Aa

Ngăn ngừa tình trạng thao túng, lợi ích nhóm khi đấu giá tài sản

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Ba, 28/11/2023 - 14:29

Nhiều đại biểu Quốc hội thể hiện quan điểm khác nhau đối với vấn đề đặt cọc khi đăng ký đấu giá tài sản nhằm ngăn ngừa nguy cơ tiêu cực, lợi ích nhóm.

Đề nghị tăng mức đặt cọc kèm theo thời hạn nộp

Thảo luận về dự án Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) sáng 28/11, ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) dẫn thí dụ gần đây chúng ta chứng kiến nhiều vụ đấu thầu bất thường. Mới đây nhất, Thủ tướng đã chỉ đạo xem xét vụ đấu giá 3 mỏ cát ở Hà Nội. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản ban hành ngày 17/11/2016 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2017 là cần thiết.

Từ thực tế triển khai thực hiện Luật đấu giá tài sản những năm qua, ông Thanh đề nghị: “Vấn đề then chốt là xác định giá khởi điểm để đấu giá, theo đó, Luật đấu giá cần bổ sung qui định về quyền, trách nhiệm và chế tài đối với vi phạm trong xác định giá khởi điểm của các tổ chức và cá nhân có liên quan trong mối quan hệ chặt chẽ với các qui định pháp luật khác trong lĩnh vực quản lý giá, quản lý đất đai, quản lý tài sản công, quản lý tài sản đảm bảo và tài sản tịch thu, thi hành án và trách nhiệm dân sự”.

Nguyễn duy thanh
ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau). Ảnh: quochoi.vn

Vị đại biểu đoàn Cà Mau cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định để hạn chế việc bỏ cọc. Khoản 5 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản 2016 qui định tiền đặt trước chính là tiền đặt cọc sau khi trúng đấu giá. Tiền đặt trước được qui định là 5-20% mức giá khởi điểm tài sản đấu giá trong khi nhiều trường hợp giá khởi điểm lại quá thấp nên người trúng đấu giá không phải cân nhắc quá nhiều khi bỏ cọc.

“Nhằm hạn chế tình trạng bỏ cọc, hạn chế người đấu giá thiếu thận trọng khi đấu giá, đặc biệt là để ngăn ngừa tình trạng phá giá vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân thậm chí là thao túng, gây rối thì theo tôi nên tách biệt tiền đặt trước với tiền đặt cọc. Với dự thảo luật mới, theo tôi nên quy định tiền đặt cọc có thể là 20-30% giá trúng đấu giá và phải nộp ngay sau khi công bố kết quả trúng đấu giá. Nếu người trúng đấu giá không nộp đủ tiền cọc thì bị loại và cuộc đấu giá sẽ tiếp tục. Giả sử tiền cọc phải nộp ngay lên tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng thay vì vài vài chục triệu đồng thì người trúng đấu giá chắc chắn sẽ thận trọng hơn rất nhiều lần khi bỏ giá.

Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm quốc tế, Luật đấu giá có thể tham khảo bổ sung qui định cụ thể về xử lý hình sự đối với những trường hợp bỏ cọc không thực hiện kết quả trúng đấu giá có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tư, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế. Theo đó, Bộ luật Hình sự cần bổ sung thêm những hành vi vi phạm tương ứng trong đấu giá tài sản để có hình phạt phù hợp và để tránh tình trạng thổi giá, phá giá gậy hệ lụy lớn như vừa qua”, ông Thanh nêu quan điểm.

Nêu lý do cần tăng số tiền đặt cọc để tránh tình trạng cò tham gia đấu giá để trục lợi, nhất là đấu giá đất, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) bày tỏ:“Tôi rất nhất trí với các đại biểu phát biểu trước tôi, hiện nay dự thảo luật đang quy định số tiền từ 5% đến 10% giá trị tài sản, tôi đề nghị tăng lên tối thiểu 20% như nhiều đại biểu trước đề nghị. Bởi vì con số tối đa giao quyền cho các địa phương căn cứ vào đặc điểm tình hình để xác định nhưng không thấp hơn 20%. Như vậy những người có nhu cầu thực sẽ tham gia, còn các đối tượng cò sẽ hạn chế tham gia do số tiền đặt cọc lớn”.

nguyễn thị việt nga
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: quochoi.vn

Vị đại biểu đoàn Hải Dương cũng đề nghị cùng với tăng tiền đặt cọc phải đi kèm với giảm số ngày quy định thời hạn nộp tiền. Hiện nay Nghị định 126 đang quy định 90 ngày, theo tôi số thời gian đó quá dài và tạo điều kiện cho các đối tượng cò nộp tiền cọc rồi đi tìm người bán lại ngay. Khi chúng ta giảm số thời hạn nộp tiền tới 90 ngày xuống 30 ngày vẫn tạo điều kiện cho cá nhân có nhu cầu mua thực mà vừa hạn chế được đội ngũ cò tham gia đấu giá rồi bán lại để hưởng chênh lệch.

Bà Nga nói thêm: “Việc công khai thông tin đấu giá, luật đang quy định thông tin đấu giá tài sản phải đăng trên một tờ báo Trung ương hoặc địa phương, theo tôi quy định như vậy cũng chưa hoàn toàn chặt chẽ. Hiện nay có rất nhiều tờ báo, tạp chí đang hoạt động nhưng mức độ ảnh hưởng và lượng độc giả của các báo, tạp chí là khác nhau. Nếu chúng ta chỉ quy định chung chung là báo tạp chí thì các cơ quan tổ chức đấu giá tài sản dễ lách luật bằng cách là lựa chọn những tờ báo ít người tiếp cận và có số lượng rất ít độc giả để đăng tải thông tin. Tôi đề nghị quy định cụ thể hơn và thông tin đấu giá tài sản là đất ngoài những quy định hiện hành cần bổ sung hình thức niêm yết tại nơi có tài sản là thửa đất được đấu giá để đông đảo mọi người đều có thể tiếp cận được”.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) cũng cho rằng, để hạn chế tình trạng cò đấu giá, hạn chế tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá, một trong những giải pháp hữu hiệu là nâng tỷ lệ tiền đặt trước. Do đó, nên sửa đổi quy định tỷ lệ tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 30%. Việc nâng tỷ lệ tiền đặt trước sẽ giúp cho người có nhu cầu thực sự tham gia cuộc đấu giá.

Quyền của người tham gia đấu giá cũng cần được bảo vệ

Ở chiều ngược lại, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc thận trọng khi nâng mức đặt cọc tham gia đấu giá tài sản, thay vào đó sẽ tăng tiền phạt khi bỏ hợp đồng.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) nêu quan điểm: “Hiện có hơn 20 nhóm loại tài sản được đưa ra bán đấu giá với giá trị, tính chất và tài sản khác nhau. Theo quy định hiện hành, mức tiền đặt trước từ 5% đến 20% đối với các tài sản đặc thù, như đất đai, khoáng sản thì phải quy định ít nhất là bao nhiêu, tức là quy định tối thiểu trong khung từ 2% đến 20%. Những tài sản thông dụng, phổ quát do người có tài sản quyết định giá. Qua thực tiễn công tác này, tôi thống nhất giữ nguyên như quy định hiện hành, mức tiền đặt trước từ 5% đến 20% phù hợp, tạo điều kiện thu hút được nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá.

Nếu nâng mức tiền đặt trước lên quá cao có thể ảnh hưởng đến quyền tự do tham gia giao dịch, giảm tính cạnh tranh và ít người tham gia đấu giá, ảnh hưởng đến kết quả đấu giá. Ví dụ, nâng mức tiền đặt trước lên 40% đến 50%, nếu tài sản đưa ra đấu giá có giá trị khởi điểm là 1 tỷ thì người muốn đăng ký tham gia đấu giá phải chuẩn bị và nộp tiền đặt trước từ 400 triệu đến 500 triệu đồng".

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An). Ảnh: quochoi.vn

Theo vị đại biểu đoàn Long An, ở đây cần thấy điểm khác với tiền đặt cọc trong giao dịch dân sự, đó là khi thực hiện đặt cọc trong giao dịch dân sự là cơ bản đã khẳng định sẽ xác lập mua bán, chuyển nhượng tài sản đó. Còn khi tham gia đấu giá thì chưa chắc người trúng giá mua được tài sản đấu giá. Dù biết rằng trong thời gian qua có các tổ chức hoặc cá nhân tham gia đấu giá tài sản với mục đích không tốt như muốn phá cuộc đấu giá để đấu giá không thành hoặc để thao túng thị trường hình thành mặt bằng giá mới, chứ không phải để mua tài sản hoặc để phô trương thanh thế,... và sẵn sàng chịu mất tiền cọc đặt trước.

"Để xử lý vấn đề này, tôi đề xuất người tham gia đấu giá trúng đấu giá và sau thời gian nhất định mà không nộp tiền mua tài sản và không chứng minh được vì lý do bất khả kháng thì lý do bất khả kháng được quy định theo Bộ luật Dân sự, ngoài việc bị mất tiền đặt trước còn phải bị phạt nộp thêm một số tiền. Tất nhiên chúng ta phải bổ sung cơ chế, chế tài về xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt là của các cơ quan nhà nước có tài sản đưa ra đấu giá. Chúng ta không áp dụng đối với các tài sản đấu giá là tài sản của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn hình thức đấu giá để bán tài sản của mình”, đại biểu Dung nói.

phạm văn thịnh
ĐBQH Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang). Ảnh: quochoi.vn

Bấm nút tranh luận, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) nói: “Chúng ta vẫn phải bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá của người đấu giá. Còn nếu như chúng ta xử phạt vi phạm hành chính và phạt hình sự thì tôi cho rằng việc này nên cân nhắc, vì đây chính là quyền của người trúng đấu giá với mối quan hệ dân sự”.

Bên cạnh đó khi đề cập tới thời hạn thực hiện nghĩa vụ tài chính và thời hạn hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, đại biểu Phạm Văn Thịnh chỉ rõ: "Việc áp dụng thời hạn nộp tiền, thời hạn hủy kết quả trúng đấu giá quá dài như hiện nay cũng tạo cơ hội cho các hành vi muốn nâng giá để lũng đoạn, trục lợi. Quy định như vậy không phù hợp với quan hệ mua - bán của đấu giá. Theo lẽ thường, người mua thì phải chuẩn bị tiền, nếu mua được thì phải trả ngay, mua được nhưng trả sau, không trả thì phải đợi đến 6 tháng sau nhà nước muốn hủy được kết quả, thật sự không phù hợp. 

Vì vậy, tôi đề xuất bổ sung vào Điều 47 quy định người có tài sản là quyền sử dụng đất có quyền quyết định thời hạn người trúng đấu giá phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính và thời hạn hủy kết quả trúng đấu giá được quy định công khai tại quyết định phê duyệt giá khởi điểm hoặc phương án đấu giá quyền sử dụng đất. Thực tế, trước khi có Nghị định 126 và Nghị định 10, các địa phương đang làm như thế này, nhưng sau khi có thì các địa phương phải bỏ điều kiện này ra trong quyết định phê duyệt giá khởi điểm. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ trong thời gian sớm nhất sửa đổi khoản 4 Điều 18 Nghị định 126/2020 và khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2023 theo hướng các thời hạn này không bao gồm trường hợp thu tiền sử dụng đất đối với đấu giá quyền sử dụng đất và thời hạn hủy kết quả trúng đấu giá chỉ chậm nhất sau 5 ngày kể từ ngày hết hạn thực hiện nghĩa vụ tài chính theo kết quả trúng đấu giá. Tức là thời hạn này vẫn có thể áp dụng với các trường hợp thông báo nộp tiền sử dụng đất khác, nhưng đối với thông báo nộp tiền sử dụng đất qua đấu giá không nên áp dụng điều kiện này. 

Đây là nội dung mà các địa phương hiện nay mong mỏi nhất, rất vướng, ảnh hưởng rất lớn đến điều hành ngân sách đầu tư công và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cũng là lý do chính dẫn tới nhiều địa phương có quỹ đất đấu giá nhưng lại không hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách hoặc phải cắt giảm đầu tư công do nguồn thu không vào ngân sách kịp thời trong năm. Trong bối cảnh nền kinh tế cần cứu cánh từ đầu tư công để duy trì tăng trưởng thì đây là điều rất đáng tiếc. Tôi mạnh dạn đề xuất Quốc hội trong nghị quyết về chất vấn của kỳ họp nên bổ sung thêm ý "giao Chính phủ chậm nhất trong quý I/2024 sửa đổi Nghị định 126 và Nghị định 10 theo hướng không điều chỉnh thời hạn nộp tiền sử dụng đất qua đấu giá và thời hạn hủy kết quả trúng đấu giá mà giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định”.

ĐBQH Lê Tất Hiếu (đoàn Vĩnh Phúc). Ảnh: quochoi.vn

Cùng quan điểm, đại biểu Lê Tất Hiếu (đoàn Vĩnh Phúc) bày tỏ: “Khi trúng đấu giá thì số tiền đặt trước được chuyển thành tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Quy định như vậy đã phù hợp và có hiệu quả thực tiễn trong thời gian dài. Tuy nhiên, vừa qua trong thực tiễn đã có nhiều trường hợp khi đấu giá thì người đấu giá bỏ giá rất cao, vượt xa nhiều lần giá khởi điểm, sau đó đơn phương không thực hiện mua bán tài sản đấu giá, sẵn sàng bỏ tiền cọc như một số đại biểu đã có ý kiến.

Tôi cho rằng, có một lý do quan trọng là do số tiền đặt trước chưa đủ lớn để người đấu giá phải suy nghĩ, cân nhắc thiệt hại khi đấu giá và khi đơn phương hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Vì trong những trường hợp này tiền đặt cọc tối đa là 20% giá khởi điểm, hoàn toàn không phải là giá trị lớn so với giá đã trúng đấu giá, do vậy khi cần họ sẵn sàng bỏ tiền cọc. Vì vậy, tôi đề nghị cần phải có biện pháp để bảo đảm cho người tham gia đấu giá tài sản nghiêm túc, có trách nhiệm tham gia đấu giá và trước khi bỏ giá để đảm bảo cho hoạt động đấu giá được lành mạnh, có hiệu quả, làm ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

Về nội dung này, tôi hoàn toàn nhất trí với đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đoàn Long An, bởi vì nếu tiền đặt trước vượt quá 20% như vậy có nhiều tài sản giá trị rất lớn. Việc như vậy sẽ làm hạn chế người tham gia đấu giá vì trước khi người ta nộp hồ sơ người ta cũng chưa biết được người ta có trúng đấu giá hay không. Do vậy, tôi cho nội dung này hoàn toàn không khả thi.

Tôi thống nhất cao với nội dung đại biểu Dung có đã nêu ra, đó là nên quy định một chế tài phạt hợp đồng. Tôi thấy có thể nâng lên từ 30% đến 50% để phạt hợp đồng đối với những người trúng đấu giá nhưng đã đơn phương hủy hợp đồng để đảm bảo cho việc hoạt động đấu giá được lành mạnh”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top