cho hai chúng tôi khăn khô và hai bộ quần áo: “Các bạn thay đồ ở phòng bên cạnh nhé”.
Thay đồ xong, trở lại căn phòng nhỏ, trên chiếc mâm nhỏ đặt trên khúc gỗ cạnh bếp lửa hồng rực đã có sẵn hai bát mỳ nóng hổi bốc khói thơm sực. Nhìn vẻ lúng túng của chúng tôi, anh khẽ cười: “Hai bạn ăn đi, không là cảm đó, ở đây không có bác sỹ đâu”. Vẻ hiền hậu của anh làm chúng tôi bớt e ngại, vả lại lúc này cơn đói mới kéo đến cồn cào, chúng tôi lặng lẽ ngồi xuống ăn mỳ. Sau này, trong ký ức của tôi, chưa có bát mỳ nào ngon đến như vậy.
Vừa ăn chúng tôi vừa quan sát căn phòng, cái giá sách nhỏ, một chiếc bàn gỗ, trên để mấy chồng tập vẽ của trẻ con. Cái ống tre cắm bút màu xanh đỏ, những bức vẽ với nét vẽ ngây ngô, đáng yêu treo đó đây... Chúng tôi lờ mờ đoán ra mình đang ở trong nhà của ai.
Khi chúng tôi ăn xong, người đàn ông trở lại phòng, rót từ cái ấm bám khói đen sì hai cốc nước có màu nâu sậm, nói: "Hai bạn uống đi, không lo cảm nữa, bài thuốc của người Dao đỏ đó". Đợi chúng tôi uống xong, anh tiếp lời: "Hôm nay thì hai bạn sẽ ngủ lại đây thôi, tối rồi, không thể đi đường rừng vào thời tiết này được. Đây là dãy lán dành cho giáo viên, có phòng trống do các thầy cô đi cắm bản, mình sẽ xếp chỗ cho các bạn ngủ. Cứ yên tâm ngủ ngon nhé, mai trời sẽ đẹp thôi". À thì ra, chúng tôi đã đoán đúng. Đây là nhà tập thể giáo viên.
Đêm đó, trong căn phòng mái lá, vách gỗ, trên tấm nệm cỏ tranh, trong sự chở che của các thiên thần, chúng tôi thiếp đi một giấc an lành.
Hình như có tiếng xôn xao mơ hồ từ cõi nào xa lắm vọng về, tôi mở mắt… Ôi, ánh nắng sớm xiên qua khe vách óng ánh chiếu vào tấm chăn thổ cẩm. Tôi vùng dậy. Cả miền ký ức ngày qua vụt lướt như một cuốn phim. Tung chăn, choàng chiếc áo len ấm, tôi mở cửa ra ngoài. Là nắng, long lanh tinh khôi, là gió, mơn man mát lành. Cơn mưa gió cuồng phong chiều tối qua có là thật không? Nếu không, sao tôi ở đây?
Lúc này, trên cái sân láng xi-măng phẳng phiu, một đàn các em bé nhỏ xiu xíu như đàn chim ri ríu rít quây quanh một cô gái trẻ tầm ngoài 20. Theo hiệu lệnh của cô, các em đứng thành 5 hàng dọc. Tiếng nhạc bắt đầu phát ra từ cái loa treo trên cây cột góc sân. Cô giáo trẻ đứng trước hàng vừa làm mẫu gật đầu, giơ tay, lắc người vừa đếm 1, 2, 3, 4… 1, 2, 3, 4… Bọn trẻ với váy áo dân tộc đủ màu sắc cũng gật gật đầu, giơ tay, lắc lư người theo cô giáo. Ôi, cảnh tượng ngộ nghĩnh, đáng yêu quá.
Thì ra trong cơn giông chiều qua, chúng tôi đã lạc vào một trường mầm non vùng cao. Anh Hùng, người đàn ông đón chúng tôi là giáo viên của trường. Anh kể, anh và vợ là giáo viên cùng trường. Họ đều là người miền xuôi, gặp nhau khi cùng được phân công về trường này. Sự sẻ chia, hỗ trợ trong công việc đã khiến họ đồng cảm, yêu nhau và xây dựng mái ấm hạnh phúc ngay dưới mái trường. Hôm qua chị Thơm vợ anh đi xuống bản vận động bà con cho con em đi học, gặp lũ lớn nên ở lại bản luôn, sáng nay mới về. Điều thú vị và đặc biệt là, ngôi trường của anh có đến 6 cặp vợ chồng cùng là giáo viên trong trường. Họ ở tại trụ sở chính của trường như vợ chồng anh, hoặc cắm bản ở các nhóm lớp lẻ. Do địa hình đi lại khó khăn, địa bàn rộng, nên trường đã đặt lớp ở tận sâu trong các cụm bản để trẻ em thuận lợi nhất khi đến lớp, còn các thầy cô sẽ luân phiên nhau cắm bản để dạy dỗ các cháu.
Khu trường chính này có bốn lớp ở bốn phòng học rộng rãi. Mới năm ngoái đây thôi, các nhà hảo tâm từ dưới xuôi lên đã cho xây mới lại khu lớp học nên rất khang trang, ấm áp. Các em bé không còn phải học trong các phòng học gió lùa, không còn sợ cái rét cắt da cắt thịt của vùng sơn cước. Trang thiết bị trong lớp cũng đầy đủ tiện nghi hơn. Trong mỗi phòng học cũng chia thành từng khu: khu học, khu ngủ trưa, khu vui chơi để những ngày xấu trời các cô sẽ tổ chức trò chơi cho các cháu ngay trong lớp. Trường cũng có bếp và nhà ăn để phục vụ bữa ăn cho các cháu.
Trên tường lớp học, các thầy cô treo rất nhiều tranh ảnh vui mắt. Đồ chơi cho các cháu và học cụ phần lớn do thầy cô tự chế. Anh Hùng khoe với chúng tôi, vừa rồi bộ giáo cụ học tập “Nhận diện chữ cái và số” do tập thể thầy cô của trường thiết kế đã đạt giải sáng tạo của Sở Giáo dục.
Công việc của các thầy cô ở đây không chỉ là lên lớp dạy mà còn phải vào tận từng nhà, đến từng bản để vận động bà con cho con em đến trường. Từ xa xưa, trẻ em ở đây sinh ra, lớn lên như cây cỏ, như những con thú nhỏ. “Khắc ăn khắc lớn”, “Trẻ con cần gì phải học”, “Chỉ ăn với ngủ thôi mà cũng cần phải học sao, thầy giáo, cô giáo?” là những câu nói mà các thầy cô thường xuyên nghe được khi đi vận động bà con. Rồi các thầy cô bảo nhau, phải vận động từ chính thực tế, phải làm việc thật tốt để bà con tin. Thế rồi, nhìn những em bé đi lớp học về, kháu khỉnh, thông minh, biết hát múa, biết chào hỏi, dạn dĩ, vui tươi… đã là sự cảm hóa tốt nhất để bà con tin tưởng và thay đổi suy nghĩ.
Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng thấy sự tin tưởng của bà con, sự tiến bộ từng ngày của các em nhỏ đã khiến các thầy cô không quản ngày đêm, vất vả, hết mình cống hiến cho các học trò. (Ảnh minh họa: Internet)
Lớp học đông dần lên, trường cũng ngày càng mở rộng thêm những điểm trường cắm bản. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng thấy sự tin tưởng của bà con, sự tiến bộ từng ngày của các em nhỏ đã khiến các thầy cô không quản ngày đêm, vất vả, hết mình cống hiến cho các học trò.
Khi chia tay, tôi hỏi, vậy các anh chị sẽ cứ ở trên vùng rừng núi này mãi sao? Anh Hùng cười, nụ cười hiền hậu khiêm nhường: “Là các em nhỏ vẫn cần mình, phải không. Vậy mình bỏ đi sao được”.
Ôi, những tháng năm kỳ diệu của tuổi trẻ, họ, những thầy cô giáo vùng cao, đã sống như những đóa hoa, trao đi thanh xuân để thắp sáng niềm hy vọng.
Rời ngôi trường, tiếng hát líu lo trong trẻo của các thiên thần nhỏ vẫn còn theo bước chúng tôi, quấn quýt, vấn vương trong làn gió “Mẹ của em ở trường, là cô giáo mến thương…”./.