Theo đánh giá của VNREA thực tế, từ trước đến nay, các hoạt động kinh doanh BĐS thường tập trung vào kênh trực tiếp truyền thống như gọi điện thoại, quảng cáo trực tiếp, quảng cáo qua banner, pano, poster, tạp chí... Tuy nhiên, với việc phát triển và thâm nhập sâu hơn của internet và Công nghệ số, các hoạt động marketing, truyền thông BĐS cũng lan rộng dần trên các trang tin, diễn đàn và mạng xã hội.
Theo đó, ngành BĐS đứng thứ 6 về lượng thảo luận trên mạng xã hội từ ngày 1/1- 31/3/2017 do thời gian này gồm các kỳ nghỉ lễ tết kéo dài nhiều ngày nên ảnh hưởng đến tâm lý, nhu cầu của khách hàng; lượng thảo luận về ngành BĐS không cao.
Về các phân khúc thị trường BĐS, căn hộ chung cư và BĐS nghỉ dưỡng là hai phân khúc thị trường được thảo luận nhiều nhất về ngành trên mạng xã hội, lần lượt chiếm (33% và 24% tổng thảo luận).
Các dự án chung cư phân khúc bình dân thu hút được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là các yếu tố như vị trí căn hộ, hệ thống tiện ích, thời gian bàn giao, chính sách mua…
Đánh giá của VNREA dựa trên cơ sở báo cáo khảo sát của SocialBeat - Hệ thống Lắng nghe, Phân tích và Hỗ trợ xử lý thông tin mạng xã hội, nhằm giúp chủ đầu tư BĐS, doanh nghiệp, môi giới và đặc biệt là những nhà marketing trong lĩnh vực này có thể bắt kịp xu hướng và chuẩn bị cho các chiến dịch tiếp theo.
Không chỉ đứng thứ 6 về lượng thảo luận trên mạng xã hội, BĐS cũng nằm trong số các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2017, cả nước có thêm 26.478 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 271.238 tỷ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. So sánh 2016 với năm 2015 cho thấy, số doanh nghiệp tăng 24,8%; vốn tăng 67,2%.
Điều này cho thấy, Luật doanh nghiệp 2014 đã lan tỏa một luồng sinh khí mới cho môi trường kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng liên tục so với các quý và số vốn cam kết đưa vào thị trường duy trì ở mức cao cho thấy doanh nghiệp vẫn tiếp tục tin tưởng và nhìn thấy nhiều cơ hội kinh doanh từ thị trường.
Trong đó, riêng lĩnh vực BĐS có 924 doanh nghiệp, tăng 55% về số doanh nghiệp và tăng 31% về số vốn.
Ngoài những tín hiệu tích cực nêu trên, theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, thị trường Tiền tệ - Tài chính - Ngân hàng quý I/2017 có nhiều tác động bất lợi đến thị trường BĐS.
Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động tại phần lớn các Ngân hàng Thương mại tăng trong quý I/2017 do quy định mới của NHNN về tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung - dài hạn và kế hoạch tăng lãi suất của FED trong năm nay tăng sức ép giảm giá lên đồng Việt Nam đồng.
Đến cuối quý I, nhiều ngân hàng huy động vốn vay dài hạn lên tới 9,2% (thông qua chứng chỉ tiền gửi). Điều này được VNREA dự báo sẽ khiến áp lực lãi suất cho vay gia tăng theo và có thể gây ra ảnh hưởng bất lợi đến thị trường BĐS.