Aa

Cần có chế tài nghiêm khắc với những trường hợp vi phạm quy định đấu giá tài sản

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Ba, 28/11/2023 - 11:29

ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh đề nghị hủy kết quả đấu giá, xử lý nghiêm khắc, truy cứu trách nhiệm hình sự những cá nhân, tổ chức có hành vi dẫn tới sai lệch thông tin/kết quả đấu giá tài sản.

Tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sáng 28/11 tại Quốc hội, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Ninh Bình nhận định, dự án luật đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 3 nhóm chính sách tại đề nghị xây dựng dự án luật đã được thông qua. Nội dung của dự thảo Luật cơ bản đã thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xã hội hoá, chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, khách quan, tính bền vững của hoạt động đấu giá; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản, cũng như công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. 

Đồng thời, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh Tôi nêu 5 nhóm vấn đề cần lưu ý để tiếp tục tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật:

Một là về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật: Qua nghiên cứu Luật Đấu giá tài sản hiện hành và thực tiễn thi hành Luật Đấu giá tài sản trong thời gian qua, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát nghiên cứu bổ sung vào dự thảo luật một số quy định mà luật hiện hành chưa quy định để tạo cơ sở pháp lý trong quá trình tổ chức thực hiện. Cụ thể như sau:

Thứ nhất: bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật hiện hành và dự thảo Luật, thì tài sản thi hành án thuộc trường hợp phải bán thông qua đấu giá. Tuy nhiên, Luật Đấu giá tài sản hiện hành và dự thảo Luật hiện nay chưa có quy định thủ tục riêng cho việc đấu giá tài sản thi hành án. 

Thực tiễn cho thấy: Để đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá thì thời gian thường kéo dài từ lúc kê biên, thỏa thuận giá, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, thẩm định giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá. 

Trường hợp bán đấu giá không thành thì giảm giá tài sản để tiếp tục bán… Mỗi hành vi, công việc nêu trên của chấp hành viên, của các tổ chức, cơ quan đều có thể bị chủ tài sản/người phải thi hành án khiếu nại, tố cáo và quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo mất rất nhiều thời gian.

Nhiều trường hợp người dân sợ rủi ro khi mua tài sản thi hành án nên việc bán đấu giá tài sản thi hành án thường tổ chức rất nhiều lần mà vẫn chưa có người mua. Đến khi bán đấu giá thành thì không ít trường hợp, người phải thi hành án/chủ tài sản chống đối bằng nhiều hình thức nên dẫn đến chậm bàn giao tài sản cho người mua. 

Từ đó, dẫn đến quyền lợi của người được thi hành án, người trúng đấu giá bị ảnh hưởng; cơ quan thi hành án đối mặt với nguy cơ khiếu nại, tố cáo và bồi thường nhà nước… Do vậy, đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án trong dự thảo luật.

Thứ hai: Bổ sung quy định về điều kiện cá nhân, người được ủy quyền tham gia đấu giá;

Thứ ba: Bổ sung quy định rõ các trường hợp, căn cứ và thủ tục để hoãn phiên đấu giá.

Hai là tại Khoản 6 Điều 1 dự thảo luật quy định về thay đổi địa chỉ trụ sở doanh nghiệp đấu giá tài sản từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác. Đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm quy định nghĩa vụ mà doanh nghiệp đấu giá tài sản phải thực hiện đối với cơ quan thuế khi thực hiện chuyển địa điểm trụ sở để đảm bảo phù hợp thống nhất với quy định của pháp luật về thuế và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đề nghị quy định cụ thể đối với trường hợp doanh nghiệp đấu giá tài sản chưa hoàn tất xong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản có được thay đổi địa chỉ trụ sở không?

Ba là tại điểm m Khoản 8 Điều 1 dự thảo luật quy định: “Thời hạn ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá sau khi cuộc đấu giá kết thúc” phải được thể hiện trong nội dung Quy chế cuộc đấu giá. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm cả thời hạn cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá sau khi cuộc đấu giá kết thúc vì bên cạnh các tài sản được chuyển giao thông qua ký hợp đồng mua bán thì có tài sản không thông qua ký hợp đồng mua bán mà do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá (Ví dụ: Đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá quyền khai thác khoáng sản…).

Quốc hội thảo luận về Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Bốn là Khoản 11 Điều 1 dự thảo luật quy định: “Trường hợp trước khi hết hạn nộp hồ sơ tham gia đấu giá và nộp tiền đặt trước theo Quy chế cuộc đấu giá mà thay đổi địa điểm tổ chức cuộc đấu giá thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải niêm yết nội dung thay đổi theo đúng thời gian quy định tại khoản 1 Điều 35 của luật này và thông báo theo đúng thời gian quy định tại Điều 57 của luật này.

Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định trên. Vì khoản 1 Điều 35 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định thời gian thực hiện việc niêm yết cụ thể như sau:

Đối với tài sản là động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi trưng bày tài sản (nếu có) và nơi tổ chức cuộc đấu giá ít nhất là 07 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá.

Đối với tài sản là bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá.

Đồng thời, việc thông báo theo đúng thời gian quy định tại Điều 57 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đó là: “… ít nhất 02 lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 2 ngày làm việc”. 

Thực tế có trường hợp, người có tài sản đề nghị thay đổi địa điểm tổ chức  vào những ngày cuối của thời gian nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá (tương ứng trước ngày mở cuộc đấu giá khoảng 2 ngày làm việc). Như vậy, yêu cầu niêm yết ít nhất là 7 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá (đối với động sản) và ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá (đối với bất động sản). Đồng thời, thực hiện đăng thông báo công khai ít nhất 2 lần và mỗi lần đăng thông báo công khai cách nhau ít nhất 2 ngày làm việc sẽ không thực hiện được. 

Do đó, trường hợp này chỉ nên yêu cầu niêm yết và đăng thông báo công khai trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản 1 lần trước ngày mở cuộc đấu giá 2 ngày làm việc thì sẽ có tính khả thi.

Năm là về chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản: Dự thảo Luật chưa quy định thật sự rõ ràng và đầy đủ các chế tài, mức bồi thường. Trong khi đó, thực tiễn thực thi pháp luật về đấu giá tài sản cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn có những biểu hiện tiêu cực, vi phạm xảy ra. Do đó, đề nghị: 

Xem xét quy định việc xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm việc công bố/đăng tải thông báo về việc đấu giá tài sản trên Cổng đấu giá tài sản quốc gia (như thông đồng, cố ý, cố tình không công bố..) của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác đấu giá tài sản, bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thống kê đầy đủ, chính xác giá giao dịch thị trường của tài sản (bao gồm giá đất/giá bất động sản), từ đó ảnh hưởng đến việc đưa thị trường tài sản vận hành theo cơ chế thị trường.

Nghiên cứu bổ sung chế tài nghiêm khắc hơn (như mức bồi thường cụ thể bằng tiền có giá trị cao…) đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về đấu giá tài sản, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp của đấu giá viên (như thông đồng, móc nối, dìm giá để trục lợi, phục vụ lợi ích nhóm…) dẫn đến sai lệch thông tin/kết quả đấu giá tài sản, cùng với việc hủy kết quả đấu giá, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top